Sinh nhật 10 tuổi Winmart

‘Nút cổ chai’ trên biển đe dọa đẩy giá dầu thế giới lên 100 USD/thùng

15/06/2019 14:42

Căng thẳng tại eo biển Hormuz - khu vực 30% lượng dầu thô toàn cầu đi qua - đang trở thành nguy cơ đe dọa thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Theo New York Times, eo biển Hormuz được đánh giá "nút cổ chai" trên tuyến đường biển vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới. Đây là nơi hơn 30% lượng dầu thô toàn cầu - được chứa trong những tàu chở dầu siêu lớn - đi qua.

Tuy nhiên, eo biển Hormuz đang trở thành một điểm nóng an ninh và trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Bằng chứng là các vụ tấn công hai tàu chở dầu ngày 13/6. Sự bất ổn tại vùng biển này có thể đe dọa đẩy giá dầu tăng vọt lên mức 80-100 USD/thùng trong những ngày tới.

New York Times dẫn lời ông Cameron d’Amico - Chủ tịch Hiệp hội Các hãng tàu chở dầu độc lập - cảnh báo: “Tàu bè của tất cả các nước di chuyển qua vùng biển quan trọng đó. Nếu khu vực này trở nên nguy hiểm, nguồn cung dầu cho toàn bộ phương Tây sẽ bị đe dọa".

Tuyến đường huyết mạch rộng vỏn vẹn 3,2 km

Các quốc gia sản xuất dầu ở vùng Vịnh, bao gồm Kuwait, Ả Rập Saudi, Iraq và Iran, đều là nguồn cung quan trọng đối với thị trường dầu quốc tế. Và phần lớn lượng dầu của các nước này - khoảng 18 triệu thùng/ngày - được vận chuyển qua qua eo biển Hormuz hàng ngày.

Eo biển Hormuz rộng 21 dặm (gần 34 km) tại điểm hẹp nhất. Tuy nhiên, làn lưu thông của tàu bè ở cả hai chiều chỉ là 2 dặm (3,2 km). Dù vậy, hàng chục tàu vẫn di chuyển đều đặn qua eo biển Hormuz hàng ngày.

‘Nut co chai’ tren bien de doa day gia dau the gioi len 100 USD/thung hinh anh 1
Một tàu chở dầu tại eo biển Hormuz. Ảnh: Reuters.

Phần lớn lượng dầu di chuyển qua eo biển Hormuz được đưa đến các thị trường châu Á lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng - nguyên liệu đang ngày càng trở nên quan trọng - cũng đi theo lộ trình tương tự từ Qatar.

Tuy nhiên, vài tuần qua bầu không khí tại eo biển Hormuz trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Hồi tháng 5, có tới 4 tàu chở dầu bị tấn công gần khu vực này trong thời điểm căng thẳng chính trị giữa Iran và Mỹ leo thang.

Sau đó, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các đường ống dẫn dầu buộc chính quyền Saudi Arabia ngừng vận chuyển dầu đến phía tây nước này. Quân nổi dậy Houthi tuyên bố đã thực hiện cuộc tấn công.

Ngày 13/6, hai tàu chở dầu của Nhật và Na Uy bị tấn công, một tàu cháy và thủy thủ đoàn được di tản.

Không có nhiều sự lựa chọn

Đường bờ biển Đông Iran trải dài phần khu vực phía Đông eo biển Hormuz. Giới phân tích khẳng định khi bị chính quyền Mỹ cấm vận, Iran có yếu tố địa lợi, dễ dàng tấn công các tàu chở hàng trên eo biển Hormuz bằng tàu nhỏ, tên lửa, ngư lôi và nhiều loại vũ khí khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công hai tàu chở dầu ngày 13/6. New York Times dẫn lời chuyên gia Helima Croft thuộc hãng RBC Capital Markets nhận định Tehran có thể cân nhắc thực hiện một miếng đòn như vậy để phản ứng lại lệnh cấm vận của Mỹ.

Giới phân tích cũng cho rằng bất kỳ ai đứng sau vụ tấn công này cũng muốn gửi thông điệp rằng eo biển Hormuz là quá quan trọng và không hề có đường vòng. Các vụ tấn công hồi tháng 5 xảy ra ngoài khơi Fujairah, một cảng quan trọng ở vịnh Oman.

‘Nut co chai’ tren bien de doa day gia dau the gioi len 100 USD/thung hinh anh 2
Một tàu chở dầu bốc cháy sau vụ tấn công ngày 13/6. Ảnh: Reuters.

Saudi Arabia có một sự lựa chọn khác trong trường hợp eo biển Hormuz trở nên quá nguy hiểm. Đó là hệ thống đường ống Đông - Tây chở dầu cảng Yanbu trên bờ Biển Đỏ. Tuy nhiên cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của quân nổi dậy Houthi đã khiến hệ thống đường ống này tạm thời ngừng hoạt động.

Nhìn chung các quốc gia sản xuất dầu khác tại vùng Vịnh, bao gồm Iran, phụ thuộc rất lớn vào eo biển Hormuz để xuất khẩu hàng, dù Abu Dhabi có một hệ thống đường ống dẫn dầu tới Fujairah.

Thị trường rúng động

Sau vụ tấn công ngày 13/6, thị trường dầu quốc tế rúng động. Theo New York Times, giá dầu Brent tăng 3,5% lên hơn 61 USD/thùng. Nhà phân tích Richard Mallinson của hãng Energy Aspects nhận định hàng loạt sự cố trên eo biển Hormuz khiến giới đầu tư lo ngại.

"Giá dầu có thể tăng lên mức 60-80 USD/thùng. Một sự kiện địa chính trị quy mô lớn hoàn toàn có thể đẩy giá dầu Brent lên mốc 80 USD/thùng", CNBC dẫn lời chuyên gia Helima Croft thuộc hãng RBC nhận định.

Thậm chí một số chuyên gia ngân hàng Bank of America Merrill Lynch dự báo giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran bất ngờ leo thang.

Dù vậy, sự hoảng loạn chưa xảy ra trên thị trường. Giá dầu Brent vẫn thấp hơn mức 72 USD/thùng hồi giữa tháng 5. Các nhà phân tích cho rằng giới đầu tư vẫn kỳ vọng căng thẳng giữa Iran và Mỹ sẽ không leo thang thành một cuộc chiến tranh thực sự.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm đi. Cũng phải kể đến sự bùng nổ sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ khiến nguồn cung dầu toàn cầu trở nên dồi dào.

Dù vậy, chuyên gia Helima Croft vẫn lo ngại một cuộc xung đột hay tấn công mạng có thể gây tắc nghẽn dòng dầu thô từ vùng Vịnh.

Zing