Những sự cố Masan dính phải trước khi thâu tóm Vinmart và VinEco của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

03/01/2020 23:10

Trước khi nhận chuyển nhượng Vinmart và VinEco từ Vingroup, Tập đoàn Masan có khá nhiều vụ tai tiếng.

Trước khi nhận chuyển nhượng Vinmart và VinEco từ Vingroup, Tập đoàn Masan có khá nhiều vụ tai tiếng.

Masan thâu tóm Vinmart và VinEco từ Vingroup.
Masan thâu tóm Vinmart và VinEco từ Vingroup.)

Ngày 3/12, CTCP Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) và CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đã ký thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.

Theo nội dung thỏa thuận, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Theo đó Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Trong quý 3/2019, Masan thu về tổng doanh thu hợp nhất gần 9.324 tỷ đồng và đạt lãi ròng 2.228 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận này gần gấp 3 lần cùng kỳ.

Song song với việc kinh doanh tích cực, Masan - “ông vua” hàng tiêu dùng ở Việt Nam - nhiều phen làm khuấy động truyền thông và cả người tiêu dùng vì dính đến khá nhiều sự cố.

Sự cố Chinsu

Vào tháng 4/2019, Masan vướng phải lùm xùm liên quan đến việc Nhật Bản thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam. Sản phẩm này bị cho là có chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong sản xuất tương ớt ở Nhật.

Tổng cộng có 757 thùng, 18.168 chai tương ớt đã được bán cho Công ty TNHH Công nghiệp ISC từ tháng 10 đến tháng 12/2018.

Đáp lại sự cố trên, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, Chủ tịch HĐQT Masan ông Nguyễn Đăng Quang cho hay: "Chúng ta phải thẳng thắn nói về điều Masan làm chưa tốt như chưa chủ động, còn ít chia sẻ các thông tin với báo chí, truyền thông.

Và chúng ta nghĩ rồi mọi người sẽ hiểu. Nhưng trên thực tế cho thấy rằng, chúng ta cần làm tốt hơn việc chia sẻ với báo chí, truyền thông, cởi mở hơn để mọi người hiểu được".

Trước câu hỏi về những sự cố, sự hiểu lầm ảnh hưởng đến kinh doanh như thế nào? ông Quang cho hay, ảnh hưởng không đến nhiều đến tình hình kinh doanh bởi Masan có đầy đủ các sản phẩm gia vị. Masan Consumer cuối cùng sẽ là người quyết định.

Sự cố Chinsu xảy ra với Masan hồi tháng 4/2019.

"Ngày hôm nay chúng ta phải làm tốt nhất hai điều là Masan Consumer tin dùng, điều làm chưa tốt thì phải làm cho tốt hơn. Không ai hoàn hảo, quan trọng là hiểu ra, nhận ra, học được cách làm tốt hơn ngày hôm qua."

Sự cố trên không phải là lần đầu tiên mà Masan dính phải, trước đó có khá nhiều tai tiếng bủa vây Masan, trong đó nhiều nhất là liên quan đến chiến lược marketing của Tập đoàn.

Lùm xùm quảng cáo: Bột ngọt, mì Tiến Vua, nước mắm Nam Ngư,…

Masan thuộc nhóm doanh nghiệp rất mạnh tay chi tiền cho quảng cáo.

Rất lâu, từ năm năm 2014, Masan chi 1.282 tỷ đồng, tương đương 10% tổng doanh thu thì đến năm 2015, chi phí quảng cáo đã lên tới 1.500 tỷ đồng, tương đương 11% doanh thu.

Thế nhưng trong 6 tháng đầu năm 2019, Masan đang hạn chế chi cho quảng cáo khuyến mãi khi con số này giảm khá mạnh tới 27% so với cùng kỳ, chỉ ghi nhận hơn 797 tỷ đồng.

Chuyện quảng cáo vốn là quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi những gì được quảng cáo đi quá xa với sản phẩm thực tế thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Còn nhớ trong năm 2013, Masan dính lùm xùm về tính trung thực trong các quảng cáo của Tập đoàn.

Cụ thể, đánh vào tâm lý sợ bột ngọt của người Việt, Masan đã tung ra quảng cáo Chinsu “hạt nêm không bột ngọt”. Tuy nhiên, sau khi mẫu hạt nêm không bột ngọt này của Masan được đưa đi kiểm nghiệm tại Trung Tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM, dư luận mới ngã ngửa khi biết Chinsu không chứa bột ngọt mà chứa bột… siêu ngọt.

Còn mỳ Tiến Vua - “Mỳ vì sức khỏe” của Masan được quảng cáo là “không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không chứa Transfat (loại chất béo gây chứng đột quỵ, đau tim và bệnh mạch vành) xuất hiện ra rả trên truyền hình khiến không ít người tiêu dùng đặt trọn niềm tin cho sản phẩm này. Thế nhưng qua kiểm nghiệm, Mỳ Tiến Vua được xác định là có Transfat.

Masan từng dính phải lùm xùm khi quảng cáo Nam Ngư không đúng sự thật.

Chưa hết, trong khi người tiêu dùng đang hoang mang về thông tin thất thiện cho rằng nhiều loại nước mắm "có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng" quy định do một hiệp hội công bố và chưa được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận, thì đã có 2 thương hiệu nước mắm nhanh chóng tung ra thị trường đoạn quảng cáo với tuyên bố "đạt chuẩn an toàn thạch tín".

Đó chính là quảng cáo của 2 thương hiệu nước mắm Chinsu hương cá hồi và nước mắm Nam Ngư... do Masan sản xuất.

Trước sự phản ứng cực kỳ “nhanh nhạy” này của Masan, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ. Và trong khi người tiêu dùng “ngã ngửa” khi Bộ Y tế công bố 100% mẫu nước mắm an toàn, thì hình ảnh của Masan cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi bị dư luận cho rằng doanh nghiệp có hành vi trục lợi từ khủng hoảng.

Anh Nhi

Theo Vietnamdaily