Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Những 'ván bài' thâu tóm và quyền lực đổi ngôi của doanh nghiệp ngoại

08/08/2018 13:56

Việc mở rộng kinh doanh xuyên biên giới chưa khi nào đơn giản, ngay cả với những tập đoàn lớn. Điểm chung của những cuộc “đánh chiếm” dài hơi đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư rõ ràng, bài bản, nhạy bén thị trường và am hiểu luật pháp quốc gia họ đặt chân tới.
Quyền lực đổi ngôi

Trong bức tranh chung của Việt Nam, thương vụ lịch sử Thai Beverage (ThaiBev) thâu tóm Sabeco là gam màu nổi bật nhất.

Mất 4 năm tìm hiểu cùng số tiền hơn 4,8 tỷ USD, người Thái chính thức nắm trọn cổ phần chi phối 53,59% vốn của doanh nghiệp lớn nhất ngành bia Việt Nam - Sabeco vào tháng 12/2017.

Ngay sau đó, người Thái liên tục đưa người vào những vị trí chủ chốt trong Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành của Sabeco. Trong đó, vị trí cao nhất là chức Chủ tịch HĐQT chính thức do ông Koh Poh Tiong (Giám đốc Fraser & Neave kiêm Chủ tịch ThaiBev/F&N Beer Group) đảm nhiệm.

Các vị trí thành viên HĐQT còn lại gồm 2 người Thái Lan và 4 người Việt Nam. Trong đó có bà Trần Thị Nga làm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vietnam Beverage - đơn vị trực tiếp mua lại Sabeco; ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Lương Thanh Hải đại diện cho phần vốn nhà nước (tương ứng 20% và 16% vốn điều lệ).

Ngoài ra, chức vụ Tổng giám đốc cũng do người Thái - ông Neo Gim Siong Bennett đảm nhiệm từ 1/8. Ông Neo Gim Siong Bennett hiện còn là Chủ tịch HĐQT Nước giải khát Chương Dương (Mã: SCD), công ty con Sabeco nắm hơn 62% cổ phần.

Giữa tháng 7, Sabeco thành lập Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn, vốn điều lệ 10 triệu đồng để bán buôn các loại bia rượu, nước giải khát. Cuối tháng, ThaiBev tăng vốn tại Công ty TNHH Đồ uống Quốc tế Việt Nam (IB Vietnam) lên 1 triệu USD. Đây là công ty con của International Beverage Holdings Limited (IBHL) tại Singapore.

Đáng nói, việc thành lập thêm công ty con làm dấy lên mối nghi ngại rằng Sabeco có tiếp tục thực hiện hành vi chuyển giá?

Năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện hành vi này của công ty dẫn đến kê khai thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt và truy thu gần 410 tỷ đồng. Quy trình của Sabeco là tự sản xuất, phân phối sản phẩm cho các công ty con, sau đó qua công ty khu vực và các đại lý rồi mới đến người tiêu dùng. Chính điều này gây khó khăn trong việc xác định mốc thời điểm chịu thuế của doanh nghiệp.

Sau khi thay "máu" cổ đông cùng các ban bệ, hoạt động kinh doanh của Sabeco phải đối mặt với thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 5% từ ngày 1/1/2018, đồng thời giá nguyên vật liệu bị đẩy lên cao bởi mùa vụ và thời tiết. Do đó, công ty dự kiến lợi nhuận giảm 19% so với năm 2017, khoảng 4.007 tỷ đồng; trong khi doanh thu tăng nhẹ lên 26.092 tỷ đồng. Tân Chủ tịch Sabeco cho hay, Công ty sẽ hợp tác chặt chẽ với Thai Bev cải thiện giá nguyên liệu đầu vào.

Nhiệm kỳ mới, Chủ tịch HĐQT Sabeco cam kết sẽ đưa các thương hiệu bia Sài Gòn như 333, Special ra thế giới nhờ hệ thống phân phối đang có của ThaiBev. Trước mắt là thị trường Singapore và sau đó là nhiều nước khác. Như vậy, công ty con có thể hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều cơ hội mua hàng.

Trái ngược với Sabeco, F&N Dairy Investments của tỷ phú Thái Charoen khá chật vật để tăng sở hữu tại doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam - CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM). F&N từng đăng ký 19 lần mua thêm hàng chục triệu cổ phiếu VNM nhưng đều bất thành.

Hiện F&N sở hữu hơn 251 triệu cp VNM (17,31% vốn) và là cổ đông lớn thứ hai sau SCIC (36,01% vốn). Thành viên HĐQT Vinamilk có ông Michael Chye Hin Fah được bổ nhiệm từ tháng 4/2017.

Tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan hoàn tất thâu tóm doanh nghiệp chiếm thị phần nhựa đầu ngành - CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) với tỷ lệ sở hữu 54,39%. Sau thâu tóm, SCG đã đưa ba người vào HĐQT gồm ông Sakchai Patiparnpreechavud- Chủ tịch HĐQT, ông Sumphan Luveeraphan - Tổng Giám đốc và ông Wisit Rechaipichitgool - Trợ lý Chủ tịch SCG Việt Nam.

Được biết, Công ty TPC Vina là đối tác từ năm 1998, hiện cung cấp 50% nguyên liệu PVC cho Nhựa Bình Minh và là công ty con của SCG. Quý II/2018, do tốc độ tăng của giá vốn hàng bán lớn hơn tốc độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của công ty giảm nhẹ còn 248 tỷ đồng. Kết quả Nhựa Bình Minh lãi sau thuế 140 tỷ đồng, tăng 9%.

 
(NH tổng hợp)

Xu hướng M&A các công ty chứng khoán

Khác với các Tập đoàn Thái Lan, các doanh nghiệp Hàn Quốc lại muốn lấn sân vào lĩnh vực tài chính Việt Nam thông qua hoạt động M&A các công ty chứng khoán (CTCK) như Shinhan, Mirae Asset, Maybank KimEng, KIS Việt Nam...

Năm 2015, Công ty Shinhan Investment Corporation (Hàn Quốc) - chủ sở hữu của CTCK Shinhan Việt Nam (SSV) nhận chuyển nhượng toàn bộ 14 triệu cổ phần từ các cổ đông của CTCK Nam An (NASC).

Tháng 10/2017, KB Securities Co. Ltd., thuộc KB Financial Group Inc đã mua lại 99% cổ phần CTCK Maritime (Mã: MSI) từ nhóm cổ đông trong nước với giá 35 tỷ won (khoảng 31 triệu USD, tương đương hơn 700 tỷ đồng).

Đầu năm nay, Tập đoàn Prudential công bố bán 100% mảng tài chính tiêu dùng tại Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC) cho Công ty thẻ Shinhan (Shinhan Card - Công ty con thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan) với giá ước tính 151 triệu USD.

Ông Nic Nicandrou - Giám đốc điều hành Tập đoàn Prudential Châu Á cho biết: "Là một phần của thương vụ này, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng nền tảng khu vực của mình thông qua mối liên kết ngân hàng bảo hiểm dài hạn mới với Shinhan ở cả Việt Nam và Indonesia để tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiết kiệm và bảo hiểm ngày càng tăng của người Châu Á".

Một thương vụ khác phải kể đến là Công ty Chứng khoán Yuanta - Đài Loan mua 100% vốn CTCK Đệ Nhất (FSC) và đổi tên thành CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) hồi đầu năm. ĐHCĐ thường niên 2018 của Yuanta đã thông qua phương án tăng vốn với hình thức phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phần (tỷ lệ 3:7) cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.

Cuối tháng 4, CTCP Chứng khoán Biển Việt chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Chứng khoán NH Việt Nam do Công ty NH Investment & Securities của Hàn Quốc nắm giữ 100% vốn.

Nhìn chung, việc mở rộng kinh doanh xuyên biên giới chưa khi nào đơn giản, ngay cả với tập đoàn lớn. Điểm chung của những cuộc “đánh chiếm” dài hơi đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư rõ ràng, bài bản, nhạy bén thị trường và luật pháp tại quốc gia nơi họ đặt chân tới. Mặc dù, việc thành thạo những chủ đề này không phải khi nào cũng đem lại thành công.

Nhật Huyền

Theo Kinh tế & Tiêu dùng