Các hãng xe đang tăng tốc sản xuất, nhập khẩu xe về Việt Nam, song điều mà phần lớn người tiêu dùng quan tâm là dù thuế nhập khẩu của các dòng xe từ khối ASEAN về thị trường Việt Nam giảm còn 0% từ đầu năm đến nay, giá xe vẫn không giảm. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu?
Người tiêu dùng vẫn mong muốn được tiếp cận ô tô giá rẻ.
Ngày 24/10, tại TP Hồ Chí Minh đã khai mạc triển lãm ô tô Việt Nam năm 2018 với sự góp mặt của 15 thương hiệu ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Trong khi giới chuyên gia nhìn nhận đây là “bữa đại tiệc” xe hơi thì người tiêu dùng lại mong muốn sẽ sớm có ngày được sở hữu những chiếc ô tô giá rẻ.
Xe nhập về tăng mạnh
Cập nhật thông tin từ các hãng xe tham gia tại Triển lãm cho biết Lexus đưa về Việt Nam hai phiên bản của mẫu SUV cỡ trung - RX 350L (7 chỗ, giá bán 4,09 tỷ đồng) và RX450h (giá bán 4,5 tỷ đồng). Đây chính là 2 mẫu xe đầu tiên nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2018. Hay như GM Việt Nam tham dự triển lãm với mẫu xe Chevrolet Colorado Storm,giá bán 809 triệu đồng). Còn Toyota Việt Nam tiếp tục giới thiệu mẫu Altis mới. Thương hiệu Subaru cũng giới thiệu công nghệ hỗ trợ người lái Subaru Eyesight áp dụng với 2 dòng xe là XVvà Outback phiên bản 2018 bên cạnh SUV Forester...
Điểm mặt các hãng xe khác cũng cho thấy, phần lớn các hãng xe đều muốn giới thiệu công nghệ mới cũng như tính năng mới trên sản phẩm ô tô của mình nhằm thu hút khách hàng. Phần lớn các hãng xe cũng muốn tăng doanh số kinh doanh dịp cuối năm – thời điểm lượng cầu xe hơi tăng vọt.
Trong khi đó theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tuần qua (12-18/10) cả nước có 1.957 xe ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký nhập khẩu, với tổng kim ngạch 46,7 triệu USD. Xét về xuất xứ, ô tô từ Indonesia chiếm nhiều nhất với 737 chiếc, Thái Lan với 694 chiếc, Nhật Bản với 106 chiếc, Trung Quốc với 45 chiếc, Mexico với 42 chiếc. Đặc biệt, tuần qua ghi nhận lượng ô tô nhập từ Mỹ tăng đột biến lên 255 chiếc, trong khi tuần trước chỉ 19 xe và tuần trước nữa không có chiếc nào được nhập.
Ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống có 1.271 chiếc được nhập khẩu, với trị giá đạt 27,9 triệu USD, chiếm 64,9% lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu. Trong số này, chủ yếu là xe xuất xứ từ Indonesia với 737 chiếc, tiếp theo là Mỹ với 249 chiếc, Thái Lan với 129 chiếc, Nhật Bản với 106 chiếc, Mexico với 42 chiếc… Xe trên 9 chỗ ngồi có 93 chiếc, với tổng trị giá đạt 2,88 triệu USD, toàn bộ số xe này có xuất xứ Thái Lan và được làm thủ tục nhập khẩu ở khu vực cảng TP HCM.
Theo nhận định của các chuyên gia, sau các thị trường truyền thống như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, đến nay nhiều thị trường khác như Mỹ, Đức đã lo được giấy VTA cho xe nhập khẩu về Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Nghị định 116.
Mức tăng trưởng của thị trường ô tô trong thời gian gần đây cũng được chuyên gia lý giải, do một số dòng xe nhập khẩu với thuế suất 0% từ ASEAN bắt đầu “rục rịch” về Việt Nam sau thời gian dài gián đoạn do các quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Vẫn chờ xe giá rẻ
Có thể thấy, các hãng xe đang tăng tốc sản xuất, nhập khẩu xe về Việt Nam, song điều mà phần lớn người tiêu dùng quan tâm là dù thuế nhập khẩu của các dòng xe từ khối ASEAN về thị trường Việt Nam giảm về 0% từ đầu năm, giá xe vẫn không giảm. Ông Toru Kinoshita - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, giá ô tô được quyết định dựa trên nhiều yếu tố tác động tới thị trường, và thuế chỉ là một trong các yếu tố đó. Chưa kể, mỗi hãng sẽ có một chiến lược kinh doanh riêng. Chính 2 yếu tố trên đã tác động đến giá xe.
Ông Kinoshita cũng cho biết thêm, bản thân các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và phân phối xe luôn cố gắng để có thể hoàn thành các yêu cầu về quản lý của Chính phủ để đưa các dòng xe mới về Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với việc nhiều sản phẩm ra mắt và cao điểm bán hàng cuối năm, ông kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng.
Với dân số hơn 90 triệu người, trong đó 67% đang ở trong độ tuổi lao động, Việt Nam có thị trường tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù hiện nay cứ 1.000 người mới có 23 người sở hữu ô tô song nhu cầu đi lại tại Việt Nam đang tăng trưởng 10%/năm, ôtô cá nhân sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu cơ bản của người dân để thay thế dần cho trên 50 triệu xe gắn máy đang lưu hành.
Theo báo cáo bán hàng của VAMA, tính đến cuối tháng 9/2018, trong khi doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước (CKD) vượt quá 157,000 xe, tăng 9%, số lượng xe nhập khẩu (CBU) bán ra đạt 45,000 xe, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến thời điểm này, tổng doanh số xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc đã tăng 20%, đạt 140,000 xe. Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm các giải pháp kĩ thuật, hiện nay, các nhà nhập khẩu hiện đều tuân thủ các quy định mới để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.
* Các hãng xe đang tăng tốc sản xuất, nhập khẩu xe về Việt Nam, song điều mà phần lớn người tiêu dùng quan tâm là dù thuế nhập khẩu của các dòng xe từ khối ASEAN về thị trường Việt Nam giảm về 0% từ đầu năm đến nay, giá xe vẫn không giảm.
Thúy Hằng
Theo Đại Đoàn Kết