Sáng ngày 26.4.2019, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM – ông Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Đầu Tư Xanh 2019 lần đầu tiên tại Tỉnh Trà Vinh.
Mặc dù được dự báo có tiềm năng trở thành sản phẩm quốc gia tuy nhiên lĩnh vực rau củ quả - hoa chưa thực sự tạo ra những cơ hội đột phá.
“Dự báo thị trường quả - rau - hoa hoàn toàn có tiềm năng trở thành sản phẩm xuất khẩu lớn hơn các sản phẩm quốc gia như gạo, cà phê, thủy sản và dầu thô”, theo phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Đầu Tư Xanh tổ chức tại tỉnh Trà Vinh vào ngày 26.4.2019, do Tạp chí Nhà Quản Lý phối hợp tổ chức cùng Ủy Ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ.
Mặc dù nhóm sản phẩm quả - rau - hoa chưa được chọn là sản phẩm nông nghiệp quốc gia, song kết quả xuất khẩu năm 2018 đạt 3,52 tỉ USD, tiếp tục vượt qua dầu khí (2,19 tỉ USD) và gạo (3,03 tỉ USD).
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, xuất khẩu quả - rau - hoa giai đoạn 2011-2020 tăng 25%/năm và 2011-2025 là 18%/năm, tương ứng với giá trị xuất khẩu quả - rau - hoa đến năm 2020 ước tính đạt 5,5 tỉ USD và năm 2025 sẽ đạt 12 tỉ USD.
Trên thực tế, giá trị xuất khẩu quả - rau - hoa chững lại trong năm 2018, đạt 3,5 tỉ USD. Trong bài trình bày, ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra bốn nguyên nhân chính khiến ngành ngành quả - rau - hoa chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng.
Thứ nhất, Chính phủ chưa có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển mà chủ yếu mới mang tính tự phát của các hộ nông dân. Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, sự sản xuất và xuất khẩu tự phát này có thể coi là đạt ngưỡng tối đa.
Thứ hai, các nước quốc gia đối tác nhập khẩu quả - rau - hoa của Việt Nam như Trung Quốc đã đặt ra các yêu cầu cao hơn về chất chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Điều này dẫn đến các hộ đơn lẻ không đáp ứng các chuẩn công nghệ của đối tác nước ngoài.
Thứ ba, số doanh nghiệp đầu tư vào trồng, chế biến quả - rau - hoa còn rất ít, Bí thư nhận định. Diện tích và sản lượng của các doanh nghiệp chế biến chỉ mới chiếm dưới 10% đất và 10% sản lượng quả - rau - hoa của các nước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 60% lượng rau quả xuất khẩu của cả nước.
Thứ tư, nếu nông dân có sản phẩm đảm bảo chất lượng thì không sợ không có nơi tiêu thụ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc là thị trường đang chiếm tới 73,8% giá trị xuất khẩu quả - rau - hoa của Việt Nam trong năm 2018. Việt Nam cần có cơ chế mới để đa dạng hóa thị trường, bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.
Bí thư cũng đưa ra nhiều giải pháp, đầu tiên là đưa ngành quả - rau - hoa vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia 2019-2025. Thứ hai, Việt Nam cần xây dựng Hợp tác xã kiểu mới, đưa thành mô hình chủ đạo, hỗ trợ và liên kết nông dân trồng và cung ứng cho doanh nghiệp và nguồn vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất. Ngoài ra, theo Bí thư, Việt Nam cũng cần có các chính sách khuyến khích mạnh mẽ cho các đầu tư chế biến. Ông Nguyễn Thiện Nhân ủng hộ chiến lược của Công ty Cổ phần Lavifood khi tập trung vào chế biến và để nông dân tự trồng.
Ông đưa ra kết luận, để phát triển xuất khẩu ngành quả - rau - hoa, Việt Nam cần phát triển bốn trụ cột chính. Trong đó bao gồm: Chương trình sản phẩm quốc gia quả - rau - hoa của Chính phủ 2019-2025, Phát triển Hợp tác xã kiểu mới trồng và chế biến quả - rau - hoa giai đoạn 2015-2025, Khuyến khích, phát triển các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu quả - rau - hoa giai đoạn 2019-2025. Cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện coi sản xuất và xuất khẩu quả - rau - hoa là một con đường nhanh, bền vững để người dân thoát nghèo và có thu nhập ngày càng cao trong giai đoạn 2019-2025.
Theo NQL