Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đã gạt đi những lo ngại về sức khỏe tài chính của hãng hàng không của ông và khẳng định Bamboo Airways vẫn sẽ tiếp tục mở rộng đội tàu bay trong năm 2020.
Bamboo Airways – hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC đang có kế hoạch mở đường bay từ Hà Nội và TP HCM đến Côn Đảo bằng tàu bay Airbus A319.
Hiện nay, Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) thuộc Vietnam Airlines là hãng duy nhất khai thác các đường bay đến Côn Đảo từ TP HCM và Cần Thơ bằng máy bay cánh quạt ATR 72.
Bamboo Airways đã đề nghị Cục Hàng không cấp phép mở đường bay đến Côn Đảo nhưng còn một số vướng mắc kĩ thuật liên quan tới tải trọng đường băng nên chưa được phê duyệt.
Đội bay của Bamboo Airways hiện nay có duy nhất một chiếc A319. Chia sẻ bên lề một sự kiện tổ chức chiều 30/5, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Bamboo Airways cho biết nếu được Cục Hàng không cấp phép bay tới Côn Đảo, hãng hàng không của ông sẽ thuê hoặc mua thêm ít nhất một chiếc A319 nữa để đảm bảo khai thác.
Khi được hỏi liệu kế hoạch mở rộng đội tàu bay của Bamboo Airways có bị cản trở bởi những khó khăn về tài chính mà hãng đang trải qua hay không, ông Quyết khẳng định: "Tôi chưa bao giờ nói Bamboo Airways khó khăn về tài chính. Không biết các bạn lấy số liệu hay nguồn tin ở đâu để nói chúng tôi khó khăn. Bamboo Airways vẫn đang triển khai các hoạt động bình thường, bài bản và nhanh chóng, thậm chí còn chuyên nghiệp hơn trước khi có dịch COVID-19".
"Khi nào không bay được thì mới gọi là khó khăn", ông Quyết nói. "Nếu thực sự khó khăn, một hãng hàng không sẽ không khai thác bay, phải cắt giảm biên chế. Ví dụ như Emirates thông báo cắt 30% số nhân viên. Các hãng hàng không Việt Nam hiện nay chưa nói gì đến chuyện giảm biên chế hay cắt đường bay, thậm chí còn tăng lên".
Nói về nghĩa vụ nợ của Bamboo Airways, ông Quyết chia sẻ: "Đã kinh doanh thì ai cũng muốn nợ, càng nợ nhiều càng tốt. Nếu nợ không trả thì chỉ khi nào có phán quyết của tòa án mới gọi là nợ quá hạn hoặc dùng những từ xấu nhất để gọi tên. Trong kinh doanh nợ là bình thường, Bamboo chỉ nợ bằng 1/3 các hãng khác".
Nhận định cuối cùng của ông Quyết nhiều khả năng nói về số tiền mà các hãng hàng không đang nợ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Thời gian qua Cục Hàng không Việt Nam nhận được báo cáo về việc nợ quá hạn kéo dài của Bamboo Airways từ các công ty cung cấp dịch vụ hàng không như ACV, Tổng Công ty Quản lí bay Việt Nam (VATM), Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS), Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec).
Căn cứ vào các văn bản trên, Cục Hàng không đã đề nghị Bamboo Airways khẩn trương báo cáo: Tình hình công nợ và phương án giải quyết; Tình hình tài chính đảm bảo hoạt động kinh doanh; Các kiến nghị và đề xuất (nếu có).
Theo công văn mà ACV gửi Cục Hàng không ngày 19/3/2020, Bamboo Airways thường thanh toán không đúng hạn và không đảm bảo mức bảo lãnh thanh toán theo hợp đồng đã kí kết.
Tính tại ngày 18/3/2020, Bamboo Airways đang nợ ACV gần 205,5 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn là 178,7 tỉ đồng. ACV cũng cho biết từ tháng 5/2019 đến tháng 3/2020 đã gửi đi 24 văn bản yêu cầu Bamboo Airways thanh toán các khoản nợ quá hạn.
Phản hồi thông tin trên của ACV, Bamboo Airways cho biết hoạt động thanh toán phí dịch vụ đã "phát sinh một số khúc mắc giữa hai bên".
Đầu tháng 5/2020, khi báo chí đưa tin Bamboo Airways hiện vẫn "chây ì", "Chúa Chổm", "chưa chịu thanh toán" nợ cho ACV, ông Trịnh Văn Quyết đã gọi đây là "thông tin bẩn".
Theo ông Quyết, Bamboo Airways đã thanh toán toàn bộ công nợ cho hợp đồng năm 2019 với ACV. Đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020, Bamboo Airways đã đạt được thỏa thuận với ACV để làm cơ sở cho việc thanh toán công nợ trong giai đoạn đầu năm.
Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng dẫn chứng báo cáo tài chính quí I/2020 của ACV cho biết "Khoản phải thu tính đến tháng 3/2020 của ACV đối với Bamboo Airways chính là nhỏ nhất trong top 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam.
Cụ thể theo báo cáo tài chính hợp nhất quí I của ACV, tại ngày 31/3/2020, ACV đang phải thu Vietjet Air hơn 735 tỉ đồng, Vietnam Airlines 700 tỉ đồng, Bamboo Airways 269 tỉ đồng, Jetstar Pacific 167 tỉ đồng. Tuy nhiên số chuyến bay mà Bamboo Airways khai thác trong quí I cũng chỉ bằng khoảng 37-40% so với hai hãng Vietjet Air và Vietnam Airlines.
Trong quí I, phần lớn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Bamboo Airways lỗ khoảng 1.500 tỉ đồng, Vietnam Airlines và Vietjet Air lỗ lần lượt 2.600 và 989 tỉ đồng.