Bản sao Paris tại Trung Quốc thành thị trấn ma, còn Hy Lạp cũng phải bỏ hoang các công trình phục vụ Olympic.
Không phải mọi quyết định kinh doanh được đưa ra đều chính xác, đặc biệt là với bất động sản. Trên thế giới, rất nhiều căn nhà, khách sạn, khu nghỉ dưỡng được xây dựng đã bị bỏ hoang vì lý do tài chính, khủng hoảng kinh tế hoặc nguyên nhân khác.
Sutyagin House được coi là một trong những căn nhà gỗ cao nhất thế giới, với 13 tầng và gần 44m. Doanh nhân Nikolai Petrovich Sutyagin bắt đầu xây căn nhà năm 1992 tại Arkhangelsk (Nga).
Trên Daily Telegraph, Sutyagin cho biết chiều cao ấn tượng này chỉ là “một tai nạn vui vẻ”. “Ban đầu, tôi chỉ định xây thêm 3 tầng thôi, nhưng nhìn căn nhà khi đó khá vô duyên, như cây nấm vậy. Vì thế, tôi làm thêm tầng nữa, nhìn vẫn không đẹp. Thế là tôi cứ xây tiếp”, ông nói.
Về sau, khi Sutyagin vào tù vì làm ăn phi pháp, căn nhà bị bỏ hoang và bắt đầu xuống cấp. Năm 2009, nó bị dỡ bỏ một phần để giảm nguy cơ gây hỏa hoạn. Đến năm 2012, phần còn lại cũng bị thiêu rụi trong một đám cháy tại đây.
Năm 2014, một hãng bất động sản ở Thổ Nhĩ Kỳ đã xây các căn biệt thự mô phỏng lâu đài mini cho giới giàu có. Khu này có tên Burj Al Babas, nằm tại thị trấn Mudurnu. Các căn giống hệt nhau, có giá 400.000 – 500.000 USD.
Ở đây có hơn 730 căn. Một nửa đã được bán cho các nhà đầu tư Arab giàu có. Tuy nhiên, rất nhiều người mua đã rút khỏi thỏa thuận khi Thổ Nhì Kỹ rơi vào suy thoái kinh tế, khiến thị trấn bị bỏ hoang.
Khi toàn bộ nhà đầu tư rút đi, hãng bất động sản này phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Burj Al Babas hy vọng có thể mở lại vào cuối năm nay.
Trung Quốc có rất nhiều thị trấn ma nổi tiếng. Tuy nhiên, Tianducheng là một trong các thị trấn thu hút nhiều sự chú ý nhất, vì là bản sao của Paris.
Tianducheng được xây dựng năm 2007, dự kiến cho 10.000 người. Nhưng ở đây hiện chỉ có khoảng 2.000 cư dân.
Du khách hoàn toàn có thể tới đây tham quan, với giá chỉ 82 USD cho một đêm tại Tianducheng Resort.
Chính phủ Hy Lạp đã bỏ ra số tiền khổng lồ để xây dựng các điểm thi đấu cho Olympic Athens 2004. Tuy nhiên, số công trình này sau đó đều bị bỏ hoang. Việc này càng đáng chú ý khi Hy Lạp đã chi vượt ngân sách hàng tỷ USD cho Olympic.
Sau đó, khi Hy Lạp rơi vào khủng hoảng kinh tế, các công trình này càng xuống cấp.
Sân bóng chuyền xây riêng cho Olympic cũng bị bỏ hoang.
Hà Thu (theo BI)
Theo Vnexpress