Jack Andraka, 22 tuổi, đã bị 199 phòng thí nghiệm từ chối trước khi thành công trong việc phát minh ra phương pháp điều trị ung thư cứu sống hàng ngàn bệnh nhân với thời gian điều trị nhanh hơn 28 lần, chi phí rẻ hơn 26.000 lần và điều trị tốt hơn 100 lần so với phương pháp hiện tại.
Phòng thí nghiệm thứ 200 và phát minh vĩ đại
Khi 15 tuổi, Jack Andraka đã có một ý tưởng điên rồ. Anh tạo ra một xét nghiệm chẩn đoán ung thư tuyến tụy tốt hơn các xét nghiệm được phát triển bởi các nhà khoa học, phòng thí nghiệm nghiên cứu và các công ty dược phẩm tỷ đô. Phát minh của Jack có ý nghĩa vô cùng to lớn với cộng đồng khi nó tốt hơn 100 lần, nhanh hơn 28 lần và rẻ hơn 26.000 lần so với xét nghiệm hiện tại.
Kể cả trong trường hợp không hoạt động hết hiệu quả, phát minh của Jack cũng có tác dụng trong điều trị ung thư buồng trứng và phổi. Với phương pháp mới của mình, người dùng sẽ chỉ mất 3 cent Mỹ (chưa tới 1.000 đồng) và 5 phút xét nghiệm.
Jack đã viết một đề xuất để phát triển nghiên cứu của mình tốt hơn. Tuy nhiên, 199 phòng thí nghiệm nghiên cứu đã từ chối anh. Điều may mắn là anh đã không bỏ cuộc. Phòng thí nghiệm nghiên cứu thứ 200 - tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore - đã chấp nhận dự án của anh ấy. Thử nghiệm chẩn đoán của anh đã mang lại cho anh giải thưởng đầu tiên tại Hội chợ khoa học và kỹ thuật quốc tế Intel, cuộc thi nghiên cứu khoa học tiền đại học lớn nhất thế giới. Tham gia cuộc thi là các thí sinh đến từ 70 nước và là những người ưu tú từng giành chiến thắng ở kỳ thi Quốc gia.
Cũng trong năm 2012, Jack nhận giải thưởng American Ingenuity đầu tiên của tạp chí Smithsonian - giải thưởng tôn vinh những người trẻ đạt được thành tựu lớn. Jack Andraka đã giành chiến thắng, nhận được khoảng 100.000 USD tiền thưởng (75.000 USD từ giải thưởng lớn và hơn 25.000 USD từ các giải thưởng nhỏ hơn khác).
Năm 2014, Andraka giành được giải thưởng Thomas Jefferson. Đây là giải dành cho những cá nhân xuất sắc dưới 35 tuổi và thường được xem như một giải Nobel cho những hoạt động vì cộng đồng. Jack cũng được trao giải Thanh niên sáng tạo National Geographic Emerging Explorer năm 2014.
Tài năng thiên bẩm và thái độ tích cực với thất bại
Những gì Jack nỗ lực tìm tòi nghiên cứu là từ sau sự kiện một người bạn thân của gia đình anh không may chết vì ung thư tuyến tụy. Jack Andraka bắt đầu quan tâm đến việc tìm kiếm một xét nghiệm chẩn đoán phát hiện sớm tốt hơn. Thật không may, ung thư tuyến tụy thường bị phát hiện quá muộn để cứu bệnh nhân.
Jack cho biết giải pháp đã đến với anh trong lớp sinh học ở trường trung học. Khi giáo viên nói về kháng thể, anh đọc trộm một bài báo về ống nano và lúc đó có hai ý tưởng xuất hiện trong đầu. Ngay lập tức, anh đã nghĩ rằng mình có thể kết hợp những gì giáo viên đang nói với những gì anh biết về ống nano để tạo ra một xét nghiệm phát hiện sớm ung thư tuyến tụy.
Jack Andraka đã sử dụng những gì mình tìm thấy thông qua các tìm kiếm của Google và các tạp chí khoa học trực tuyến miễn phí để phát triển một kế hoạch và ngân sách. Jack đã liên lạc với khoảng 200 người bao gồm các nghiên cứu sinh tại Đại học Johns Hopkins và Viện Y tế Quốc gia với một đề xuất để được làm việc trong phòng thí nghiệm của họ.
Sau 199 lần bị từ chối, cuối cùng Jack nhận được sự chấp nhận từ Tiến sĩ Anirban Maitra, Giáo sư Ung thư, Kỹ thuật Hóa học và Sinh học phân tử tại Đại học Johns Hopkins. Jack làm việc mỗi ngày sau giờ học, vào cuối tuần và ngày nghỉ tại phòng thí nghiệm của Maitra cho đến khi anh phát triển hoàn thiện thí nghiệm của mình. Liên tục trong 7 tháng, Jack đã phát triển phương pháp kiểm tra, phát hiện mesothelin nồng độ cao trong cơ thể. Đây là loại protein đặc biệt, thường được sản sinh ra rất nhiều trong thời kỳ đầu của bệnh ung thư tuyến tụy.
Với Jack, kể cả khi ý tưởng bị từ chối và thất bại khi thử nghiệm và triển khai – thì ở một mặt nào đó, đó chính là điều cần thiết phải xảy ra để có được thành công. Anh chia sẻ: "Trong khoa học, thất bại luôn xảy ra vì vậy bạn nên chấp nhận nó, bạn có thể học hỏi và tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn từ thất bại của mình".
Theo Trang Trang (Tổng hợp)
Trí thức trẻ