Các quỹ kền kền "săn mồi" các khoản nợ công bằng cách mua lại các khoản nợ công đó với giá rẻ mạt, có khi chỉ bằng 20% - 30% giá thị trường.
Năm 2014, cả thế giới xôn xao thông tin Argentina sắp vỡ nợ. Theo luật Mỹ, nếu như Argentina không thể hoàn trả số trái phiếu trị giá 1,3 tỷ USD cho một nhóm các nhà quản lý quỹ đầu cơ trước ngày 30/7, nước này sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ.
Nếu Argentina vỡ nợ, vì nhà đầu tư sẽ mất hết niềm tin vào khả năng trả nợ của Argentina, lãi suất mà chính phủ nước này phải trả sẽ tăng lên. Argentina buộc phải in tiền để trả cho các chủ nợ và cuối cùng nền kinh tế lại có thể lâm vào khủng hoảng.
Số trái phiếu được nhắc đến ở trên là trái phiếu do chính phủ Argentina phát hành năm 2001, khi đất nước này đang trên bờ sụp đổ.
Một trong số những chủ nợ khi ấy của Argentina là Paul Singer và quỹ đầu tư Elliott của ông. Elliott đã từ chối lời đề nghị hoán đổi nợ mà Chính phủ Argentina đưa ra đồng thời Paul Singer dẫn đầu một nhóm các quỹ đầu cơ (được biết đến tên gọi NML) cố gắng thu về 100 cent trên mỗi USD nợ của Argentina trong khi các nhà đầu tư khác chấp nhận mất 70%. Cuộc kiện tụng giữa Singer và Chính phủ Argentina kéo dài tới 15 năm.
Trong cuộc chiến dài đằng đẵng này, Elliott đã thành công trong việc buộc Argentina phải quay trở lại bàn đàm phán bằng cách triệt tiêu khả năng vay mượn trên thị trường quốc tế của nước này, đồng thời tìm cách tịch thu tài sản. Năm 2012, quỹ thu giữ 1 con tàu của Chính phủ Argentina đang neo đậu ở Ghana. Thậm chí Tổng thống Argentina từng phải thuê máy bay thương mại vì sợ các chủ nợ sẽ bắt giữ máy bay chở Tổng thống.
Cuối cùng thì năm ngoái, Chính phủ Argentina đã phải đầu hàng và Elliott nhận được 2,4 tỷ USD – số tiền cao gấp 4 lần so với mệnh giá của số trái phiếu mà nó nắm giữ.
Trước Argentina, Peru, Zambia hay Cộng hòa Dân chủ Congo đã từng là những "nạn nhân" của Singer.
Năm 1995, ông mua nợ của ngân hàng Peruvian với giá 20 triệu USD và sau đó theo kiện đến cùng, cho tới khi nhận được khoản bồi thường 58 triệu USD. Năm 2002 và 2003, Singer nhận được hơn 100 triệu USD tiền lãi sau khi mua 30 triệu USD nợ của Congo-Brazzaville.
Năm 1999, Singer đã tung ra 11 triệu USD để mua các khoản nợ khó đòi của Peru và sau đó cương quyết không tham gia vào chương trình tái cơ cấu nợ của nước này. Kiên nhẫn một chút, nhờ một phán quyết của tòa án Mỹ, vài năm sau, ông trùm Singer đã thu về 58 triệu USD.
Với bản tính cực kỳ lì lợm, hung hãn, không ngán bất kỳ vụ kiện tụng nào cùng những thương vụ "máu lạnh" như kể trên mà Paul Singer khiến không ít các quỹ đối thủ, các công ty và thậm chí nhiều quốc gia trên thế giới khiếp sợ.
Thậm chí, Paul Singer bị gọi là "một nhà tư bản trục lợi", còn quỹ đầu tư Elliott của ông được ví như "kền kền" trực chờ cơ hội để xâu xé những doanh nghiệp hoặc quốc gia bên bờ phá sản. Ngoài Elliott, một số tập đoàn tại Anh và Mỹ nổi tiếng trong "giới kền kền" có thể kể đến gồm: Phillip Goldstein (New York), Newgate Management Associates (Greenwich), Harvard College, City of London Investment Management, Lazard Freres & Co…
Vậy quỹ kền kền là gì?
Giống như loài chim kền kền trực chờ ăn xác chết, quỹ kền kền là một tổ chức tài chính chuyên mua các chứng khoán trong tình trạng "cùng quẫn", như các trái phiếu có lãi suất cao sắp bị vỡ nợ, hoặc các cổ phần của các công ty hoặc chính phủ sắp bị phá sản.
Cho đến thập niên 50 thế kỷ XX, khái niệm về quỹ kền kền vẫn chưa phổ biến vì chuyện phá sản nợ công cũng rất hạn chế và việc thu hồi nợ theo kiểu kiện tụng rất hiếm. Tuy nhiên, do các quốc gia phá sản và có quyền tuyên bố không trả nợ vay trên thị trường tài chính nên các nhà đầu tư tìm cách thu hồi nợ bằng công cụ pháp lý, tức kiện ra tòa án như trường hợp Argentina kể trên.
Các quỹ kền kền "săn mồi" các khoản nợ công bằng cách mua lại các khoản nợ công đó với giá rẻ mạt, có khi chỉ bằng 20% - 30% giá thị trường. Đội ngũ "săn mồi" của các quỹ kền kền rất hùng hậu. Họ bao gồm các luật sư chuyên nghiệp bủa đi khắp thế giới để săn lùng các tài sản có thể chiếm đoạt hoặc chí ít chen vào kiếm ăn.
Có thể tóm gọn âm mưu nham hiểm của các quỹ kền kền như sau: Họ mua các khoản nợ xấu với giá cực rẻ (chiết khấu sâu), từ chối tham gia tái cơ cấu nợ và cố gắng đòi nợ với giá trị bằng với mệnh giá bề mặt cộng thêm lãi suất, nợ cũ và các khoản phạt thông qua kiện tụng tại tòa án nếu cần. Tỉ lệ lợi nhuận mà các quỹ kền kền thu được nếu thắng kiện thường là từ 3 đến trên 40 lần, có trường hợp đến 200 lần giá trị họ bỏ ra ban đầu.
Những kẻ "độc ác", "tham lam vô độ" bị cả thế giới lên án
Vì chiến lược đầu tư "máu lạnh" kể trên mà các quỹ kền kền trên thế giới bị lên án rất nhiều.
Tính đến nay có ít nhất 30 quốc gia, trong đó hơn 2/3 là những quốc gia nghèo nhất thế giới, như Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Angola, Cameroon, Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Liberia, Madagascar, Mozambique, Niger, Sao Tome and Principe, Tanzania và Uganda trở thành nạn nhân của các quỹ kền kền. Họ thường xuyên bị đe dọa hoặc bị kiện tụng ra tòa để buộc trả những khoản tiền cao ngất ngưởng, vượt quá khả năng chi trả của họ.
Hội đồng Nhân quyền LHQ trong một nghị quyết thông qua tháng 9/2014 đã nhấn mạnh rằng hành động của các quỹ kền kền gây ra tình trạng nghèo đói và bất ổn kinh tế cho các nước đang phát triển.
Martin Guzman - nghiên cứu sinh tại Trường Kinh doanh Đại học Columbia kiêm hội viên cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế còn cho rằng: Việc gọi các quỹ đầu tư như NML Capital là "kền kền" là không công bằng với loài chim này. Kền kền trong tự nhiên ít nhất cũng đóng vai trò quan trọng với hệ sinh thái, trong khi kền kền phố Wall thì lại khác, họ không đóng vai trò tích cực nào cho hoạt động của hệ thống tài chính quốc tế. Thay vào đó, họ phá hoại nó, cản trở việc hoàn tất của tiến trình tái cơ cấu nợ vốn cần thiết cho nền kinh tế đất nước đang chìm trong áp lực.
Chính vì ảnh hưởng tiêu cực, tác động xấu đến an sinh xã hội, nhất là ở các nước nghèo, mà ngày nay hoạt động của các quỹ kền kền bị chế tài ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, vào năm 2002, Bộ trưởng Tài chính Anh Gordon Brown đã thông báo với Mỹ rằng hoạt động của các quỹ kền kền là "rất đáng phẫn nộ" vì chúng trục lợi lớn trên nợ nần của các nước nghèo, có khi lên đến hàng chục, hàng trăm lần giá trị ban đầu. Ông Brown yêu cầu chính quyền Mỹ phải có cách nào đó để kiểm soát, chế tài mạnh mẽ các quỹ này.
Tại Mỹ, vào năm 2008, Quốc hội nước này đã công bố dự luật mang tên "Luật chấm dứt quỹ kền kền", được một số nghị sĩ ủng hộ, nhưng rốt cuộc dự luật đã không được ban hành. Cùng với Mỹ, nhiều nước như Anh, Bỉ, Pháp, Australia, đảo Jersey, đảo Man và Guernsey cũng đã đưa ra những điều luật tương tự.
Vân Đàm
Theo Tổng hợp