Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Ông chủ tư nhân Việt: Bóng đá nổi danh Châu Á, sân bay đẳng cấp quốc tế

02/05/2019 09:04

Những tập đoàn kinh tế tư nhân đã gây dựng hình ảnh trên nhiều “mặt trận” như bóng đá, làm đường, sân bay, hàng không…

Dấu ấn ông chủ tư nhân

Năm 2018, đầu năm 2019, bóng đá Việt Nam gặt hái được những kỳ tích rực rỡ trên đấu trường khu vực và châu lục. Những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Đoàn Văn Hậu… được xướng tên. Và những người đã góp công gây dựng nên những thành công cho đội tuyển U23, đội tuyển quốc gia lại được đông đảo người hâm mộ nhớ đến. Đó là bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai, bầu Hiển của Tập đoàn T&T cùng nhiều “lò” đào tạo cầu thủ tên tuổi khác…

Bầu Đức, bầu Hiển… - ông chủ của những tập đoàn tư nhân lớn đã góp sức để thỏa mãn niềm đam mê cho triệu người Việt với môn thể thao vua. Đó là minh chứng của việc có tư nhân góp sức dựng xây, thì thành quả gặt được là lớn lao vô cùng.

Ông chủ tư nhân Việt: Bóng đá nổi danh Châu Á, sân bay đẳng cấp quốc tế
Thế hệ vinh quang của bóng đá Việt có dấu ấn các ông bầu tư nhân.

Ấy là trong lĩnh vực bóng đá. Còn trong lĩnh vực hạ tầng, tư nhân cũng đã đầu tư hẳn sân bay Vân Đồn hơn 7.000 tỷ ở Quảng Ninh. Lĩnh vực hàng không thì có một tên tuổi “nổi danh” là Vietjet, và mới đây là Bamboo của FLC, cạnh tranh với “người khổng lồ” Vietnam Airlines. Doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng thì đưa cuộc đua F1 đến Hà Nội.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet đã thể hiện những khát khao của một doanh nghiệp tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay.

Vị CEO của Vietjet bộc bạch: Là doanh nghiệp năm nay vận hành hơn 80 tàu bay nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay, dịch vụ cung ứng khác như nhà ga, sân bay, hãng hoàn toàn phụ thuộc vào cái hệ thống gần như độc quyền của nhà nước từ nhiều năm nay. "Chúng tôi nói đùa là tư nhân chúng tôi không tấc đất cắm dùi tại các sân bay mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực đầu tư khẩn trương, chất lượng, hiệu quả và không dùng một đồng vốn ngân sách", bà Thảo chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói: Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng nhờ vào lĩnh vực kinh tế tư nhân và người dân. Nếu được phát huy đúng và hiệu quả thì thành công sẽ được tiếp nối thành công và kéo theo đó là sự tăng trưởng thịnh vượng của đất nước.

Một đất nước có nhiều doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh, đất nước ấy có cơ hội vươn lên hóa rồng, hóa hổ.

Ông chủ tư nhân Việt: Bóng đá nổi danh Châu Á, sân bay đẳng cấp quốc tế
Sân bay Vân Đồn tư nhân làm đạt đẳng cấp quốc tế.

Báo cáo 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tháng 4/2019 đã phác họa lên phần nào chân dung của khu vực tư nhân Việt Nam.

Báo cáo cho thấy: Khu vực tư nhân ngày càng được khuyến khích tham gia vào các hoạt động đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thông qua các hình thức đối tác công - tư, đấu thầu xây dựng…

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2018, ước tính kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên.

Báo cáo cho hay: Thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh liên tục tăng trên 16%. Năm 2018 là năm đầu tiên thu thu sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và sự cải thiện về hiệu quả của kinh tế tư nhân.

Từ năm 2016 trở về trước, thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế tư nhân chỉ chiếm tỷ trọng dưới 30% tổng thu từ sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, thấp hơn cả tỷ trọng của DNNN (thấp hơn đến 11%) và tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đến năm 2018 thì tỷ trọng này của kinh tế tư nhân đã đã vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và vượt xa (gần 9%) khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều thách thức để tư nhân lớn lên

Dẫu có được thành công nhất định, nhưng khu vực tư nhân Việt Nam vẫn còn nhỏ bé và yếu ớt. Khoảng 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động thì đến 97-98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng quá nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ.

Vậy nên một số mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2020 khó đạt được, nhất là mục tiêu đạt được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 50% và tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Tại Nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, Đảng ta đã đưa ra hệ thống 5 nhóm giải pháp.

Ông chủ tư nhân Việt: Bóng đá nổi danh Châu Á, sân bay đẳng cấp quốc tế
Ông Nguyễn Văn Bình - UV Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TW

 Trong đó, có 3 nội dung có ý nghĩa cốt lõi xuyên suốt 5 nhóm giải pháp nêu trên. Thứ nhất là về nhận thức, tư tưởng và hành động trong phát triển kinh tế tư nhân. Thứ hai là giải quyết tối mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nội dung thứ ba là xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển.

Đối với nội dung thứ nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động, ông Nguyễn Văn Bình cho biết: Một mặt chúng ta đã xác định rất rõ vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, chúng ta cũng phải thấy được những mặt trái của kinh tế tư nhân để có những giải pháp làm sao phát huy được mặt tích cực của kinh tế tư nhân cho phát triển kinh tế - xã hội, cho lợi ích của quốc gia của dân tộc; hạn chế được mặt tiêu cực, tránh nhất là những biểu hiện mà chúng ta thấy khá phổ biến trong thời gian như chủ nghĩa tư bản thân hữu, như lợi ích nhóm, như thao túng chính sách, như cạnh tranh không bình đẳng để trục lợi.

“Nội dung thứ 2 là chúng ta phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, sử dụng các công cụ chính sách và các nguồn lực của nhà nước để định hướng, điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển văn hóa – xã hội. Còn thị trường đóng vai trò chủ yếu trong việc giải phóng sức sản xuất, trong việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương giãi bày.

“Chúng ta có giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường trong quá trinh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chúng ta mới góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển”, ông Bình nhấn mạnh.

Nội dung 3 là tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng nội dung này là hệ quả trực tiếp của hai nội dung nêu trên.

“Nếu chúng ta giải quyết tốt hai nội dung nêu trên thì nhất định ta sẽ có nội dung thứ ba phù hợp. Trong nội dung này liên quan đến những vấn đề cụ thể như là chúng ta phải tạo dựng được một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chúng ta phải xây dựng được một kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ phát triển và chúng ta phải xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư tư nhân để cho tư nhân có thể phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng,  lành mạnh của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường”, ông Nguyễn Văn Bình nói.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động. Chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

“Đó là nội dung cụ thể trong tạo dụng môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển”, ông Nguyễn Văn Bình nhận định.

Ngày 2/5 Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức được diễn ra.

Diễn đàn được tổ chức để đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Đảng và Nghị quyết 98-NQ/CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, triển khai quy chế phối hợp công tác của Ban Cán sự đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương. Bên cạnh đó, quảng bá về các thành tựu phát triển và những đóng góp của kinh tế tư nhân Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phiên toàn thể của diễn đàn sẽ diễn ra chiều ngày 2/5, do Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì. Diễn đàn sẽ lắng nghe các hiến kế, trao đổi, đối thoại với 2.500 doanh nhân tư nhân theo tinh thần công - tư đối thoại và hợp tác để góp phần tháo gỡ các rào cản, nút thắt cho phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.


Hà Duy

Theo Vietnamnet