Sinh nhật 10 tuổi Winmart

'Nữ hoàng' Trương Thị Lệ Khanh lên ngôi, 'vua' Dương Ngọc Minh xuống đáy

24/07/2018 10:25

Bà Trương Thị Lệ Khanh tiếp tục bỏ xa hơn nữa các đối thủ trong ngành nhờ phán quyết có lợi của người Mỹ và kế hoạch tấn công vào thị trường 1,4 tỷ dân. Trong khi đó, ông Dương Ngọc Minh vẫn đang tìm đường thoát khỏi cảnh nợ nần.

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) của bà Trương Thị Lệ Khanh vừa báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng với vị trí đứng đầu trong các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Vĩnh Hoàn ghi nhận 163 triệu USD giá trị xuất khẩu trong 6 tháng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Có được kết quả này là do Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Mỹ sau khi doanh nghiệp của nữ hoàng thủy sản miền Tây là một trong 2 doanh nghiệp may mắn khi được đóng mức thuế suất theo thỏa thuận (Vĩnh Hoàn hưởng thuế suất 0%), trong khi các doanh nghiệp khác chịu mức thuế tăng sốc, thêm nhiều lần.

Diễn biến tăng giá của USD so với VND thời gian qua cũng đã giúp Thủy sản Vĩnh Hoàn được hưởng mức chênh lệch tỷ giá khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn cũng đã bắt đầu tăng tốc bán hàng vào thị trường Trung Quốc, thông qua kênh bán lẻ trực tuyến Alibaba, đồng thời nhắm tới nhiều thị trường tiềm năng thay thế cho Mỹ, như: Mexico, Brazil, Tây Ban Nha...

Trước đó, bà Trương Thị Lệ Khanh đã tính tới những rào cản từ Mỹ áp lên ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam, đặc biệt sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng Thống Mỹ. Ngoài thuế chống bán phá giá bị tính lại mỗi năm, Đạo luật Nông trại của Mỹ (Farm Bill) là rào cản lớn nhất mà Vĩnh Hoàn nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói chung phải đương đầu.

Từ 1/7, Bộ Tài chính Trung Quốc đã áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu cá tra phi lê từ các quốc gia ưu tiên nằm trong WTO (trong đó có Việt Nam) từ mức 10% xuống 7%. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Trái ngược với những lo lắng hồi đầu năm về sự bảo hộ của một số thị trường, Vĩnh Hoàn và nhiều công ty thủy sản niêm yết khác như Navico hay IDI... cũng có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong năm nay.

ANV mới đây thông báo doanh thu trong 6 tháng tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 180 tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ năm trước.

Thủy sản Minh Phú của vợ chồng ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình cũng chứng kiến sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh. Xuất khẩu đạt hơn gần 19,5 ngàn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ bất chấp tôm - mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp này - chịu áp lực cạnh tranh gay với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng ghi nhận sản lượng trong 6 tháng đạt 7.787 tấn tôm các loại, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu chiếm khoảng trên 90% doanh thu của FMC.

CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI (IDI) trong 6 tháng đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Trung Quốc đang là thị trường chiếm hơn 45% doanh thu của IDI. Doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, nhất là khu vực Đông Nam Á.

Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh từng một thời được mệnh danh là 'vua' xuất khẩu cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp này gần đây phải bán nhiều tài sản, từ công ty con cho tới đất đai để khắc phục lỗ lũy kế và giảm gánh nặng nợ do đầu tư dàn trải.

Gần đây, Công ty kiểm toán E&Y ra báo nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục tại báo cáo hợp nhất kiểm toán giữa niên độ 2017-2018. Nghi ngờ này dựa trên cơ sở Hùng Vương có khoản lỗ thuần gần 380 tỷ đồng tại ngày 31/3 và lỗ lũy kế 697,3 tỷ đồng. Tổng nợ ngắn hạn cũng vượt quá tài sản ngắn hạn là 749,8 tỷ đồng.

Ông trùm cá tra một thời chứng kiến tài sản giảm mạnh, chỉ còn khoảng 250 tỷ đồng, bằng 1/10 so với bà Trương Thị Lệ Khanh. Giá cổ phiếu HVG của ông Ngọc Minh tăng mạnh trong vài phiên gần đây nhưng cũng chỉ quanh ngưỡng 3.000 đồng/cp, thấp bằng 1/20 lần giá cổ phiếu VHC của bà Khanh.

Nhóm cổ phiếu thủy sản gần đây hồi phục khá ấn tượng sau chuỗi ngày giảm theo xu hướng chung trên thị trường và những lo ngại về một cuộc chiến thương mại trên thế giới. Xuất khẩu chung của ngành cũng cải thiện, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 1,6 tỷ USD và gần 1 tỷ USD, tăng 7,6% và 21% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo V.Hà/Vietnamnet