Ông Tiền Gia Trí: Trái dừa đâu chỉ để ăn!

26/04/2018 15:24

Đang là “thầy” dạy nhiều lớp học, khoá học về bán hàng, phân phối cho các doanh nghiệp, ông Tiền Gia Trí bất ngờ nhảy sang làm khởi nghiệp khi ông sáng lập nên thương hiệu dầu dừa ép lạnh Cocomeko.

 

Mỹ phẩm của công ty Cocomeko đã lưu hành trong hệ thống sân bay ở Việt Nam và hệ thống shop làm đẹp.

Là người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức khi từng làm trong các công ty trong nước, các tập đoàn đa quốc gia, ông Tiền Gia Trí cũng đang là “thầy” dạy nhiều lớp học, khoá học về bán hàng, phân phối cho các doanh nghiệp. Vài năm gần đây, day dứt trước việc làm sao tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là trái dừa, ông đã sáng lập nên thương hiệu dầu dừa ép lạnh Cocomeko. Gặp chúng tôi trong một hội thảo về chỉ dẫn địa lý liên quan đến dừa, ông đã chia sẻ câu chuyện của Cocomeko.

Ở tuổi của mình, ông nghĩ có trễ quá khi bắt đầu “khởi nghiệp” với dừa?

– Là người con của vùng đất Mekong, một vùng đất nông nghiệp có nhiều cây trái như thơm (khóm), dừa, mía, mãng cầu… tôi được nuôi dưỡng và lớn bên cạnh dòng sông Cái Lớn (huyện Gò Quao, Kiên Giang). Tuy vậy, cuộc sống của anh chị mình ở quê và bà con nông dân xung quanh đó vẫn rất bấp bênh với điệp khúc được mùa mất giá, bán nông sản thô và tươi do chưa biết cách làm gia tăng giá trị. Tôi rất tâm đắc với câu nói của ông Philip Kotler: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới, thì Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới”. Vì thế, tôi cho rằng cần phải gia tăng giá trị cho nông sản vùng Mekong, bằng cách đưa công nghệ chế biến vào.

Cách đây ba năm, một người bạn mời tham gia kinh doanh dầu dừa và tôi nhanh chóng đồng ý. Và sau một thời gian tìm hiểu tôi phát hiện ra dầu dừa trước giờ vốn khá gần gũi với tuổi thơ (mẹ tôi hay dùng dầu dừa tự nấu để thoa lên tóc của bà và tóc bà khá đẹp và mượt), giờ lại được thế giới công nhận là một trong những loại dầu thực vật tốt, nếu không muốn nói là tốt nhất, do nó được cấu tạo từ chuỗi axít béo có độ dài trung bình, dễ chuyển hoá thành năng lượng, chứ không tích tụ trong cơ thể như những chất béo khác gây béo phì, do chuỗi ngắn nên dễ thâm nhập vào da, tóc.

Các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn… đang rất chuộng mặt hàng này, nhưng phải là dầu dừa nguyên chất ép lạnh quay ly tâm (họ không chuộng dầu đã qua nhiệt, do sự thay đổi và mất đi một số dưỡng chất và vitamin quý có trong dầu dừa). Từ đó, tôi bén duyên với dầu dừa, rồi thương hiệu Cocomeko ra đời. Cocomeko được ghép từ coconut oil (tiếng Việt là dầu dừa) và Mekong, hàm ý sản phẩm dầu dừa được lấy từ dòng sông Mekong có phù sa trù phú nuôi dưỡng con người ở vùng đất này.

Với dừa, ông đã chọn hướng đi như thế nào để khởi nghiệp?

– Nói qua một chút về dầu dừa mà Cocomeko đang kinh doanh. Đây là loại dầu được sản xuất theo công nghệ ép lạnh ly tâm. Quy trình có thể tóm tắt như sau: sau khi bổ quả dừa ra, cơm dừa được tách, xay nhuyễn và ép ra sữa dừa (nước cốt dừa). Sữa dừa được đưa vào máy quay ly tâm tách nước và dầu (kết quả dầu ra lần đầu vẫn còn lẫn với nước, và được cho vào máy quay lại 5 – 6 lượt) với tốc độ cao để tách nước và các chất cặn, chất lơ lửng trong dầu để ra một loại dầu tinh khiết và giữ nguyên những dưỡng chất và vitamin bên trong.

Cách làm cũ, đang xài tới 90% là đun nước cốt dừa lên hay tự nấu ở nhà, qua nhiệt nên dầu sẽ vàng hơn, mất đi một số vitamin và cô đặc hơn (khó thẩm thấu vô da, tóc do sệt hơn). Vả lại, tự chế biến, giá thành sẽ cao hơn, do cơm dừa không được bào nhuyễn bằng máy nên tỷ lệ sữa dừa thu được ít hơn và tốn thời gian, tốn điện để nấu hơn là công nghệ ép lạnh ly tâm.

Dầu dừa dùng cho tóc có thể trị gàu, mượt tóc, trị được việc gãy rụng tóc, dưỡng ẩm tóc với tóc khô. Dầu dừa ép lạnh tốt cho việc dưỡng ẩm da, tẩy tế bào chết với bột cà phê hay dưỡng da với trà xanh, tẩy trang… Dầu dừa ép lạnh cũng là một loại dầu ăn cao cấp, nhưng Cocomeko chỉ làm sâu sản phẩm dầu dừa sử dụng cho làm đẹp. Chúng tôi sẽ thiết kế bao bì khác đi, công dụng khác đi, hướng dẫn cho người dùng cuối cùng ví như ủ tóc như thế nào, dùng cho da cần thêm cà phê bột nguyên chất; dùng cho mát xa cần thêm sữa tươi hoặc tinh bột nghệ có thêm yaourt…

“Cần phải gia tăng giá trị cho nông sản vùng Mekong bằng cách đưa công nghệ chế biến vào.” – Ông Tiền Gia Trí, giám đốc công ty Mekong special products.

Thị trường mà Cocomeko nhắm đến như thế nào?

– Hiện tại, chúng tôi đang bán sản phẩm dầu dừa chuyên làm đẹp cho da và tóc trong hệ thống sân bay ở Việt Nam và hệ thống shop làm đẹp. Đây là một dạng mỹ phẩm “thuận tự nhiên” nên rất an toàn cho người dùng. Sau thời gian dùng thử, đã có những cửa hàng lấy hàng lại lần thứ ba. Trước mắt, Cocomeko nhắm đến thị trường TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ở Hà Nội, chúng tôi có hơn 500 cửa hàng và một số siêu thị rồi và vẫn phải phát triển thêm. Còn tương lai ba bốn năm nữa sẽ tập trung đầu tư thiết bị máy móc để xuất khẩu, vì các quốc gia như Nhật, Hàn Quốc thích sử dụng dầu dừa ghê lắm.

Là chuyên gia tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp cách thức bán hàng, phân phối… Liệu ông có gặp khó khăn gì khi quay sang khởi nghiệp?

– Mình chỉ xem bản thân có chút kinh nghiệm và kiến thức trong quá trình làm việc và học tập ở những công ty trong nước và các tập đoàn đa quốc gia. Những kiến thức mà mình chia sẻ trên lớp và đi tư vấn, là vốn kinh nghiệm được đúc kết từ những công ty lớn và khá bài bản.

Tuy vậy, khi khởi nghiệp thì gặp khá nhiều khó khăn, do mình phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhặt, như tự tay đặt tên thương hiệu, góp ý bảng thiết kế bao bì, tìm và chở nguyên vật liệu hay post bài trên fanpage, giao hàng, xây dựng website và hàng ngàn việc không tên lặt vặt khác. Khi làm riêng, mọi thứ mình phải đối đầu từ vốn, công nợ, thu, chi; đến việc tìm kiếm khách hàng, xác định lại kênh bán hàng, lắng nghe phản hồi của người dùng. Và đặc biệt là ngành hàng mới nữa, nên tốn nhiều thời gian và có lúc tưởng chừng như bế tắc.

Khó khăn nữa về mặt thị trường, khi hiện tại người tiêu dùng vẫn quen dùng dầu dừa tự nấu. Chủ tiệm tóc vẫn chưa quen với dầu công nghệ ép lạnh ly tâm mới này. Cocomeko vẫn cần thời gian để chứng minh và cho họ trải nghiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải đối mặt với hàng giả, hàng nhái khá nhiều.

Tuy nhiên, ở lứa ngũ tuần như tôi cũng có được thuận lợi là thận trọng và chín chắn hơn, đi từng bước một. Bên cạnh đó, việc có thêm công việc tay trái để có nguồn thu nhập khác khi công ty chưa đem lại lợi nhuận là điều hết sức cần thiết, để giảm áp lực cơm áo gạo tiền trong giai đoạn khó khăn ban đầu của khởi nghiệp. Sự ủng hộ của gia đình cũng là một yếu tố thuận lợi quan trọng.

Quỳnh Trần (theo TGTT)