Sau khi công bố thiệt hại 1.000 tỷ đồng, Asanzo cho biết, doanh số bán hàng sụt giảm mạnh liên tục 70-80%, giá trị thương hiệu Asanzo đang về con số 0.
Kết quả kiểm tra Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7. Trong thời gian này, không ít người tiêu dùng lên tiếng, cho rằng, cần có kết quả kiểm tra để tránh hoang mang, lo lắng khi lựa chọn tiêu thụ sản phẩm của Asanzo.
Câu trả lời cho những hoài nghi về việc doanh nghiệp có lừa dối người tiêu dùng hay không cần được làm sáng tỏ.
Bản thân Asanzo cũng từng trình thỉnh nguyện thư mong sớm có kết quả điều tra về nghi vấn xuất xứ sản phẩm để ổn định việc sản xuất. Trước đó, Asanzo "than" rằng, doanh nghiệp này chịu thiệt hại 1.000 tỷ đồng liên quan đến cáo buộc gian lận trong dán nhãn sản phẩm.
Trao đổi với phóng viên, đại diện của tập đoàn Asanzo cho hay, gánh nặng trong thời gian này, là hàng hóa ứ đọng, không lưu thông hay hiện diện trên thị trường. Trong khi đó, chi phí nhân sự hàng tháng mà doanh nghiệp này cần chi trả để duy trì hoạt động và ổn định đời sống của công nhân viên là gần 20 tỷ đồng.
"Đáng tiếc nữa là công tác chuẩn bị khánh thành và trang bị máy móc cho Viện nghiên cứu tại nhà máy công nghệ cao đều bị buộc hủy bỏ và bồi thường cho phía đối tác lên đến vài tỷ đồng để phối hợp điều tra trước ngày dự kiến khánh thành chỉ vài hôm", vị đại diện cho biết.
Báo cáo kết quả kiểm tra Asanzo trước 30/7.
Theo những gì Asanzo trao đổi, hiện, doanh nghiệp đã buộc phải rút tài trợ Giải vô địch bóng chuyền nữ U23 Châu Á 2019, ngay sau khi ngừng tại trợ Giải bóng đá hạng nhì quốc gia 2019.
"Dự án xã hội “Nước sạch học đường”, hỗ trợ lắp đặt miễn phí máy lọc nước sạch cho 1.000 điểm trường nghèo trên cả nước cũng bị trì hoãn do áp lực. Bên cạnh đó, CEO Phạm Văn Tamvà Asanzo bị buộc dừng phát sóng trên truyền hình ở một số chương trình và phải chịu mất chi phí bồi thường hợp đồng. "Chúng tôi đang chịu nhiều tổn thất", đại diện Asanzo cho biết.
Sau gần 1 tháng hầu như ít chia sẻ với báo giới chi tiết những thiệt hại của doanh nghiệp, ông chủ Asanzo Phạm Văn Tam cũng đã lên tiếng.
Vị này cho rằng, các con số về tổn thất tài sản, giảm sút lợi nhuận chưa thể thống kê cụ thể. Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất mà ông Tam cảm nhận sau sự việc này đó là giá trị thương hiệu Asanzo bị ảnh hưởng.
"Các đối tác, bạn hàng lâu năm dồn dập hỏi về chúng tôi như dấu hiệu của một doanh nghiệp sắp bị phá sản. Giá trị thương hiệu đã gây dựng nhiều năm qua gần như trở về con số 0, thậm chí “âm”. Đây là một tổn thất nặng nề nhất.
Toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh, Chợ Lớn, Thiên Hòa, Lotte, Big C... ra thông báo ngừng trưng bày và cho phép đổi trả hàng khi chưa có sự đồng ý thống nhất từ hãng. Chưa kể, các đại lý, cửa hàng tại các tỉnh trả lại hàng hóa.
Điều này khiến doanh số Asanzo trong gần 1 tháng qua ảnh hưởng trầm trọng, ước tính vài trăm tỷ đồng, doanh số bán sụt giảm mạnh liên tục 70-80%", ông Tam nói.
Theo ông Phạm Văn Tam, khi toàn bộ các rủi ro ập đến quá nhanh, toàn thể cán bộ, công nhân viên của Asanzo đã hoang mang, lo sợ.
"Gia đình người thân của họ đứng ngồi không yên vì thông tin này. Chúng tôi vẫn đang cầm cự, khá nhiều công nhân đã xin nghỉ việc", ông Tam thông tin.
Ông chủ Asanzo cho rằng, ngoài những thiệt hại tức thời như trên thì chi phí để khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất và ổn định kinh doanh trong thời gian sắp tới cũng là một bài toán nan giải, mất rất nhiều công sức, kinh tế và nhân sự.
"Con số dự kiến lên đến vài nghìn tỷ đồng trong thời gian ít nhất là 1 năm", CEO Asanzo chia sẻ.
Bên cạnh những trao đổi với báo giới về tình hình sản xuất của Asanzo, trong nỗ lực cứu vãn thương hiệu với người tiêu dùng, ông chủ Phạm Văn Tam "cực chẳng đã" công bố một phần bí quyết sản xuất của doanh nghiệp, trong đó có bản thiết kế bảng mạch.
Một bản thiết kế của Asanzo được ông chủ Phạm Tam chia sẻ.
Người đứng đầu Asanzo cho rằng, việc bỏ chất xám, công sức thiết kế ra phần "linh hồn" của sản phẩm là cơ sở để doanh nghiệp này có thể dán nhãn Made in Vietnam trên hàng hóa.Vị này cho biết, Asanzo kỳ vọng làm ra những sản phẩm ở vị trí thứ 2 trong một căn nhà.
"Đó có thể chỉ là chiếc tivi giá rẻ, đặt trong phòng ngủ, chứ chúng tôi không ganh đua tivi Asanzo phải đặt trang trọng ở phòng khách", ông Tam nói.
Về định hướng tương lai về chiến lược nâng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp điện tử, chủ tịch Asanzo cho biết, hiện dự định này phải tạm ngưng vô thời hạn sau thiệt hại lần này.
Trong diễn biến khác, lãnh đạo ngành hải quan cho biết, cơ quan này đã ra quyết định kiểm tra 27 doanh nghiệp có liên quan trong vụ nghi vấn Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam.
Các đơn vị được yêu cầu khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ thanh kiểm tra và báo cáo trước 30/7.
Thebiz/Theo Dân sinh