Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Puerto Rico: 'Thánh địa' mới cho các triệu phú tiền điện tử

19/01/2022 09:22

Lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ đã trở thành điểm đến hấp dẫn mới cho doanh nhân tiền điện tử. Hòn đảo này ban hành các chính sách thuế thân thiện với việc kinh doanh tiền điện tử.

photo-1-1642491336089859822755-1642558823.jpg
Các doanh nhân tiền điện tử đang đổ xô về Puerto Rico - Ảnh: NY POST

Ở đảo Puerto Rico (thuộc quần đảo Caribbean), công dân Mỹ có thể giữ hộ chiếu Mỹ của họ, trong khi thuế kinh doanh lại rất nhẹ.

Doanh nhân và nhà đầu tư tiền điện tử David Johnston nói với Kênh truyền hình tài chính CNBC: "Đó là nơi có tất cả bạn bè của tôi. Tôi không còn một người bạn nào ở New York và có thể đại dịch đã đẩy nhanh chuyện ra đi này. Từng người trong số họ đã chuyển đến Puerto Rico". 

Ông Johnston đã chuyển gia đình và công ty của mình đến hòn đảo này năm 2021. Theo ông, hòn đảo này có 3 triệu người, đủ lớn để xây dựng một trung tâm công nghệ. 

Hiện nay, toàn bộ tòa nhà văn phòng của ông Johnston đang được lấp đầy với các công ty khởi nghiệp về tiền điện tử, theo Đài truyền hình RT.

Sự hấp dẫn lớn của hòn đảo là Đạo luật 60 dành cho những nhà đầu tư bên ngoài đến Puerto Rico. Đạo luật này giúp tiết kiệm thuế đáng kể cho các nhà đầu tư đủ điều kiện.

Ở Mỹ, các nhà đầu tư phải đóng thuế đến 37% cho khoản lãi ngắn hạn và 20% cho khoản lãi dài hạn, áp dụng cho tiền điện tử và các tài sản khác được giữ trong hơn một năm. 

Theo Đạo luật 60 ở Puerto Rico, có những nghĩa vụ thuế được giảm xuống đến 0% nếu đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định. Chẳng hạn, những người dành ít nhất 183 ngày sống trên đảo mỗi năm sẽ được giảm rất nhiều tiền thuế.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng về dòng người mới đến đảo. Người dân địa phương tỏ ra khó chịu trước thực tế là họ không đủ điều kiện để được miễn thuế lợi tức, vốn được thiết kế cho những người không phải là người Puerto Rico. 

Họ cũng đặt câu hỏi về ý tưởng của chính phủ về việc giảm thuế cho nhà đầu tư bên ngoài nhằm giúp tạo việc làm và thu hút nhiều tiền mặt hơn vào nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, lợi ích này chưa rõ ràng, khi mảng đầu tư đa phần thuộc lĩnh vực công nghệ mà rất ít người dân tại chỗ có thể làm được.

Mặt khác, sự tràn ngập những người nhiều tiền đến Puerto Rico cũng đã đẩy giá bất động sản lên, khiến cư dân địa phương càng khó khăn hơn khi muốn sở hữu nhà.

Theo Gia Minh/Tuổi trẻ