Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Ông chủ quán Hoa Sơn Tửu Lầu nói về công thức tạo sự khác biệt

12/09/2018 09:55

Hoa Sơn Tửu Lầu (HSTL) là sự kết hợp giữa quán ăn và kiếm hiệp. Nghe có vẻ không liên quan nhưng chúng ta là người làm cho nó liên quan. Và cốt lõi ở đây chính là sự kết hợp của những yếu tố không liên quan đó.

Rất nhiều lần, mình được mọi người khen ngợi về Hoa Sơn Tửu Lầu, kiểu như:
- Ý tưởng hay quá, sao em có thể nghĩ ra được vậy?
- Mô hình độc đáo quá, em từ đâu có ý tưởng này?
Chung quy phần lớn là đều đánh giá cao ý tưởng của mình về HSTL. Vậy nên mình xin được chia sẻ cho mấy anh em công thức chung để tạo ra sản phẩm hoặc ý tưởng giống như thế này.

Công thức này là công thức chung, có thể áp dụng cho nhiều ngành nghề, tùy vào kiến thức và kỹ năng ngành của mỗi người mà 'võ công' và mức biến hóa của nó khác nhau. Làm không được thì chỉ do mấy anh em thôi chứ công thức của mình mặc định là đúng

Cốt lõi ở đây chính là sự kết hợp của những yếu tố không liên quan.
Công thức này từng được chia sẻ bởi 1 kỹ sư người Nhật trên TED, ông ấy chuyên thiết kế đồ chơi. Ổng mới kết hợp cái bàn chải và cây đàn lại với nhau. Thế là ra được món đồ chơi mới, bán cho trẻ em.

HSTL là sự kết hợp giữa quán ăn và kiếm hiệp. Nghe có vẻ không liên quan nhưng chúng ta là người làm cho nó liên quan.
Từ ý tưởng đi đến triển khai thực tế, bạn cần phải tự trả lời những câu hỏi sau, mà quan trọng nhất là câu "....thì sao?"
Ví dụ cách tui thiết kế HSTL như sau:
Kiếm hiệp thì sao?
-> Thì phải giống trong phim, nghĩa là sao? -> Ăn mặc giống trong phim nè, xưng hô giống trong phim nè, âm thanh giống trong phim nè, đồ vật giống trong phim nè,v.v...
Những cái này phải liệt kê ra hết, và lập thành 1 cái list những thứ phải làm để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Sau đó chúng ta phải tiếp tục hỏi sâu thêm 1 lớp nữa.
Ví dụ: Âm thanh giống trong phim thì sao? -> thì nó phải là nhạc không lời, là sáo trúc và đàn tranh là chủ đạo. -> Vậy có thể kiếm nó ở đâu hoặc tạo ra nó như thế nào?

Cứ như thế chúng ta sẽ vẽ được thiết kế cơ bản nhất của sản phẩm và theo cái list đó chúng ta sẽ tạo ra được một sản phẩm mới.

Ý tưởng cũng theo chu trình như thế. Cứ tự trả lời những câu hỏi trên và ghép những kết quả lại với nhau sẽ ra được thiết kế cơ bản.

Một lưu ý là, để sản phẩm thiết kế ra được đón nhận, tốt nhất là nên ghép 2 yếu tố quan tâm nhất của đối tượng khách hàng mục tiêu lại với nhau.

Ví dụ: Mình nhắm vào đối tượng giới trẻ sống tại Tp.HCM độ tuổi từ 22-28, thế thì mô hình mình kinh doanh sẽ là beerclub và thứ mình kết hợp sẽ là cái gì khác, mà nhóm này thích. Chắc là không phải kiếm hiệp rồi.
Có thể là những bộ phim, series phim nào họ yêu thích. Như Game of Throne chẳng hạn.
-> Beerclub theo phong cách hiệp sĩ phương Tây cũ.
Hoặc có thể là Cướp biển
-> Beerclub theo phong cách cướp biển.

Tiếp theo sau khi có sản phẩm độc đáo rồi, thì nghĩ thêm về mô hình kinh doanh.
Sản phẩm độc đáo chỉ mới là 50% cho sự thành công thôi, còn để đột phá bắt buộc bạn phải nắm vững về mô hình kinh doanh mới được.

Vậy đó, tạo ra được sự khác biệt đâu có khó đâu. Chỉ cần hiểu khách hàng mục tiêu, mang 2 thứ ưu tiên nhất của họ đến với nhau là có sản phẩm rồi. Thêm mô hình phù hợp nữa thì có mà đếm tiền mỏi tay.

Vậy mấy anh em đang kinh doanh gì, có sáng tạo thêm được gì không? Tất cả là do tư duy mấy anh em thôi. Người nào cũng làm được thì làm gì có kẻ thắng người thua.

Người thắng là người đã thua đủ nhiều để đứng dậy và làm lại. Thế thôi.

Phan Minh Thông - Sáng lập và CEO chuỗi quán Hoa Sơn Tửu Lầu