Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Nikkei: Grab đang chật vật mở rộng tại Việt Nam, trong khi sức ép của Go-Viet, Fastgo, Vato ngày càng tăng

28/08/2018 15:55

Ứng dụng gọi xe Grab được cho rằng đang gặp phải rào cản lớn khi triển khai kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.


Ứng dụng gọi xe Grab được cho rằng đang gặp phải rào cản lớn khi triển khai kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.

Dù thương vụ thâu tóm Uber Đông Nam Á hoàn tất mở ra thị trường rộng lớn nhưng Grab vẫn đang gặp khó khăn trong việc mở rộng tại Việt Nam. Hiện tại, họ vẫn chưa nhận được giấy phép hoạt động từ chính quyền ở một vài địa phương vốn nổi tiếng về du lịch – các địa điểm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hãng. Một trong những khu vực đang gặp khó như vậy gồm có Khánh Hòa.

Việt Nam đã triển khai chương trình thí điểm kéo dài 5 năm tới năm 2021 với sự tham gia của 10 công ty bao gồm Grab và các hãng taxi truyền thống. Theo chương trình này, các công ty chỉ được cung cấp ứng dụng đi chung xe tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh – những địa điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước.

Một tài liệu cho thấy Grab Việt Nam phàn nàn rằng phía Khánh Hòa không cung cấp chỉ dẫn chi tiết cho Grab trong khi đó họ lại chấp thuận cho những hãng taxi khác hoạt động thử nghiệm dịch vụ đi chung xe.

"Chúng tôi gặp vấn đề trong việc ra mắt dịch vụ tại Khánh Hòa mặc dù thực tế đây là địa phương nằm trong chương trình 5 năm", đại diện Grab nói.

Trên thực tế, Khánh Hòa chỉ cho phép dịch vụ GrabTaxi hoạt động với điều kiện Grab phải hợp tác với các hãng taxi địa phương và đội ngũ taxi giới hạn trong khoảng 1.200 chiếc. Tuy nhiên, Grab nhanh chóng bị cáo buộc vi phạm quy tắc khi chấp nhận tài xế từ các địa phương khác và ô tô cá nhân để cung cấp dịch vụ ở Nha Trang, gây ra tắc nghẽn trong thành phố.

Một đại diện từ Sở giao thông vận tải Khánh Hòa nói rằng các nhà chức trách "không thể chấp thuận sự có mặt của Grab bởi cấu trúc giao thông tại Nha Trang đang bị quá tải gây ra vấn đề tắc nghẽn trên nhiều đường phố".

Grab cung cấp dịch vụ đa dạng gồm GrabTaxi, GrabBike, GrabShare và dịch vụ vận chuyển tại các địa điểm cho phép và họ đang tích cực mở rộng sang những khu vực khác ở Việt Nam. Đầu năm nay, Grab đã mua Uber Đông Nam Á, loại bỏ đi 1 đối thủ cạnh tranh và làm hạ nhiệt cuộc chiến tranh về giá trong khu vực.

Thời điểm này, sự mở rộng đặc biệt quan trọng với Grab nhằm ổn định tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam, nhất là khi nhiều thành phố được chấp thuận trong chương trình này đang ngày một thu hút khách du lịch.

Cùng thấy được tiềm năng đó, nhiều người chơi mới như các startup gồm Fastgo, Aber và Vato cũng tham gia thị trường. Tất cả đều đang nỗ lực mở rộng hoạt động. Chưa kể đến những người chơi ở nước ngoài gồm Go-Jek của Indonesia thông qua hợp tác với Go-Viet.

Tháng 6, Bộ giao thông vận tải Việt Nam đã từ chối lời đề nghị của Grab được mở rộng dịch vụ bao gồm gọi xe đạp và vận chuyển sang những tỉnh khác vốn thu hút khách du lịch như Ninh Bình, Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Phía Hiệp hội taxi tại các địa phương mà Grab đang hoạt động thì phàn nàn rằng họ đã mất thị phần vì đối thủ cạnh tranh quá mạnh.

Trong khi đó, Cục quản lý cạnh tranh Việt Nam vẫn đang xem xét thỏa thuận giữa Grab và Uber. Tháng 5, các nhà chức trách nói rằng thị phần của Grab tại Việt Nam sau thương vụ này đã tăng lên 50%, có dấu hiệu vi phạm các quy định của địa phương.

Trong văn bản gửi Thủ tướng chính phủ vào tuần trước, hiệp hội taxi Hà Nội nói rằng việc không giới hạn đội xe của Grab nhưng lại hạn chế đội xe của các nhà khai thác taxi khác khiến số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi có hợp đồng với Grab tăng cao.

Sau 2 năm triển khai chương trình thí điểm 5 năm, số lượng taxi công nghệ đã cao gấp 3 lần taxi truyền thống. Điều này làm cản trở quy hoạch giao thông tại các thành phố lớn và gây tắc nghẽn giao thông.


Phương Linh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế/Nikkei