Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Ông trùm trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ rửa tiền như thế nào?

13/11/2018 07:24

Với số tiền thu lời bất chính từ hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến bằng game bài RikVip/Tip.Club, Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch Công ty CNC đã sử dụng hàng loạt các chiêu thức rửa tiền, để hợp thức hóa số tiền bất hợp pháp.

Với số tiền thu lời bất chính từ hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến bằng game bài RikVip/Tip.Club, Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch Công ty CNC đã sử dụng hàng loạt các chiêu thức rửa tiền, để hợp thức hóa số tiền bất hợp pháp.

Theo cáo trạng truy tố, với chiêu thức rửa tiền của kẻ cầm đầu, ông trùm đường dây đánh bạc nghìn tỷ Nguyễn Văn Dương đãrửa tiền thông qua Công ty CP Đầu tư UDIC (Công ty UDIC) với các hoạt động tham gia dự thầu dự án BOT, ký hợp đồng với các cá nhân, tổ chức khác...

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư UDI được thành lập ngày 29/1/2010 - 28/4/2016, sau 12 lần tăng vốn điều lệ chỉ trong vòng 6 năm, UDIC có mức vốn điều lệ 925.320.020.000 đồng, trong đó Nguyễn Văn Dương cam kết góp 99,564%. Ngày 17/4/2017, Dương chuyển nhượng vốn cho một số công ty, cá nhân khác và rút vốn về.

Thời điểm đầu năm 2015, để đủ điều kiện năng lực tài chính tham gia dự thầu Dự án đường cao tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, ngày 19/01/2015, Nguyễn Văn Dương lúc này là Chủ tịch HĐQT Công ty UDIC đã họp HĐQT và thống nhất ra Nghị quyết tăng vốn công ty từ 36 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, Dương cam kết góp 85,05% vốn điều lệ.

Bị cáo Nguyễn Văn Dương được Công an dẫn giải tới phiên tòa

Theo đó, Dương thuê tư vấn tài chính để tư vấn thủ tục nâng vốn. Sau đó, Dương chỉ đạo nhân viên soạn thảo các hợp đồng để Công ty UDIC ký hợp đồng giao khoán công việc với các công ty và cá nhân với tổng giá trị các hợp đồng hơn 533,55 tỷ đồng.

Trong năm 2015, các hoạt động “nghiệp vụ” được Dương thực hiện như sau: Ngày 19/10/2015, Dương đưa cho Lưu Thị Ngọc (thủ quỹ Công ty UDIC) 4 tỷ đồng tiền mặt để nộp vào tài khoản cá nhân của Dương.

Đến ngày 20/10/2015, Dương đưa Ngọc 20,079 tỷ đồng nộp vào tài khoản của Dương. Sau đó, Dương chuyển số tiền 24 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty UDIC để chứng minh năng lực tài chính đã được các cổ đông góp vốn.

Ngay sau khi chuyển tiền vào tài khoản Công ty UDIC, Dương chỉ đạo Lê Văn Dũng (Giám đốc Công ty UDIC) ký các hợp đồng và ủy nhiệm chi chuyển luôn số tiền trên cho các công ty Trường Thịnh, Thủ Đô, Miền Bắc, ông Bân, bà Thảo với nội dung để thực hiện các hợp đồng.

Sau đó, các công ty trên rút tiền ra để chuyển cho Đoàn Thị Thu Hà (Kế toán Công ty CNC) rồi lại nộp vào tài khoản của Nguyễn Văn Dương, Dương lại nộp vào tài khoản Công ty UDIC. Cứ như vậy, từ ngày 21/10/2015 - 25/10/2015, Nguyễn Văn Dương đã nâng được số vốn điều lệ của Công ty UDIC tăng thêm trên sổ sách 496.950.500.000 đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Lúc này, trên sổ sách kế toán thể hiện Công ty UDIC chuyển theo hợp đồng cho Công ty Thủ Đô 30 tỷ đồng, Công ty Miền Bắc 40 tỷ đồng; Công ty Trường Thịnh 30 tỷ đồng; ông Bân 238.352.500.000 đồng; bà Thảo 146,648 tỷ đồng, ứng cho Nguyễn Thanh Thủy 500 triệu đồng, tạm ứng cho Dương 23,950 tỷ đồng; Dương lại chuyển vào tài khoản của Phạm Thị Phương Minh (vợ Dương) 20 tỷ đồng.

Như vậy, trên sổ sách kế toán của Công ty UDIC đến ngày 25/10/2015 thể hiện số vốn điều lệ là 532.450.500.000 đồng nhưng thực chất lại không tăng đồng nào. Cũng với chiêu thức như trên, trong năm 2016, Dương cũng ký hợp đồng với các công ty và các cá nhân để nâng vốn điều lệ Công ty UDIC lên 929.397.500.000 đồng.

Các công ty, cá nhân đã ký hợp đồng nói trên trả lại tiền vì thanh lý hợp đồng. Đến ngày 17/4/2017, Dương tách Công ty UDIC thành hai công ty là: CTCP Đầu tư UDIC (mới) và Công ty CP Đầu tư CNC với mục đích để Dương bán cổ phần của Công ty UDIC và chuyển giao dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Sau khi tách công ty, Dương bán 77.783.120 cổ phần (99,50% vốn điều lệ của Công ty UDIC), tương đương số tiền 777.831.200.000 đồng cho 3 công ty. Tuy nhiên, thực tế tại thời điểm đó, Dương chỉ có 32.978.700 cổ phần có giá trị thực, tương ứng số tiền 329,787 tỷ đồng mà Công ty UDIC đã chuyển vào CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, số cổ phần còn lại là không có thực do việc nâng khống vốn điều lệ và đã tạm ứng rút ra khỏi Công ty UDIC.

Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định, sau khi có tiền thu lời bất chính do vận hành game bài RikVip (giai đoạn 1), Nguyễn Văn Dương đã 2 lần sử dụng tổng số tiền 54 tỷ đồng để quay vòng, nâng khống vốn cam kết góp vào Công ty UDIC theo điều lệ là 893.397.500.000 đồng.

Nếu chỉ căn cứ vào sổ sách kế toán của Công ty UDIC, đến thời điểm ngày 25/10/2015, Dương đã có số tài sản trị giá 893.397.500.000 đồng. Thực tế cho thấy, Dương đã sử dụng số tiền có được do tổ chức đánh bạc sau này để hoàn trả vào số tiền đã khai khống trước đó, che giấu nguồn gốc số tiền do tổ chức đánh bạc mà có, với tổng số tiền 576,803 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 316.594.500.000 đồng là giá trị nộp khống vào Công ty UDIC.

Trong giai đoạn truy tố, Nguyễn Văn Dương đã tự nguyện và được cho phép ủy quyền gia đình tìm người mua và bán tầng 5 và 6 tòa nhà Icon4 được 61.502.896.410 đồng nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính mở tại Kho bạc tỉnh Phú Thọ để khắc phục hậu quả.

Số tiền chênh lệch còn lại tuy không quy kết rửa tiền nhưng vẫn nằm trong tổng số phải truy thu của Dương là 1.655.426.920.746 đồng.

Nguyễn Văn Dương (Sinh năm 1975 tại Hà Nội)

Trình độ học vấn: 12/12;

Trình độ chuyên môn: Cử nhân quản trị kinh doanh;

Nghề nghiệp: Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (CNC), bị bắt, tạm giữ ngày 30/08/2017 sau đó chuyển tạm giam cho đến nay, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam công an tỉnh Phú Thọ.

Mạnh Hùng

Theo Công Lý