Nikkei: Google đang chuyển sản xuất điện thoại Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam

28/08/2019 21:04

Google đang tích cực chuyển khâu sản xuất dòng điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc sang tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng giá rẻ tại Đông Nam Á, đóng vai trò là bàn đạp cho tham vọng phần cứng đang nhen nhóm của hãng.
1

Ảnh: Nikkei Asian Review

Chọn nhà máy cũ của Nokia ở Bắc Kinh làm "nhà mới"

Từ mùa hè năm nay Google đã làm việc cùng đối tác để bắt đầu chuyển đổi một nhà máy cũ của Nokia ở Bắc Ninh để đảm nhận khâu sản xuất dòng điện thoai Pixel, Nikkei Asian Review dẫn hai nguồn tin thân cận cho hay.

Bắc Ninh cũng là "chốt cắm" mà Samsung đã chọn để phát triển chuỗi cung ứng điện thoại thông minh của hãng một thập kỉ trước, do đó Google sẽ có cơ hội tiếp cận lực lượng lao động có kinh nghiệm ở đây.

Việc Google nỗ lực phát triển cơ sở sản xuất ngay tại Việt Nam phản ánh khó khăn kép mà gã khổng lồ công nghệ Mỹ gặp phải ở đất nước tỉ dân, đó là: chi phí lao động đang lên cao và thuế quan tăng vọt vì cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Theo nguồn tin của Nikkei, Google dự định sẽ chuyển khâu sản xuất của phần lớn thiết bị phần cứng dành cho thị trường Mỹ ra khỏi Trung Quốc, trong đó bao gồm điện thoại Pixel và loa thông minh nổi tiếng của hãng - Google Home.

Dù vẫn là "tay mơ" trên thị trường, thương hiệu điện thoại của Google đang phát triển mạnh mẽ

Dây chuyền sản xuất tại Việt Nam sẽ là một phần quan trọng trong nỗ lực tăng trưởng trên thị trường điện thoại thông minh của Google. Cụ thể, hãng này đặt mục tiêu xuất xưởng khoảng 8 - 10 triệu chiếc điện thoại trong năm nay, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Theo công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint, thương hiệu điện thoại thông minh Pixel của Google vẫn là một "tay chơi" chưa tên tuổi trong ngành, thậm chí còn chưa lọt vào top 10, tuy nhiên thương hiệu này đang phát triển nhanh chóng.

Dòng điện thoại Pixel với mức giá tầm trung, được ra mắt vào tháng 4, đã giúp Google trở thành thương hiệu di động lớn thứ 5 tại Mỹ trong quí II/2019 và chiếm lấy thị phần bất chấp ngành công nghiệp điện thoại thông minh đang đi xuống.

Chiến dịch theo đuổi công nghệ phần cứng táo bạo của Google được dự đoán sẽ gây áp lực lên các nhà sản xuất di động hạng hai như LG Electronics và Sony, hai công ty vốn cũng đang gặp khó khăn khi ngành công nghiệp này đối mặt với năm suy yếu thứ ba liên tiếp.

Bằng cách đa dạng hóa sản xuất tại Việt Nam, Google hi vọng sẽ duy trì ổn định hoạt động sản xuất dòng điện thoại Pixel, một sản phẩm sử dụng hệ điều hành Android của chính hãng này.

Được cài đặt trong khoảng 80% điện thoại thông minh trên toàn thế giới, Android đang gặp phải thách thức từ đối thủ Trung Quốc Huawei Technologies - nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới này đã công bố nền tảng di động riêng của mình là Harmony OS hồi đầu tháng 8.

Năm 2018, Google đã xuất xưởng khoảng 4,7 triệu điện thoại thông minh, chỉ chiếm 0,3% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, đại gia công nghệ Mỹ này đã bán được 4,1 triệu chiếc trong nửa đầu năm nay nhờ vào sản phẩm Pixel 3A (có giá 399 USD), theo IDC.

Gần 70% doanh số điện thoại thông minh của Google trong năm 2018 là ở Mỹ, thị trường lớn nhất của họ, theo sau là Anh và Nhật Bản. Đối với loa thông minh, Mỹ cũng chiếm khoảng 64% doanh số bán hàng.

Theo kế hoạch hiện tại, Google sẽ chuyển sản xuất điện thoại Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam trước thời điểm cuối năm nay.

Còn về dòng loa thông minh, một số qui trình sản xuất có thể sẽ được chuyển đến Thái Lan. Tuy nhiên, hoạt động phát triển sản phẩm mới và sản xuất thời kì đầu cho dòng sản phẩm phần cứng vẫn diễn ra tại Trung Quốc.

"Google có thể duy trì một số hoạt động ở Trung Quốc. Công ty công nghệ Mỹ biết rằng nếu họ nghiêm túc về việc sản xuất phần cứng, không thể bỏ qua thị trường khổng lồ ngay tại Trung Quốc được", Nikkei Asian Review dẫn lời nguồn tin thân cận.

"Tuy nhiên, Google nhận thấy, do chi phí gia tăng và môi trường vĩ mô, họ cần phải có cơ sở sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc trong dài hạn để hỗ trợ cho mục tiêu chế tạo phần cứng".

Mục tiêu sâu xa của Google khi chuyển đến Việt Nam: Dùng phần cứng làm bàn đạp cho doanh số phần mềm, dữ liệu và quảng cáo

Google là công ty mới nhất tìm kiếm sự an toàn thông qua đa dạng hóa sản xuất, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.

HP và Dell đã chuyển khâu sản xuất máy chủ ra khỏi Trung Quốc đại lục để tránh thuế từng phạt của Washington, đồng thời chuyển hoạt động sản xuất máy tính xách tay sang đảo Đài Loan và các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam, Thái Lan và Philippines.

Apple cũng đã bắt đầu nghiên cứu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mặc dù hãng này vẫn phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc khi mà hơn 90% thiết bị phần cứng của "táo khuyết" được sản xuất tại Trung Quốc.

Tương tự các công ty công nghệ Internet khác, Google cũng xem phần cứng là phương tiện "khóa chặt" người dùng vào hệ sinh thái phần mềm của hãng. Amazon và Alibaba Group cũng đang sử dụng loa thông minh kích hoạt bằng giọng nói để thu hút người tiêu dùng khám phá dịch vụ thương mại điện tử của họ.

"Mục tiêu chính của Google khi kinh doanh phần cứng là nhằm giúp bộ phận kinh doanh phần mềm, dữ liệu và quảng cáo phát triển và tạo đà cho hệ sinh thái của công ty đi lên", nhà phân tích Joey Yen của IDC cho hay.

Tuy nhiên, Google có thể tăng doanh số bán điện thoại thông minh nếu Huawei mất quyền tiếp cận hệ điều hành Android do chính sách cấm vận mà Washington áp lên gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

"Bên ngoài thị trường Trung Quốc, vẫn còn nhiều thách thức cho hệ điều hành Harmony OS của Huawei để phát triển thành một hệ sinh thái hoàn thiện và ổn định", bà Yen nói.

Google hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Nikkei Asian Review về thông tin này.

Yên Khê

Theo Kinh tế & Tiêu dùng