Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa có phiên họp đầu tiên sau khi được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 chấp thuận ứng cử, để bầu các chức danh và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027.
Theo đó, HĐQT nhà băng này đã thống nhất, quyết nghị bầu ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 tiếp tục giữ chức chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027.
Như vậy, ông Hiển sẽ có thêm 5 năm tại vị vị trí cao nhất trong ban quản trị ngân hàng. Trước đó, ông Hiển lần đầu được bầu làm Chủ tịch SHB kể từ tháng 6/2008, sau khi Công ty CP Tập đoàn T&T đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng.
Hiện tại, cá nhân ông Hiển đang nắm giữ trực tiếp gần 53 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 2,75% vốn điều lệ ngân hàng.
Ngoài ra, Tập đoàn T&T cũng đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ hơn 192,5 triệu cổ phiếu SHB, tương đương gần 10% vốn điều lệ nhà băng này.
Ông Đỗ Quang Hiển sẽ có thêm 5 năm ngồi vị trí cao nhất trong ban quản trị SHB. Ảnh: SHB. |
Bên cạnh đó, một số thành viên trong gia đình ông Hiển cũng đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu SHB. Tổng cộng, nếu tính cả lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp và gián tiếp, ông Hiển cùng người thân và công ty liên quan hiện sở hữu gần 385 triệu cổ phiếu SHB, tương đương khoảng 20% vốn ngân hàng.
Ngoài việc bầu vị trí chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới, tại phiên họp này, HĐQT SHB cũng thống nhất chức danh đối với các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027. Trong đó, ông Võ Đức Tiến đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch; ông Thái Quốc Minh, Nguyễn Văn Lê làm thành viên HĐQT; ông Đỗ Quang Vinh là thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc và ông Đỗ Văn Sinh là thành viên HĐQT độc lập.
Trong đó, ông Vinh chính là con trai cả của ông Hiển, một trong 2 nhân sự mới tham gia HĐQT SHB nhiệm kỳ này.
Về cơ cấu nhân sự Ban kiểm soát ngân hàng, SHB đã thống nhất bầu ông Phạm Hòa Bình, Trưởng ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022 tiếp tục làm trưởng ban. Trong khi bà Lê Thanh Cẩm và ông Vũ Xuân Thủy Sơn là thành viên chuyên trách Ban kiểm soát.
Theo kế hoạch kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo SHB đặt kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 14,4%, đạt 421.715 tỷ đồng vào cuối năm, trong đó kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,3%. Với chỉ tiêu huy động vốn, ngân hàng dự kiến tăng 9,8%, đạt 504.539 tỷ đồng.
Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, SHB dự kiến thu về tối thiểu 11.686 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm, tăng 87% so với năm 2021.
Chia sẻ về tính khả thi của kế hoạch này, ông Hiển cho biết con số lợi nhuận được đưa ra dựa trên các tính toán về giải pháp, nguyên lý, cơ sở và phương pháp tổ chức thực hiện. Từ các yếu tố có sẵn, ban lãnh đạo ngân hàng mới tính toán ra con số lợi nhuận tham vọng kể trên.
Ngoài ra, vị chủ tịch ngân hàng cũng cho biết SHB có nhiều thế mạnh mà trước đây chưa khai thác hết. Và kế hoạch kinh doanh kể trên hoàn toàn phù hợp với nội lực của ngân hàng.
Tính riêng quý I năm nay, SHB đã thu về 3.226 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 94% so với cùng kỳ và hoàn thành xấp xỉ 30% kế hoạch cả năm.
Theo ông Hiển, quý I thường là quý kinh doanh có lợi nhuận thấp nhất của ngân hàng do trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Với kết quả này, ban lãnh đạo SHB tin rằng mức lợi nhuận 11.686 tỷ đồng năm nay hoàn toàn khả thi.