Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại kỳ vọng NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) để việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% được tốt hơn.
Theo lãnh đạo Agribank, ngân hàng này đã triển khai ngay gói hỗ trợ lãi suất 2% và dự kiến sẽ hỗ trợ 5.000 tỷ đồng cho hàng triệu khách hàng. Đại diện Agribank kiến nghị NHNN, nhất là NHNN các tỉnh, thành, tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng thương mại, đặc biệt là công tác tuyên truyền để triển khai cho đúng đối tượng, đồng thời đề nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay trong quá trình triển khai, bởi lộ trình rất gấp trong khi việc hỗ trợ lãi suất dùng ngân sách nhà nước lại cần sự cẩn trọng.
Đại diện BIDV thì nêu thêm khó khăn rằng việc hỗ trợ lãi suất lần này cũng ảnh hưởng nhất định đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng, bởi ngân hàng sẽ phải ứng trước tiền và một phần tiền sẽ được quyết toán sau. Vị đại diện ngân hàng lưu ý thêm, số lượng khách hàng đăng ký gói hỗ trợ sẽ ngày càng lớn trong khi "room" tín dụng của BIDV chỉ ở mức 10%, nên mong muốn NHNN xem xét sớm nới room tín dụng cho BIDV cũng như các ngân hàng có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng khi triển khai gói hỗ trợ.
Thông tin tại hội nghị, lãnh đạo VietinBank cho biết các đối tượng đáp ứng yêu cầu được hỗ trợ lãi suất chiếm khoảng 30% tổng quy mô dư nợ tín dụng của ngân hàng. Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, do đó lãnh đạo VietinBank kiến nghị NHNN có cơ chế để loại trừ các đối tượng hưởng hỗ trợ lãi suất khi tính room tín dụng, hoặc phương pháp nào đó phù hợp để gỡ vướng vấn đề room tín dụng.
Phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Việt Cường cho biết tính đến hết tháng 4/2022, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt trên 9%, tương đương tăng ròng khoảng 100.000 tỷ đồng. Đối tượng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất xấp xỉ 30% tổng dư nợ ngân hàng. Ông Cường cũng kiến nghị ban lãnh đạo NHNN nới room tín dụng phù hợp để triển khai gói hỗ trợ lãi suất cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB, nêu thêm một khó khăn là các ngân hàng thương mại cổ phần không có nhiều kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ lãi suất như các ngân hàng thương mại quốc doanh. Bên cạnh đó, quy định đối tượng tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2% không được tham gia các gói hỗ trợ lãi suất khác cũng gây lúng túng cho các ngân hàng thương mại cổ phần, vì vậy bà Hà kiến nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế hỗ trợ xác minh, hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, theo bà Hà, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% lần này sẽ tập trung vào các khách hàng tốt, đến kỳ trả nợ thì sẽ hỗ trợ lãi suất ngay, cùng với nhu cầu tín dụng đang tăng cao, do vậy mong muốn NHNN xem xét mở rộng room tín dụng.
Tương tự, đại diện ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam cho rằng khi chưa gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu tín dụng đã cao rồi, nay có gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu càng cao hơn, vì vậy, vị này cũng kiến nghị NHNN nới room tín dụng.
Cũng tại hội nghị, đại diện ACB cho biết ngân hàng đăng ký hạn mức hỗ trợ 2.000 tỷ đồng trong 2 năm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng cần làm rõ đối tượng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất, bởi đối tượng hết sức phức tạp, đa dạng phong phú, nếu chỉ theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì có thể mỗi ngân hàng làm một kiểu. Cùng với đó, cũng cần tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp là không hạ chuẩn cho vay. Ngoài ra, ông Hùng cũng bày tỏ mong muốn NHNN kịp thời điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề nới room tín dụng, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay từ khi phân bổ room tín dụng kỳ đầu tiên, NHNN đã nhận thấy tín dụng sẽ tăng cao tuy nhiên điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt tín dụng.
Phó thống đốc nhấn mạnh lạm phát không còn là nguy cơ, cần tính toán tăng trưởng tín dụng phù hợp với gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu cao nhất vẫn là kiểm soát lạm phát.
"Hiện nay NHNN chưa bổ sung room tín dụng, chúng tôi sẽ xem xét trong thời gian tới, nhưng hiện nay chưa có thì các ngân hàng cần phải tính toán, luân chuyển quay vòng vốn, ưu tiên nguồn vốn tín dụng tốt. Chúng tôi cũng muốn dư nợ cao nhưng điều hành vĩ mô là cả một vấn đề, kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng nhất", ông Tú chia sẻ.
Chỉ đạo việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "Trong trách nhiệm có những rủi ro nhưng không vì thế mà chúng ta sợ sệt, lảng tránh, không làm. Tinh thần từ nay đến cuối năm là phải tiếp tục coi trọng hoạt động tín dụng, làm sao vừa tăng trưởng tín dụng hợp lý, đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô".
Cùng với đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không hạ chuẩn tín dụng.
Tuy nhiên, Phó thống đốc khẳng định chưa bao giờ NHNN dùng từ "siết chặt tín dụng bất động sản". Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao. Trong lĩnh vực bất động sản, đó là bất động sản có tính chất đầu cơ, bất động sản nghỉ dưỡng..., còn nhà ở có nhu cầu thực sự thì vẫn khuyến khích cho vay, vẫn tăng trưởng đều, thậm chí tăng trưởng phân khúc này thời gian qua còn gấp đôi tăng trưởng tín dụng chung của lĩnh vực bất động sản.
Dù vậy, không phải là không có vấn đề, nhất là ở một số ngân hàng thương mại cổ phần. Do đó, NHNN sẽ thanh tra chuyên đề toàn diện một số ngân hàng liên quan đến vấn đề này trong thời gian tới.
Phó thống đốc nhấn mạnh việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất phải diễn ra ngay từ hôm nay. Trong quá trình triển khai cần thực hiện đúng quy định, tránh mất mát về tiền bạc, con người, vận dụng linh hoạt nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật.
Lãnh đạo NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được phép từ chối thực hiện gói hỗ trợ lãi suất, lãnh đạo cao nhất phải trực tiếp chỉ đạo triển khai, không giao cho cấp phó. Các ngân hàng cũng nên chủ động tính toán quy mô đăng ký hỗ trợ lãi suất, nên đăng ký dư ra để việc triển khai được chủ động hơn, nếu thừa có thể chuyển sang năm 2023.