Từng là startup được đánh giá cao và thu hút sự chú ý từ nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, thế nhưng ứng dụng được ví như là 'Uber của giới Fitness' - WeFit vừa tuyên bố dừng hoạt động từ 11/5 và cho biết đã nộp đơn phá sản.
Onaclover, chủ sở hữu của ứng dụng WeFit mới đây đã gửi email thông báo cho khách hàng và đối tác các phòng tập về việc tuyên bố dừng hoạt động. Trong thư xin lỗi, Onaclover nêu rõ: “Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng sau những khủng hoảng từ đầu năm 2020 mặc dù đã rất nỗ lực để cải tổ, chúng tôi lại gặp phải những khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được do tình hình dịch bệnh COVID-19, vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn”.
Onaclover xác nhận không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, đã chính thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần công nghệ Onaclover tại Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội theo các quy định của pháp luật.
Ra đời vào cuối năm 2016, WeFit được xem như startup tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực healthy và fitness (sức khỏe và thể hình) tại Việt Nam. WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng. WeFit đã kết nối với hơn 600 phòng tập và cung cấp hơn 5.000 lịch tập luyện mỗi ngày.
Người dùng có thể đi tập tại bất cứ phòng tập nào trong hệ thống với hơn 20 bộ môn như: Gym, Yoga, Boxing, Zumba… và chỉ thanh toán một lần duy nhất cho tất cả các phòng tập trong hệ thống WeFit.
Chỉ sau hơn một năm hoạt động, WeFit đã đạt được mức tăng trưởng trung bình 40%/tháng, sở hữu khoảng 5.000 khách hàng sử dụng hàng tháng và 600 đối tác ở cả Hà Nội và TP.HCM, doanh thu năm 2017 đạt 700.000 USD. Tới năm 2019, WeFit đổi tên thành WeWow.
Về các khoản đầu tư, WeFit từng thu hút nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước bởi đây là startup trẻ trung cũng như là rất giàu tiềm năng, đặc biệt là tại một thị trường mới nổi như Việt Nam. Năm 2017, WeFit công bố nhận được khoản tiền đầu tư 155.000 USD từ Quỹ mạo hiểm ESP Capital. Ở thời điểm đó, ông Khôi Nguyễn – Nhà sáng lập của WeFit cho biết: “Số tiền đầu tư sẽ được sử dụng để startup thúc đẩy kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang triển khai kết nối những dịch vụ làm đẹp, spa mới trên nền tảng”.
ESP Capital là quỹ đầu tư có trụ sở đặt tại Singapore, chuyên rót vốn vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở giai đoạn đầu. WeFit cũng là khoản đầu tư thứ 6 của ESP Capital.
Đến đầu năm 2019, WeFit công bố đã gọi vốn thành công 1 triệu USD cho vòng đầu tư pre-series A tiếp theo từ Quỹ đầu tư CyberAgent Capital. Việc quỹ đầu tư CyberAgent Capital tham gia cùng WeFit được cho là sẽ giúp startup trẻ này rút ngắn rất nhiều thời gian để khai phá thị trường và đưa dịch vụ tới gần hơn với nhiều người.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dũng), Giám đốc của quỹ đầu tư CyberAgent Capital tại Việt Nam chia sẻ với báo chí vào thời điểm đó: “Chúng tôi rất ấn tượng với những gì WeFit đã xây dựng được trong 2 năm qua và tin rằng WeFit sẽ tạo ra một hành vi chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp ở Việt Nam hoàn toàn khác trong thời gian ngắn tới”.
Thời điểm mà WeFit công bố nhận được khoản đầu tư “khủng” này, lãnh đạo của ứng dụng cho biết, số tiền đầu tư sẽ được sử dụng để phát triển giai đoạn tiếp theo của sản phẩm và mở rộng thị trường mới. Năm 2019, WeFit đặt kỳ vọng sẽ có 1 triệu khách hàng sử dụng ứng dụng.
Cũng theo CrunchBase, Quỹ Vietnam Innovative Startup Accelerator và KB Investment đã từng tham gia vào các vòng gọi vốn của WeFit, song họ không công bố số vốn. Trang này cũng cho biết, tổng số vốn đầu tư mà WeFit gọi thành công tính đến thời điểm hiện tại đang là 1,2 triệu USD.
WeFit cùng với Founder Khôi Nguyễn nổi lên như một hiện tượng và được xem như là “tấm gương” cho nhiều startup trẻ khác trên con đường tìm kiếm thành công. Thế nhưng trước khi bị đại dịch COVID-19 nhấn chìm, mô hình kinh doanh và cách vận hành của WeFit đã bộ lộ nhiều nhược điểm khi dính vào hàng loạt bê bối với đối tác và khách hàng.
Theo ông Nguyễn Hải Đăng, người vừa được bổ nhiệm làm CEO của WeFit hồi tháng 2 vừa qua chia sẻ, WeFit đã sai ngay từ mô hình kinh doanh, cho đến định giá không đúng sản phẩm, đưa ra các chính sách bán hàng không hợp lý và vận hành chưa hiệu quả. Câu chuyện mất cân đối về dòng tiền do mô hình sản phẩm cứ tích lũy theo thời gian và WeFit quyết định thay đổi hoàn toàn mô hình cũ.
Trước WeFit, một startup hàng hiệu giá rẻ khác là Leflair từng gọi vốn được hàng triệu USD cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi không có khả năng trả nợ 50 tỷ đồng cho hàng trăm nhà cung cấp.
Nhật Minh
Theo SaoStar