Sinh nhật 10 tuổi Winmart

"Ông chủ" đứng sau ứng dụng MyAladdinz Việt Nam là ai?

27/08/2020 11:25

Ông Lê Hoàn sinh năm 1982, quê tại Hưng Yên - nắm giữ chức vụ giám đốc MyAladdinz đã từng thành lập một công ty liên quan đến tiền ảo và đã ngừng hoạt động.

Tại Việt Nam, MyAladdinz được vận hành và giới thiệu bởi Apota Education - có trụ sở tại Văn Quán (Hà Đông – Hà Nội), ngành nghề chính là "giáo dục khác chưa được phân vào đâu (mã ngành 8599).

Một cửa hàng thời trang tại Hà Nội chấp nhận thanh toán qua ứng dụng Aladdinz. Ảnh Kinh tế tiêu dùng.

Tổ chức này sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook và Youtube để quảng cáo về các lớp học làm giàu, hướng dẫn kiếm tiền "nhanh như chớp" với nhiều bằng chứng về các cá nhân có thể mua nhà, mua xe... thông qua việc sử dụng MyAladdinz.

Điều đáng chú ý là Apota Education là một cái tên tương đối gây nhầm lẫn với Appota, một công ty công nghệ giải trí số có tên tuổi tại Việt Nam. Appota hiện là chủ quản của fanpage "Nhà cấp 4" với nhiều video giải trí trên mạng xã hội Facebook.

Gần đây, đại diện Appota đã lên tiếng khẳng định chính thức về vấn đề này: "Hiện tại, Appota không có bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến việc tổ chức các lớp học làm giàu hay các nền tảng hoàn tiền lãi suất cao".

Đại diện Appota cũng cho biết đã nhận nhiều thông tin phản hồi về trường hợp đối tác và khách hàng nhầm tưởng một số dịch vụ liên quan đến các lớp học làm giàu hay ứng dụng hoàn tiền được cung cấp từ một số cá nhân, tổ chức bên ngoài nhưng sử dụng nhãn hiệu tương tự với Appota.

"Tại Việt Nam, Appota chỉ thực hiện các hoạt động giao dịch trực tiếp tại trụ sở chính ngoài Hà Nội và chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, được công bố trên website chính thức của Appota. Tất cả các địa điểm nằm ngoài danh sách nêu trên đều không liên quan đến Công ty Appota".

Hiện, Appota đang tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng để xem xét ngăn chặn và tiến hành xử lý nghiêm minh các vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Ông chủ đứng sau ứng dụng MyAladdinz Việt Nam là ai?

MyAladdinz được điều hành bởi Apota Education. Ảnh: VTV

Ở thời điểm đăng kí, Apota Education có vốn điều lệ 1 tỉ đồng với 5 cổ đông gồm ông Đỗ Văn Tuấn, bà Trịnh Thị Thư, bà An Thị Nhung, bà Trần Thị Mai và ông Lê Hoàn.

Trong số 5 cổ đông, ông Lê Hoàn (nắm giữ chức vụ giám đốc) là cổ đông lớn nhất với 56% cổ phần công ty.

Cũng theo cổng thông tin đăng kí doanh nghiệp quốc gia, ông Lê Hoàn sinh năm 1982, quê quán Hưng Yên. Sau khi tra cứu số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân của ông Hoàn trên cổng thông tin của Tổng cục thuế, ngoài việc là giám đốc của Apota Education, ông Hoàn còn là người đại diện pháp luật của một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Ilgamos Việt Nam.

Ilgamos Việt Nam ra đời năm 2016 và tới nay đã "bị khóa", theo thông báo trên cổng thông tin đăng kí doanh nghiệp. Ngành nghề chính mà Ilgamos Việt Nam đăng kí là "Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu", với trụ sở đặt ở tòa nhà Hapulico, 83 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tiếp tục tìm với từ khóa "Ilgamos Việt Nam" trên Google và Facebook, người xem thấy một fanpage với tên gọi "ILcoin Việt Nam - ILgamos Việt Nam". Fanpage công bố địa chỉ ở 83 Vũ Trọng Phụng, trùng với địa chỉ đăng kí của Ilgamos Việt Nam.

Ngoài ra, các kết quả khác trả về từ Google đều cho thấy sự liên quan giữa Ilgamos Việt Nam và Ilcoin, một loại tiền mã hóa từng là một trong những từ khóa "hot" trên mạng xã hội tại Việt Nam cách đây vài năm.

Ilcoin từng vướng vào những nghi vấn liên quan đến lừa đảo xoay xung quanh việc đầu tư đồng tiền mã hóa này. Nhiều bài báo trong giai đoạn 2015-2017 đã phản ánh tình trạng lừa đảo đầu tư vào Ilcoin và sau đó biến mất, khiến nhiều nhà đầu tư mất tiền.

Trên Facebook cá nhân, ông Hoàn cũng thường xuyên đăng tải các hình ảnh, video hướng dẫn cách sử dụng và kiếm tiền từ ứng dụng MyAladdinz.

MyAladdinz hoạt động như thế nào?

Theo các quảng cáo rầm rộ trên mạng, người dùng có thể tham gia ứng dụng bằng cách đăng ký tài khoản, điền thông tin cá nhân, thông tin về người giới thiệu, đồng thời nạp tiền vào tài khoản của mình ít nhất 100 USD (gần 2,4 triệu đồng) để sử dụng. Số tiền sau khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành "gem", mỗi "gem" tương ứng với 1 USD.

Về cách thức sử dụng, người dùng thanh toán hóa đơn bằng "gem" và được ứng dụng MyAladdinz hoàn trả 80% "gem" khi giao dịch hoàn thành chứ không hoàn lại bằng tiền thật.

Ông chủ đứng sau ứng dụng MyAladdinz Việt Nam là ai?

Hệ thống cấp bậc trong MyAladdinz

Một trường hợp khác đó là người dùng không cần mua bán gì, chỉ cần dùng tiền thật để mua "gem" (tức là nạp tiền vào tài khoản) rồi sau đó dùng "gem" đổi ra "điểm" (hay còn gọi là Point) để nhận lãi từ 0,2 đến 0,1% điểm mỗi ngày.

Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng thì sẽ được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự mô hình đa cấp.

Trên thực tế, "gem" chỉ là một đơn vị tiền tệ ảo được MyAladdinz tự tạo ra, không có giá trị pháp lí cũng như không thể quy đổi lại thành tiền tệ hợp pháp, do ứng dụng này không có liên kết với ngân hàng. Vì chỉ lưu hành nội bộ trên nền tảng nên người sử dụng cũng chỉ có thể trao đổi "gem" thành tiền thật theo hình thức các bên tự thỏa thuận với nhau.

Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì các giao dịch như vậy là tự phát, không được pháp luật hay bên thứ 3 trung gian nào đảm bảo.

Công an tỉnh Bình Phước gần đây đánh giá, về bản chất ứng dụng MyAladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước. Khi không có người tham gia nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư. Mặt khác, ứng dụng này chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

"Do đó, việc người dân đăng ký tham gia ứng dụng có thể dẫn đến mất tiền hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp, đây là nhân tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự", công an tỉnh Bình Phước cảnh báo.

Theo DĐDN