Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Những gói giải cứu "khủng" có vực dậy được một Vietnam Airlines chìm trong thua lỗ?

14/09/2021 08:53

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa đại diện Chính phủ để mua gần 690 triệu cổ phiếu HVN và trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Vietnam Airlines.

Gói "giải cứu" đặc biệt

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) đang thực hiện đợt chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp nhằm tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng.

Nhà nước (thông qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) đang sở hữu 86,19% vốn điều lệ của Vietnam Airlines nên được quyền mua 689,5 triệu cổ phiếu, trị giá 6.895 tỷ đồng. Chính phủ đã ủy quyền cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện giao dịch mua vào này.

Ngày 13/9, SCIC đã giải ngân số tiền 6.895 tỷ đồng để mua cổ phiếu Vietnam Airlines phát hành thêm, sở hữu tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của doanh nghiệp đầu ngành hàng không. Tỷ lệ sở hữu của "Siêu ủy ban" bị pha loãng còn 55,11%. Tổng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietnam Airlines vẫn là 86,19% như trước, chỉ bị tách ra làm hai phần.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, SCIC giải ngân đầu tư mua cổ phiếu Vietnam Airlines.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, SCIC giải ngân đầu tư mua cổ phiếu Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines đã trải qua 6 quý thua lỗ liên tiếp, đang âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 17.700 tỷ, tài sản ngắn hạn chỉ bằng chưa đầy 1/5 nợ ngắn hạn, rủi ro thanh khoản lớn, các chỉ số tài chính đều đang diễn biến theo chiều hướng xấu.

Sở dĩ Vietnam Airlines có thể chào bán 800 triệu cổ phiếu để thu về 8.000 tỷ đồng là do đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc cách. Nếu làm đúng theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ như Vietnam Airlines sẽ không được phép phát hành thêm cổ phần để huy động vốn. Việc đầu tư vào Vietnam Airlines, do vậy, là khá mạo hiểm và có thể dẫn tới rủi ro không bảo toàn vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, SCIC cho biết việc giải ngân tiền mua cổ phiếu HVN này là vì mục đích "khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội", khác với mục đích kinh doanh sinh lãi như với các thương vụ đầu tư khác của tổng công ty này.

SCIC cũng cho biết việc mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines sẽ góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Tổng Công ty Hàng không, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trước khi SCIC giải ngân tiền mua cổ phần, Vietnam Airlines đã được ba nhà băng là Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Hàng Hải (MSB) và Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cấp gói tín dụng tổng trị giá 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Sau khi cho Vietnam Airlines vay, các nhà băng được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn với lãi suất 0%, kỳ hạn tối đa là ba năm.

Hiện nay, SCIC là cổ đông lớn thứ 2 của Vietnam Airlines, chỉ sau Siêu ủy ban. Cổ đông lớn thứ 3 là tập đoàn hàng không ANA Holdings đến từ Nhật Bản. Trước đợt phát hành hiện tại, ANA sở hữu 8,77% vốn của Vietnam Airlines và được quyền mua thêm 70 triệu cổ phiếu HVN với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, bản thân ANA cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì Covid-19 nên đã không góp thêm vốn mà tặng toàn bộ số quyền mua nói trên cho người lao động của Vietnam Airlines. Sau đợt phát hành, tỷ lệ sở hữu của ANA bị pha loãng còn 5,6%.

Giải pháp “cứu cánh” cho doanh nghiệp

Tại thời điểm 30/6/2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn âm 2.750 tỷ đồng sau khi ghi nhận lỗ 8.585 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2021. Hãng hàng không quốc gia đã có 6 quý lỗ nặng liên tiếp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Lỗ luỹ kế lên tới 17.772 tỷ đồng. Nếu sau khi hoàn tất phát hành hoàn tất 8.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu, quy mô vốn điều lệ sẽ tăng lên thành 22.182 tỷ đồng, vượt mức 16.000 tỷ của Hãng Bamboo Airways và 21.772 tỷ của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để giữ ngôi đầu ngành hàng không Việt Nam. Hiện nay, nguồn thu Nhà nước giảm sút, chi tiêu cắt giảm, phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn có nhiều động thái, đề xuất giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines.

Năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm Vietnam Airlines lỗ hợp nhất lên tới trên 11.000 tỷ đồng. Năm 2021, HVN dự kiến lỗ hơn 20.000 tỷ đồng, nhưng sẽ cắt giảm chi phí 9.450 tỷ đồng, trong đó giải pháp tự thân hơn 6.000 tỷ đồng. Có nghĩa giảm lỗ tối đa nhờ cắt giảm chi phí đang là bước một của tái cấu trúc hoạt động. Dòng tiền âm rất lớn. Khoản 12.000 tỷ đồng này sẽ trợ giúp cho Vietnam Airlines để hỗ trợ thanh khoản cho thời điểm này, và cả những tháng đầu năm 2022.

Những gói giải cứu "khủng" có vực dậy được một Vietnam Airlines chìm trong thua lỗ? - Ảnh 1

 

“Nhưng đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra rất phức tạp, vẫn là một “ẩn số”. Chính vì vậy, Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ triển khai hàng loạt giải pháp khác, như tiếp tục tái cơ cấu lại tổ chức, tài chính, danh mục đầu tư, đặc biệt là đàm phán với các chủ nợ, các nhà cung cấp để giảm, giãn hoãn các chi phí này.

Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục tăng nguồn thu thông qua sử dụng máy bay để tăng cường chở hàng hóa, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo giao thương cho đất nước, vừa duy trì sự phát triển cho Vietnam Airlines” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà chia sẻ với báo giới.

Lãnh đạo Vietnam Airlines kỳ vọng, với sự quyết tâm của Chính phủ về chiến lược vaccine sẽ giúp ngành hàng không trong thời gian tới, đặc biệt là cuối quý 3, đầu quý 4/2021 sẽ có khởi sắc.

Trong phương án tái cơ cấu của Vietnam Airlines, về điều hành, sẽ tổ chức lại sản xuất phù hợp hơn với quy mô thị trường, tái cơ cấu lao động, tài sản và nguồn vốn. Hãng cho thuê lại các tàu bay không sử dụng, thanh lý đội tàu bay cũ, cải cách tiền lương, áp dụng chính sách lương mới trong dịch Covid-19...

Cũng theo Vietnam Airlines, hãng sẽ tìm các giải pháp để tối ưu hóa hoạt động, tăng doanh thu qua vận chuyển hàng hóa, bay thuê, mở đường bay mới… áp dụng đa kênh bán hàng để phát huy sức mạnh cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vietnam Airlines xác định trong bối cảnh hiện nay, khả năng xử lý máy bay thừa theo phương thức bán hoặc cho thuê lại gặp nhiều khó khăn, việc mở thêm đường bay mới có hiệu quả, giúp hãng tăng thêm doanh thu, giảm thiệt hại tài chính khi dư thừa nguồn lực do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Khoản đầu tư khá mạo hiểm

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay Chính phủ và Quốc hội đã có những động thái kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không, đơn cử như nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay mới đây, hoặc chính sách giảm thuế phí xăng dầu, chậm khấu hao trước đó.

Về việc Vietnam Airlines xin hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, theo PGS.TS Ngô Trí Long, vấn đề này có thể khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tính bình đẳng giữa các doanh nghiệp, liệu có sự thiên vị hay không?

Tuy nhiên, ông Long cho rằng ngành hàng không là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu để phục hồi kinh tế, cho nên nếu có "giải cứu" thì cần kế hoạch xuyên suốt, dài hạn, đảm bảo nguồn vốn của Nhà nước hay của SCIC, cũng là tiền của nhân dân được sử dụng cẩn trọng, tránh mắc sai lầm.

Đồng thời, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả còn cho rằng việc hỗ trợ nguồn vốn của Chính phủ chỉ là giải pháp ngắn hạn, nhằm khuyến khích doanh nghiệp duy trì hoạt động, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, cố gắng của chính bản thân các doanh nghiệp.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, doanh nghiệp này cần lên nhiều phương án tái cấu trúc nội tại, tiếp tục cắt giảm chi phí, giãn nợ, xin giảm lãi suất, chấp nhận giảm lương của người lao động, phương án tổng thể lâu dài... Để từ đó, có thể nhận được sự hỗ trợ không chỉ từ Nhà nước, mà còn đến từ các nhà đầu tư khác.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc "giải cứu" Vietnam Airlines bằng khoản đầu tư hàng nghìn tỷ là khá mạo hiểm. Cách tốt nhất là tư nhân hoá hơn nữa Vietnam Airlines.

Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Vietnam Airlines là hãng hàng không lớn, có thể tự cạnh tranh với tất cả các đối thủ khác trong lĩnh vực, nên không có lí do nào khiến Chính phủ phải nắm giữ quyền sở hữu lớn như thời điểm hiện nay.

"Chính phủ nên có lộ trình thoái vốn dài hạn, có thể từ nay đến 3 năm nữa, chứ không thể thoát 100% vốn ngay lúc này, Theo tôi, đó là giải pháp hữu hiệu nhất", TS. Hiếu nói.

Theo Phạm Giang/Doanh nhân Việt Nam