Ở phương Tây, Noel là phải ăn gà rán! – "Lời nói dối kinh điển” của KFC đưa Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 thế giới của hãng này từ bờ vực phá sản

30/12/2018 11:37

Cả một đế chế đồ ăn nhanh với gần 1.200 cửa hàng và 600 triệu USD doanh thu xuất phát từ một lời nói dối kinh điển.


Cả một đế chế đồ ăn nhanh với gần 1.200 cửa hàng và 600 triệu USD doanh thu xuất phát từ một lời nói dối kinh điển.

Nội dung nổi bật:

Bối cảnh: Có mặt tại Nhật Bản vào năm 1970, KFC "ế" đến mức chủ cửa hàng KFC đầu tiên phải ngủ lại trong cửa tiệm để tiết kiệm chi phí.

Kế hoạch: Sau khi được mời tổ chức một bữa tiệc giáng sinh, KFC nhanh chóng nhận ra "khoảng trống" tại thị trường và quảng cáo "láo" rằng ăn gà rán đêm Noel là một truyền thống phương Tây.

Kết quả: 1.200 cửa hàng và 600 triệu USD doanh thu, KFC vươn lên trở thành một thế lực đồ ăn nhanh của Nhật Bản.


Noel Nhật Bản, ngày của … KFC?

Ở phương Tây, Noel là phải ăn gà rán! – Lời nói dối kinh điển” của KFC đưa Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 thế giới của hãng này từ bờ vực phá sản - Ảnh 2.

Mỗi mùa giáng sinh, anh Ryohei Ando lại cùng gia đình nhỏ của mình tổ chức một buổi tối thân mật. Cũng giống như cha của anh đã từng làm, người trụ cột gia đình này vui vẻ xách về một thùng gà trong ánh mắt đầy thích thú của hai đứa con, chúng sẽ tranh nhau chọn những miếng gà ngon nhất ngay khi vừa ngồi xuống bàn ăn.

Đúng vậy, tại Nhật Bản, nhắc tới giáng sinh thì phải nhắc tới gà rán KFC. Gia đình nhỏ của Ando và hàng triệu gia đình khác luôn mong chờ khoảnh khắc chia sẻ những mẩu gà giòn rụm với nhau từ năm này sang năm khác.

Ước tính mỗi mùa Noel, có hơn 3,6 triệu gia đình tại Nhật Bản xum quầy bên … thùng gà KFC, và nó đã trở thành một truyền thống chỉ có tại đất nước mặt trời mọc.

"Con của tôi nghĩ rằng KFC là một tập quán của người Nhật" theo Ando, một nhân viên Marketing nay đã 40 tuổi.

"Nhưng đối với người lớn chúng tôi, để có được một thùng gà KFC vào dịp Giáng sinh không phải là chuyện đơn giản.

Nếu như ngày thường bạn có thể dễ dàng đi vào bất cứ cửa hàng nào và có trong tay một thùng gà chỉ 10 – 15 phút sau đó, tháng 12 là thời điểm cực kỳ bận rộn đối với KFC Nhật Bản.

Lượng đơn hàng đổ về ít nhất cũng gấp 10 lần so với trung bình cả năm, nếu muốn sở hữu combo giáng sinh của KFC vào đúng đêm Noel, bạn phải đặt cọc từ nhiều tháng trước, chưa kể đến việc xếp hàng chờ đợi hàng giờ liền dưới cái lạnh thấu xương."

Điều gì đã khiến người dân Nhật Bản "cuồng" KFC đến như vậy?

 

Khởi đầu chông gai và lời nối dối tuyệt vọng

Ở phương Tây, Noel là phải ăn gà rán! – Lời nói dối kinh điển” của KFC đưa Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 thế giới của hãng này từ bờ vực phá sản - Ảnh 3.

KFC có một khởi đầu không hoàn hảo tại Nhật Bản vào năm 1970. Quản lý cửa hàng thời bấy giờ, ông Takeshi Okawara đã làm đủ mọi cách nhưng vẫn không tài nào "dụ dỗ" được thêm khách hàng cho quán.

Với bảng hiệu sọc đỏ trắng toàn là Tiếng Anh, người tiêu dùng Nhật Bản hoàn toàn không biết KFC kinh doanh gì. Rất nhiều người còn lầm tưởng đây là một cửa hiệu bán kẹo hay một tiệm cắt tóc trước khi bước chân vào quán.

Okawara chia sẻ với Business Insider rằng, doanh thu kém khiến ông gần như phá sản, với số tiền ít ỏi còn lại, ông buộc phải để dành cho cửa tiệm và quyết định ngủ luôn trên sàn quán ăn, lót bằng những bao bột mì sần sùi và thô ráp.

Giáng sinh vào lúc đó không phải là một sự kiện được người dân Nhật Bản để tâm, cũng dễ hiểu vì chỉ có 2% dân số nước này theo đạo. Nhưng cũng vì sự thờ ơ đó mà các sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho Noel trở nên cực kỳ khan hiếm, một bà sơ gần cửa hàng KFC đầu tiên đã nảy ra ý định tổ chức một bữa tiệc KFC vì màu sắc bắt mắt của thương hiệu này.

Okawara nhanh chóng đồng ý, ông còn đầu tư hẳn một bộ đồ Santa và nhảy múa suốt buổi tiệc với thùng gà rán trên tay.

Tiếng lành đồn xa, các trường mẫu giáo trong khu vực ngay lập tức liên hệ để đặt một bữa tiệc Noel gà rán, Okawara quyết định rằng đây sẽ là chương trình thay đổi số phận của KFC tại Nhật Bản, ông mua thêm một bộ đồ ông già Noel cho bức tượng Colonel Sanders trước cửa hàng và công khai quảng cáo rằng bữa tối gà rán là một điều tất yếu của giáng sinh.

Nhận thấy sự đặc biệt của chương trình, đài tryền hình quốc gia NHK đã đến tận nơi tìm hiểu và hỏi Okawara rằng gà rán có phải là truyền thống của phương Tây hay không.

Đó là lúc lời nói dối kinh điển nhất Nhật Bản được thốt ra. "Đúng là như vậy" – Okawara trả lời NHK và toàn thể người dân cả nước.

"Tôi biết rằng người phương Tây không ăn gà rán mà là gà tây" Okawara sau này tiết lộ: "Đó là một lời nói dối. Đến giờ tôi vẫn hối hận vì đã làm như thế. Nhưng người dân Nhật Bản lại vô cùng thích thú."

 

Bữa tiệc KFC

Ở phương Tây, Noel là phải ăn gà rán! – Lời nói dối kinh điển” của KFC đưa Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 thế giới của hãng này từ bờ vực phá sản - Ảnh 4.

Vào năm 1974, KFC trình làng chiến dịch marketing toàn quốc với tên gọi "Kentucky cho Giáng sinh". Chương trình nhanh chóng đem lại thành công cho KFC cũng như "thiên tài" Okawara, ông từ một quản lý cửa hàng đã nhanh chóng vươn lên thành CEO của KFC Nhật Bản từ năm 1984 đến năm 2002.

"KFC đã lấp đầy một khoảng trống," một chuyên gia marketing cho hay: "Vào thời điểm đó, Nhật Bản không có bất kỳ truyền thống Giáng sinh nào, KFC đùng một cái xuất hiện và tuyên bố: Gà rán chính là truyền thống ngày Noel!"

Từ một tháng trước khi giáng sinh, hàng loạt đoạn quảng cáo với hình ảnh một gia đình đầm ấm quây quần bên những dĩa gà rán xuất hiện khắp Nhật Bản. Nhưng mọi chuyện không dừng lại với cánh gà và đùi gà, trong một phần ăn giáng sinh của KFC luôn có thêm bánh để tráng miệng và rượu vang cho bậc cha mẹ.

Vào năm nay, KFC tung ra hàng loạt các phần ăn giáng sinh, từ một thùng gà 3.780 yen (gần 800.000 VNĐ), đến gà nướng nguyên con "cao cấp" với nhiều món ăn kèm với giá 5.800 yen (hơn 1,2 triệu VNĐ).

Theo KFC, số tiền thu được chỉ riêng mùa giáng sinh chiếm hơn 30% doanh thu cả năm, biến đây trở thành sự kiện quan trọng nhất của công ty.

 

Kết quả

Ở phương Tây, Noel là phải ăn gà rán! – Lời nói dối kinh điển” của KFC đưa Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 thế giới của hãng này từ bờ vực phá sản - Ảnh 5.

Lời nói dối của Okawara đã vực dậy cả một đế chế đồ ăn nhanh trên bờ vực phá sản, đồng thời tạo nên một truyền thống chỉ có ở Nhật Bản.

Doanh thu tăng vọt mỗi mùa giáng sinh, hàng loạt Colonel Sanders với trang phục ông già Noel và các cửa hàng KFC đông nghẹt vào cuối năm đã trở thành một nét văn hóa Nhật. Thậm chí các thương hiệu gà khác cũng bắt đầu học hỏi và đưa ra hàng loạt phần ăn hấp dẫn cho gia đình mỗi mùa Noel.

Xuất phát từ một cửa hàng ế ấm, KFC Nhật Bản hiện đang đứng thứ 3 trên thế giới về số lượng cửa hàng, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Với gần 1.200 cửa hàng và 600 triệu USD doanh thu, KFC tự tin là một trong những thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất đất nước mặt trời mọc.


Lê Thanh Sang

Theo Trí Thức Trẻ