Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Những nhà đầu tư khôn ngoan

17/03/2020 10:38

Willson Cuaca, đồng sáng lập East Ventures - quỹ chuyên đầu tư hạt giống cho các startup triển vọng tại Jakarta; và Nicholas Nash, đồng sáng lập Asia Partners tại Singapore, nay là chủ tịch Sea - công ty Intertnet được định giá 14 tỉ USD, là hai ví dụ điển hình về đầu tư khôn ngoan.

Tôi có người bạn ở thung lũng Silicon, Andy Kessler, nổi tiếng trong lịch sử đầu tư công nghệ. Ông là chuyên gia phân tích hàng đầu về công nghiệp bán dẫn của Morgan Stanley vào những năm 1980.

Những nhà đầu tư khôn ngoan - ảnh 1

Những năm 1990, ông thành lập Velocity Capital Management, quỹ đầu cơ chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ tư nhân và đại chúng. Velocity được tạp chí Barron xếp hạng là một trong năm quỹ đầu cơ hàng đầu năm 1998.

Năm 1999, Kessler ngưng giao dịch quỹ. Ông dừng mua bán khi các cổ phiếu công nghệ rớt giá. Làm sao ông ấy biết? “Các nhà đầu tư Saudi,” ông trả lời.

Sau khi được tạp chí Barron vinh danh, những người giàu và các tổ chức – từ quỹ hưu trí, quản lý vốn của công ty đến các hoàng tử Ả Rập, đã liên tục lôi kéo Kessler để đầu tư vào Velocity. Kessler giải thích, đó là “dumb money” (dumb: ngốc).

Đương nhiên họ không phải là những kẻ ngốc nghếch, nhưng ở cương vị nhà đầu tư, họ đã chậm chân trong “bữa tiệc công nghệ” và hiểu biết rất ít về công nghệ, họ chỉ biết thị trường này đang rất hấp dẫn.

Tôi đã nghĩ đến cụm từ “tiền ngốc” khi đọc cuốn Bad Blood của John Carreyrou. Đây là bài điều tra được tìm đọc nhiều nhất về trường hợp của Theranos, công ty công nghệ sinh học tại thung lũng Silicon do Elizabeth Holmes thành lập.

Sản phẩm của công ty này, được gọi là Edison, áp dụng phương pháp lấy mẫu máu không đau bằng cách chích máu ở ngón tay và phân tích. Họ muốn thay cách lấy máu bằng kim tiêm gây đau ở cánh tay. Nhưng các mẫu máu dùng phương pháp Edison là không hề sử dụng được.

Theranos là một khoản đầu tư thất bại. Hàng tỉ đô la Mỹ đầu tư vào công ty đã bị mất. Các nhà đầu tư vào Theranos là ai? Ngoại trừ các nhà đầu tư mạo hiểm trong giai đoạn đầu, hầu hết đều là “dumb money.” Trong số các nhà đầu tư, có một nhà xuất bản toàn cầu, một cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ và một nữ thừa kế nổi tiếng hiện thuộc nội các của tổng thống Donald Trump.

Họ không hề ngốc nghếch ở những lĩnh vực khác, mà chỉ ngốc nghếch khi đầu tư vào công nghệ sinh học. Khi Đông Nam Á phát triển, trở thành điểm nóng đầu tư, nhiều nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận phi thường. Nhưng đó không phải là “dumb money”.

Vài tuần trước, tại hội nghị kỹ thuật số của Forbes Indonesia ở Jakarta, trưởng biên tập tạp chí Forbes Asia, Justin Doebele, và tôi đã phỏng vấn hai nhà đầu tư công nghệ thành công từ Đông Nam Á. Một người là Willson Cuaca, đồng sáng lập East Ventures ở Jakarta. Người còn lại là Nicholas Nash, đồng sáng lập Asia Partners tại Singapore.

Hai người có chiến lược khác nhau. Cuaca đầu tư hạt giống ở mức thấp vào các công ty Internet tiêu dùng, phần mềm dịch vụ và công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực di động. Ông phát hiện ra các công ty khi họ đang trong giai đoạn tăng trưởng ban đầu.

Tin vào trực giác, Cuaca thường đầu tư trong vòng 24 giờ sau khi gặp những người sáng lập, phong cách tương tự như Masayoshi Son. Phương pháp của ông có vẻ khác thường, nhưng ông có thể làm điều đó vì ông là một trong những doanh nhân Internet thành công đầu tiên của Indonesia vào đầu những năm 2000.

Cuaca hiểu biết lĩnh vực đầu tư của mình và hiểu những gì cần thiết để giành chiến thắng trong không gian công nghệ đang phát triển của Indonesia. Cuaca cho biết, năm ngoái, East Ventures mang lại tỉ lệ lợi nhuận 90% cho các đối tác.

Nash có cách tiếp cận khác, quen thuộc hơn, để đầu tư vào các công ty công nghệ Đông Nam Á. Nash học chuyên ngành vật lý tại Harvard và lấy bằng MBA từ Stanford. Ông tích lũy kinh nghiệm trong thời gian làm việc tại McKinsey và học cách đầu tư tại công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân General Atlantic.

Sau đó Nash trở thành chủ tịch tập đoàn Sea, công ty Internet hàng đầu Singapore, giúp công ty này niêm yết trên thị trường chứng khoán New York trong thương vụ IPO định giá công ty ở mức 14 tỉ USD. Mục tiêu của Nash tại Asia Partners là chiếm lĩnh khoảng trống mà ông nhận thấy trong mảng tài chính tầm trung dành cho các công ty công nghệ Đông Nam Á đang phát triển nhanh.

Trong khi Cuaca và những nhà đầu tư khác cấp vốn hạt giống, và các đối tác doanh nghiệp cùng các doanh nghiệp gia đình do các ông lớn lãnh đạo cung cấp nguồn tài chính ở giai đoạn sau, thì các nhóm tầm trung – vòng gọi vốn series C và D từ 20 triệu đến 100 triệu USD – mang đến cho Asia Partners cơ hội độc nhất vô nhị.

Cuaca và Nash cũng khác nhau trong cách mở rộng quy mô các công ty tăng trưởng nhanh. Cuaca muốn các công ty Indonesia thống lĩnh thị trường trong nước trước khi mở rộng. Nash lại nghĩ rằng Đông Nam Á, với khoảng 600 triệu dân, thị trường lớn gần giống với Trung Quốc, Hoa Kỳ và liên minh châu Âu. Ông thích các công ty của mình hiện diện trong khu vực Đông Nam Á càng nhanh càng tốt.

Cuaca và Nash là ví dụ điển hình về đầu tư khôn ngoan.

RICH KARLGAARD /Theo Forbes VietNam

Bạn đang đọc bài viết "Những nhà đầu tư khôn ngoan" tại chuyên mục Chuyện thương trường.