Nợ nần, thua lỗ, Shark Vương liên tục rời bỏ 'con cưng' từ TH1 đến SAM Holdings: Các chủ nợ tính sao?

01/09/2018 08:33

Hiện, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đang là chủ nợ lớn nhất của hai công ty SAM Holdings và TH1 - hai công ty "con cưng" mà ông Trần Anh Vương (Shark Vương) vừa rút lui khỏi vị trí lãnh đạo.

Từ bỏ hai "con cưng"

Ngày 31/8/2018, HĐQT Công ty Cổ phần SAM Holdings (tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM – là một trong hai công ty cổ phẩn đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam (mã: SAM)) đã có quyết nghị thông qua đơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Trần Anh Vương (còn được biết đến với tên "Shark" Vương), có hiệu lực từ ngày 31/8/2018.

Đồng thời, HĐQT của SAM Holdings cũng thông qua bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của đơn vị này đối với ông Trần Việt Anh (hiện đang giữ chức danh phó Tổng Giám đốc) kể từ ngày 31/8/2018.

shark_vuong

Ông Trần Anh Vương (Shark Vương) từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty Cổ phần SAM Holdings.

Trước đó, ông Trần Anh Vương đăng ký bán ra gần 15,28 triệu cổ phiếu SAM, tương ứng 6,32% vốn điều lệ nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính, giao dịch từ ngày 29/8/2018 – 29/9/2018. Mục đích thực hiện giao dịch bán 15,3 triệu cổ phiếu SAM được Shark Vương đưa ra là nhu cầu tài chính cá nhân.

Sau giao dịch, ông Vương cũng sẽ không còn là cổ đông của SAM Holdings. Ông Trần Anh Vương, người đóng vai trò là một trong 4 “Shark” (cá mập) trong chương trình chương trình “Thương vụ bạc tỷ” (Shark Tank Việt Nam) mùa đầu tiên, kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau thành công của mùa 1, Shark Vương đã quyết định rút khỏi vị trí "cá mập" trong chương trình để đứng sau làm ban tổ chức.

Shark Vương được đánh giá là có khẩu vị đầu tư tương đối mạo hiểm với phát ngôn: "Cứu sống một doanh nghiệp có khi còn tốt hơn tạo ra một doanh nghiệp mới".

Ông Vương chính thức ngồi vào ghế Tổng giám đốc SAM Holdings từ tháng 5/2016. Ngoài SAM Holdings, ông Vương còn đang đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT của các công ty gồm Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN), Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP), Công ty Cổ phần SAMETEL (SMT) và Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư BVG (BVG).

Trước đó, ông Trần Anh Vương cũng đã đệ đơn từ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (Generalexim, mã: TH1) nhiệm kỳ 2016 - 2021 và được HĐQT chấp nhận từ ngày 2/7/2018.

Trong số các công ty ông Vương làm lãnh đạo thì Công ty Cổ phần Đầu tư BVG (BVG) và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (Generalexim, TH1) là hai công ty mà trong thời gian ông Vương đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT đều chìm trong thua lỗ.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (TH1) từng là một trong những doanh nghiệp lớn về xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, kể từ khi bước chân vào đầu tư tài chính, kết quả kinh doanh của TH1 xuống dốc nhanh chóng, bắt đầu từ năm 2012.

Năm 2015, TH1 báo lỗ hơn 134 tỷ; năm 2016, TH1 lỗ thêm gần 134 tỷ. 9 tháng đầu năm 2017, TH1 lỗ thêm hơn 5 tỷ, kéo lỗ lũy kế tính đến 30/9/2017 lên 139,5 tỷ đồng (cao hơn 4 tỷ so với vốn điều lệ của công ty).

Tính đến ngày 30/9/2017, tài sản ngắn hạn của TH1 là 771,5 tỷ, nợ phải trả đến hết quý III/2017 là 907 tỷ đồng, đa phần là nợ ngắn hạn (848 tỷ đồng). Đến hết năm 2017, số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp. Ngày 20/4/2018, sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định hủy niêm yết cổ phiếu.

Tính đến thời điểm 30/6/2018, TH1 có khoản lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính với số tiền 291,9 tỷ đồng và các khoản vay ngân hàng thương mại đã quá hạn thanh toán với tổng số tiền 651,85 tỷ đồng và khoản lãi vay phải trả tương ứng 194,6 tỷ đồng. Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty có lợi nhuận trước thuế lỗ 15,3 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 5 tỷ đồng.

Tình trạng tương tự diễn ra tại BVG, nơi Shark Vương là Chủ tịch. BVG tiền thân là Công ty Thép Bắc Việt. BVG đã thua lỗ từ năm 2012. Năm 2016, BVG lỗ ròng hơn 4 tỷ, nâng lỗ lũy kế lên hơn 56 tỷ đồng.

Việc liên tiếp thua lỗ đã khiến vốn đầu tư của chủ sở hữu hơn 97,5 tỷ đồng liên tục bị bào mòn, đến cuối năm 2016 chỉ còn lại 65 tỷ. Nợ phải trả của BVG đã gấp 2 lần vốn chủ sở hữu và hệ số thanh toán ngắn hạn cũng đã xuống dưới mức hệ số 1.

Ngoài ra, SAM Holdings nơi tên tuổi “Shark” Vương được biết tới nhiều nhất cũng vừa báo lỗ ròng trong quý III năm nay. Cụ thể, ông Vương được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của SAM từ tháng 5/2016. Ngay trong quý III năm đó, SAM lỗ ròng 27 tỷ. Nhờ kết quả kinh doanh tốt trong các quý khác mà năm 2016 SAM thoát lỗ và báo lãi ròng 24 tỷ.

Trong quý III/2018, SAM ghi nhận 577 tỷ doanh thu thuần, tăng 81% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty lại báo lỗ ròng 3,6 tỷ, nguyên nhân do trong kỳ SAM đã phải chi quá nhiều tiền cho chi phí tài chính. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm SAM vẫn báo lãi dương 49 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm 2015 do kết quả kinh doanh tốt của 2 quý đầu năm.

Chủ nợ tính sao?

Tính đến 30/6/2018, TH1 đang có khoản nợ vay ngắn hạn gần 651 tỷ đồng, trong đó, chủ nợ ngắn hạn lớn nhất là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietAbank) với 282 tỷ đồng và 875.754 USD (tương đương 20,1 tỷ đồng); 131 tỷ đồng tại SHB (vay bằng USD); gần 65 tỷ đồng tại Vietinbank...

Cuối năm 2017, Vietinbank đã rao bán khoản nợ 74 tỷ đồng có tài sản đảm bảo của TH1. Khoản nợ này được Vietinbank chi nhánh Hà Nội cấp cho TH1 từ năm 2015.

Còn tại SAM Holdings, tính tới 30/6/2018, công ty có tổng cộng 1.571,5 tỷ đồng vay nợ và nợ thuê tài chính, trong đó vay nợ ngân hàng ngắn hạn 751,3 tỷ đồng, vay dài hạn 753,2 tỷ đồng.

Vay nợ ngắn hạn của SAM Holdings chủ yếu là các khoản vay tín chấp, có thể kể đến như 174,1 tỷ đồng tại Vietinbank, 138,4 tỷ đồng tại BIDV, 85 tỷ đồng tại HSBC, 77,6 tỷ đồng tại ANZ, 73,8 tỷ đồng tại Vietcombank, 66,7 tỷ đồng tại VietAbank...

Đáng chú ý, VietAbank cũng là chủ nợ dài hạn lớn nhất của SAM Holdings với hai khoản vay: khoản vay 468 tỷ đồng (nhằm bổ sung vốn dự án Sacom Resort Tuyền Lâm - Đà Lạt; đảm bảo bằng 20 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Địa ốc Sacom và 28,26 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Phú Thọ); khoản vay 277 tỷ đồng (nhằm bổ sung vốn dự án Sacom Resort Tuyền Lâm - Đà Lạt; đảm bảo bằng 6 biệt thự khu nghỉ dưỡng Sacom Resort Tuyền Lâm - Đà Lạt, và toàn bộ quyền tài sản và lợi ích phát sinh từ dự án).

ANH Mai/NHÀ ĐẦU TƯ