Ông Tập Cận Bình và nỗi lo các nhà máy sản xuất Nhật Bản di dời khỏi Trung Quốc

22/04/2020 09:27

Cứ 60 năm một lần, năm Kim Tý (năm Kim Canh Tý) lại trở lại, mang đến nhiều tai ương, tờ Nikkei Asean Review mở đầu một bài viết về cuộc 'tháo chạy' khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp Nhật Bản, vốn đang là một chủ đề tranh luận sôi nổi trên chính trường Trung Quốc.

Giữa tâm điểm của đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất xây dựng một nền kinh tế ít phụ thuộc vào Trung Quốc, ngõ hầu để Nhật Bản có thể tránh được sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của mình.

_0 1 a aAbe

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (thứ 2 từ phải qua) rất rõ ràng trong chính sách muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất ở Trung Quốc hồi hương. Ảnh Uichiro Kasai

Và lời đề nghị này đã dẫn đến một cuộc tranh luận sôi nổi trên chính trường Trung Quốc.

Tại Trung Nam Hải, nơi đặt trung tâm đầu não của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là nơi có các cơ quan chính phủ Trung Quốc, 'hiện đang có những lo ngại thực sự về việc các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc', một nguồn tin kinh tế của Trung Quốc nói.

"Đây cũng chính là những điều được đề cập đến trong những điều khoản trong gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp của Nhật Bản khuyến khích (và tài trợ) cho các hoạt động tái lập các chuỗi cung ứng".

Nếu đại dịch không xảy ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giờ có lẽ đang có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Nhật Bản, và ông Tập hẳn sẽ tự hào tuyên bố 'một kỷ nguyên mới' của quan hệ Trung-Nhật. Ông sẽ cổ vũ cho ông Abe trong việc chuẩn bị Thế vận hội 2020, một sự kiện lớn của thế giới diễn ra ở Nhật Bản.

Thay vào đó, cả chuyến thăm của ông Tập lẫn Thế vận hội đã bị hoãn lại, và quan hệ Trung-Nhật đang loay hoay tìm lối đi giữa ngã ba đường, tờ Nikkei Asean Review viết.

Những tín hiệu của chính sách mới do ông Abe công bố đã dần lộ diện từ những ngày đầu tháng 3 vừa qua. Mặc dù Nhật Bản đã để lại đằng sau thảm họa tàu du lịch Diamond Princess nhưng đất nước mặt trời mọc này hiện vẫn đang bị đóng băng trước thách thức lây lan bùng phát của virus corona.

"Do ảnh hưởng của virus corona, đã có ít sản phẩm hơn từ Trung Quốc về Nhật Bản. Và người ta lo lắng về các chuỗi cung ứng của chúng ta", ông Abe nói.

Vào 5/3/2020, đúng vào ngày công bố hoãn chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp của Ủy ban Đầu tư cho Tương lai. Ông Abe, Chủ tịch ủy ban nhấn mạnh rằng ông muốn các cơ sở sản xuất có giá trị gia tăng cao của Nhật Bản được di dời về tổ quốc.

Trên bàn họp còn có nhiều gương mặt lãnh đạo đầy ảnh hưởng trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, như ông Hiroaki Nakanishi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, tổ chức vận động chính sách lớn nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản, thường biết đến nhiều hơn dưới cái tên Keidanren.

Trong số các sản phẩm mà quá trình sản xuất bị lệ thuộc quá nhiều vào một quốc gia, "chúng ta phải cố gắng di dời các mặt hàng có giá trị gia tăng cao trở lại Nhật Bản", nhà lãnh đạo Nhật Bản nói. "Và đối với những thứ còn lại, chúng ta nên đa dạng hóa các địa chỉ sản xuất ở các nước ASEAN", ông Abe nhấn mạnh.

Những nhận xét của ông Abe đã quá rõ ràng. Những gián đoạn đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng linh kiện sản xuất ô tô cũng như nhiều sản phẩm khác mà Nhật Bản bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của nhiều tập đoàn lớn Nhật Bản.

Và các doanh nghiệp Nhật Bản được yêu cầu làm nhiều hơn chính sách "Trung Quốc +1" vốn đã cũ kỹ dựa trên việc mở thêm một địa điểm sản xuất độc lập với cơ sở sản xuất của họ đặt ở Trung Quốc.

Ông Abe như vậy đang hoàn thiện chính sách 'rời bỏ Trung Quốc' của mình. Một chính sách dường như bị nhấn chìm về mặt truyền thông trước hàng loạt các tít báo nóng bỏng liên quan đến đại dịch Covid-19.

Nhưng Trung Quốc thì không bỏ qua sự kiện này, họ chăm chú theo dõi và đang tự hỏi liệu đây có phải là một cuộc đánh úp về công nghiệp như những gì đã từng trải qua ở Nhật Bản hay không.

Một xu hướng như vậy chắc chắn sẽ làm lung lay nền tảng cho mô hình tăng trưởng lâu dài của Trung Quốc.

Trong gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp mà Nhật Bản đưa ra hôm 7/4, chính phủ Nhật Bản kêu gọi tái lập chuỗi cung ứng bị virus corona tấn công. Nhật Bản đã dành 240 tỷ yen (tương đương 2,2 tỷ USD) cho kế hoạch ngân sách bổ sung năm 2020 để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước chuyển các cơ sở sản xuất về Nhật Bản hoặc đa dạng hóa sản xuất tại các nước ASEAN. "Một khoản tiền gọn gàng", theo đánh giá của tác giả bài viết trên Nikkei Asean Review.

_0 1 a a Tap va ldaoTQ

Ông Tập Cận Bình (người hàng đầu tiên, bên phải) cùng các Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc tại một buổi lễ tại quảng trường Thiên An Môn ngày 30/9/2019. Ảnh Nikkei

Hôm sau đó, ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc đã nhóm họp tại Bắc Kinh.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Khi đại dịch tiếp tục lan tràn trên toàn cầu, kinh tế thế giới đang phải đối mặt với các nguy cơ ngày một gia tăng".

Ông nói thêm: "Các nhân tố bất ổn và không chắc chắn xuất hiện ngày càng nhiều".

Ông Tập Cận Bình, với vai trò là Tổng thư ký của Đảng, nhấn mạnh sự cần thiết phải 'suy nghĩ các mấu chốt", nghĩa là giả định trong các trường hợp xấu nhất, và ông kêu gọi: "chuẩn bị tâm trí và làm việc để đối phó với những thay đổi kéo dài của môi trường bên ngoài".

Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc gồm 7 thành viên, họp định kỳ mỗi tuần một lần và rất hiếm khi được tổ chức bất thường hay có báo cáo nội dung của phiên họp.

Ông Tập kêu gọi chuẩn bị cho 'một cuộc chiến kéo dài' trong khi giả định điều tồi tệ nhất xảy ra.

Trong khi đó, tại Mỹ cũng có những cuộc thảo luận liên quan tới việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Larry Kudlow, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia thuộc Nhà Trắng cho biết ông đang xét xét đến các chi phí di dời các công ty Mỹ từ Trung Quốc về Hoa Kỳ.

Điều này cũng phù hợp với chương trình nghị sự "Nước Mỹ là trên hết" (America First) của Tổng thống Donald Trump.

Nếu Hoa Kỳ và Nhật Bản, các nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba lần lượt rời khỏi Trung Quốc thì điều này sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế thứ nhì thế giới.

_0 1 a a Abe-Trump

Ông Trump (trái) và ông Abe (giữa) dường như đang đi cùng nhau trên một con đường là kêu gọi các doanh nghiệp của họ rời khỏi Trung Quốc, một nỗi đau cho ông Tập Cận Bình (phải). Ảnh Kyodo

Một chủ đề hiện đang xôn xao trong giới trí thức Trung Quốc, đó là theo biểu đồ chiêm tinh học Trung Quốc, năm 2020 là năm Kim Tý, tức năm chuột kim loại, cứ 60 năm lại xuất hiện một lần.

Người ta nói cứ mỗi lần đến năm Kim Tý, thì lại có một sự kiện chấn động xảy ra.

Năm Kim Tý 1840, dưới triều đại nhà Thanh, Cuộc chiến Nha phiến (Opium war) nổ ra, dẫn đến việc kinh tế Trung Quốc trì trệ trong suốt hơn một thế kỷ.

60 năm sau đó, năm 1900, vào cuối triều đại nhà Thanh, các lực lượng từ một liên minh gồm 8 quốc gia Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Nga, Nhật Bản, Áo và Hungary từ Thiên Tân đã tiến đánh Bắc Kinh, một sự cố được kích hoạt từ Cuộc nổi loạn Boxer, bắt đầu vào năm 1899.

Khi năm Kim Tý tiếp theo trở lại vào năm 1960, năm đó trùng hợp với nạn đói do công cuộc Đại Nhảy Vọt do Mao Trạch Đông, cha đẻ của nước Trung Hoa mới, hay còn gọi là Cộng hòa Nhân dânn Trung Hoa phát động gây ra.

"55 ngày ở Bắc Kinh" (55 Days at Peking) là một bộ phim do Mỹ sản xuất, với sự tham gia của Charlton Heston miêu tả cuộc bao vây của lực lượng liên quân nước ngoài ở Bắc Kinh, trong giai đoạn của Cuộc nổi loạn Boxer.

Nhà báo Dương Kế Thằng (Yang Jisheng), cựu phóng viên của Tân Hoa Xã là người có cha nuôi bị chết vì nạn đói, sau này đã thực hiện phóng sự Tombstone (Bia mộ) miêu tả kỹ càng về thảm họa kinh khủng này.

_0 1 a a bongDNV Getty

Thu hoạch bông vào thời kỳ Đại Nhảy Vọt. Ảnh Keystone-France/Gamma-Keystone via Getty Images

Dựa trên những phỏng vấn thực địa, nhà báo Dương Kế Thằng đã tiết lộ rằng đã có tới 36 triệu người đã chết trong giai đoạn Đại Nhảy Vọt, nhiều hơn rất nhiều với các con số Trung Quốc đã công bố.

Kim Tý năm nay sẽ như thế nào đối với Trung Quốc?

Đỉnh dịch cúm Vũ Hán đã qua ở Trung Quốc, nhưng Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong), bác sĩ nổi tiếng đứng đầu nhóm điều trị lâm sàng bệnh cúm do virus corona gây ra cho biết, sẽ có một đợt nhiễm bệnh thứ hai tại Trung Quốc vào tháng 11 này, hoặc chậm hơn một chút.

Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha giai đoạn 1918-1920, làn sóng nhiễm bệnh thứ hai nghiêm trọng hơn đợt đầu tiên. Từ đó đến nay, không có đại dịch nào nguy hiểm hơn. Ước tính có 500 triệu người, tức là một phần ba dân số trên hành tinh lúc đó, bị nhiễm bệnh và 50 triệu người đã chết.

Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), một bác sĩ y khoa 83 tuổi, người đã tỏa sáng vào năm 2003, khi ông đóng vai trò chính trong cuộc chiến chống lại hội chứng hô hấp cấp tính nặng, hay còn gọi là SARS.

Các virus corona chủng mới đã bị đột biến và tỷ lệ tử vong của nó đã đạt đến mức cao hơn tới 20 lần so với bệnh cúm thông thường, bác sĩ Chung cảnh báo.

Virus corona chủng mới xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái và sau đó lan rộng ra toàn cầu. Chính việc Trung Quốc bưng bít và đáp áp thông tin virus và các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội đã dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh tại nước này vào giữa tháng 1 vừa qua và góp phần gây ra thảm họa, khiến virus lan tràn ra khắp thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đích danh gọi virus corona là "virus Trung Quốc", mặc dù sau đó ông đã ngừng nói vậy.

Dư luận toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tái lập trật tự thế giới thời hậu virus. Hiện tại, Hoa Kỳ và Trung Quốc là những nước đang chủ động trong cuộc chiến truyền thông này.

Ở Trung Quốc cổ đại, các thẻ tre chính là thứ dùng để viết lên và lưu trữ các tài liệu trước khi giấy được ra đời. Chúng được gọi là "thẻ xanh" vì các thẻ tre có màu xanh trước khi được sơ chế và khâu lại thành sách.

Thẻ tre là tài liệu chính thức được lưu giữ cho hậu thế, và chúng có giá trị lớn khi một hoàng đế ghi tên của mình lên thẻ.

Nếu tai họa của virus corona làm thay đổi mạnh mẽ trật tự thế giới trong thế kỷ 21, thì Hoa Kỳ hay Trung Quốc sẽ ghi tên mình lên các thẻ tre? Trung Quốc đang cố gắng hết sức để không để mất lợi thế trong cuộc đua này.

Phần lớn điều này sẽ phụ thuộc vào cách mà Hoa Kỳ và Trung Quốc xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá bởi virus corona. Nếu các công ty nước ngoài lớn rút khỏi Trung Quốc, điều này sẽ trở thành lực cản lớn cho sự hồi sinh kinh tế của đất nước Trung Hoa.

Katsuji Nakazawa

 

* Katsuji Nakazawa, tác giả bài viết là biên tập viên cao cấp, người chuyên viết xã luận cho tờ Nikkei. Ông đã từng ở Trung Quốc 7 năm với vai trò của một thông tín viên, và sau này trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc của Nikkei. Năm 2014, ông đã nhận giải thưởng Nhà báo quốc tế Vaughn-Ueda cho các phóng sự quốc tế xuất sắc của mình.

CHÍ THÀNH chuyển ngữ/ Nhà đầu tư

Nguồn: https://nhadautu.vn/ong-tap-can-binh-va-noi-lo-cac-nha-may-san-xuat-nhat-ban-di-doi-khoi-trung-quoc-d36284.html