Đế chế kinh doanh khổng lồ Amazon đang ngày càng được mở rộng và quyền lực hơn, dẫn đến nhiều sai sót không thể tránh khỏi trong vận hành, làm xói mòn niềm tin ở các sản phẩm và dịch vụ của tập đoàn này cũng như sự ủng hộ ở Washington.
Đế chế kinh doanh của Amazon ngày càng trải rộng và quyền lực. Ảnh: WSJ |
Amazon trước hết được biết đến như một công ty thương mại điện tử đang bán và giao hàng chục triệu sản phẩm mỗi ngày cho khách hàng ở Mỹ và nhiều nước trên toàn cầu. Tập đoàn này cũng dẫn đầu toàn cầu về dịch vụ điện toán đám mây và nắm trong tay mảng kinh doanh quảng cáo trị giá 11 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Không những thế Amazon còn sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm tươi Whole Foods và đang xây dựng đội máy bay vận tải hàng hóa riêng. Tập đoàn có kế hoạch triển khai mạng lưới vệ tinh phát sóng Internet từ không gian, tiến vào lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh và truyền hình cùng mảng kinh doanh dược phẩm.
Amazon đang cạnh tranh trực tiếp với các công ty công nghệ Google, Facebook, Apple, Microsoft, IBM; các công ty giao nhận UPS, FedEx, các công ty truyền thông giải trí Netflix, HBO, Disney; các chuỗi siêu thị Walmart, Target, Costco, Kroger; các chuỗi nhà thuốc CVS, Walgreens và vô số các công ty khởi nghiệp.
Song các tham vọng của Amazon và các vấn đề nảy sinh ngày càng gia tăng của tập đoàn này có liên quan với nhau.
Amazon đang vướng vào nhiều tranh cãi liên quan đến việc đối đãi “tệ bạc” với các công nhân nhà kho và các tài xế giao hàng (trả lương thấp, điều kiện làm việc kém và áp lực) hay gần đây là các thông tin nói rằng Amazon yêu cầu hàng ngàn nhân viên trên thế giới nghe các đoạn hội thoại của người dùng trên thiết bị loa thông minh Amazon Echo để cải thiện năng lực trợ lý ảo giọng nói Alexa.
Trong tháng qua, Amazon lao vào cuộc cãi cọ căng thẳng trên Twitter với ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Elizabeth Warren, người đang đề xuất giải thể Amazon vì cho rằng tập đoàn này lạm dụng quyền lực để gây bất lợi cho các bên bán hàng thứ ba trên nền tảng.
Cũng trong tháng trước, Amazon lên tiếng bác bỏ các thông tin về việc tự động sa thải các nhân viên nhà kho làm việc kém hiệu quả thông qua một ứng dụng chấm điểm năng suất lao động. Gần đây, bảy cựu nhân viên nhà kho đã khởi kiện, cáo buộc tập đoàn này sa thải họ chỉ vì họ có bầu.
Hồi đầu năm nay, Amazon phải gác bỏ kế hoạch xây dựng trụ sở thứ hai ở thành phố New York vì vấp phải sự phản đối của người dân và các nhà chính trị địa phương, những người cho rằng Amazon chỉ muốn nhắm đến khoản ưu đãi thuế và trợ cấp lên đến 3 tỉ đô la từ thành phố và bang New York hơn là quan tâm đến việc cải thiện các vấn đề ở đây.
Amazon trước đây được nhìn nhận như là một cỗ máy tăng trưởng, một thắng lợi của các thị trường tự do ở Mỹ và là một nhà sáng tạo đặt khách hàng lên trên hết.
Song hiện nay, mối đe dọa mà Amazon áp đặt lên các đối thủ đang khiến các nhà chính trị ở Washington lưu tâm về quy mô quá lớn, quá quyền lực của Amazon. Cứ mỗi lần Amazon tiến hành thương vụ thâu tóm mới, để lộ ý định lấn sang lĩnh vực kinh doanh mới, cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực đó lại ào ào giảm giá trên các sàn chứng khoán Mỹ. Báo chí và giới phân tích gọi đây là “hiệu ứng Amazon”.
Một thông điệp thường được các lãnh đạo Amazon nêu ra và gần đây được đưa vào trong thư của ông chủ Amazon, Jeff Bezos, gửi cho các cổ đông là: Amazon chỉ chiếm chưa đến 1% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu cũng như chưa đến 4% tổng doanh thu bán lẻ tại Mỹ mỗi năm. Mức thị phần này thấp hơn so với chuỗi bán lẻ Walmart.
Tuy nhiên, điều mà mọi người chưa bao giờ nghe Amazon nói đến là các số liệu khác cho thấy Amazon đang chiếm 50% thị phần thương mại điện tử ở Mỹ hay hạ tầng phân phối thương mại điện tử của Amazon lớn hơn rất nhiều so với bất cứ đối thủ nào.
Tăng trưởng doanh thu của Amazon có thể đang chậm lại nhưng vẫn ở mức cao nhất trong số các nhà bán lẻ có cùng quy mô. Trong quí gần đây, doanh thu của Amazon tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Một số chuyên gia về luật chống độc quyền nhất trí rằng quy mô của Amazon chưa chạm ngưỡng khiến các cơ quản lý phải để mắt đến.
Song các chuyên gia pháp lý khác đang kêu gọi cần phải có cách đánh giá mới về việc liệu Amazon có gây tổn hại cho người tiêu dùng và các đối thủ cạnh tranh thông qua quy mô và sức mạnh của tập đoàn này hay không.
Năm 2017, chuyên gia pháp lý Lina Khan, giờ đây là cố vấn của Tiểu ban luật chống độc quyền, thương mại và hành chính thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, đã đăng một bài viết trên tạp chí Yale Law Journal có nhan đề “Nghịch lý chống độc quyền của Amazon”.
Trong bài viết, Khan bác bỏ các khung định nghĩa đang chi phối luật chống độc quyền hiện nay và cho rằng thước đo duy nhất để xác định một công ty có độc quyền và gây tổn hại hay không là khi công ty này tăng giá bán bất công bằng. Bà cho rằng với quy mô khổng lồ, Amazon đang bóp nghẹt sự cạnh tranh. Bezos tự hào với thực tế phần lớn doanh thu bán lẻ trên Amazon đến từ các bên bán hàng thứ ba đang trả phí để sử dụng hạ tầng của Amazon.
Song mảng kinh doanh này cũng tạo ra vòng hồi ứng (feedback loop) vì khi mà ngày càng có nhiều người tìm kiếm hàng hóa trên Amazon, điều này càng khiến nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ miễn cưỡng hiện diện trên nền tảng của Amazon.
Song các đối thủ lớn của Amazon trong lĩnh vực thương mại điện tử dĩ nhiên không khoanh tay nhìn tập đoàn trỗi dậy và cướp thị phần của họ. Các chuỗi bán lẻ như Walmart, Target đang chi hàng tỉ đô la cho nỗ lực nâng cao công nghệ, cải thiện dịch vụ để cạnh tranh với Amazon.
Tận dụng mạng lưới siêu thị rộng lớn trải khắp nước Mỹ, các chuỗi bán lẻ này đã đẩy nhanh tốc độ giao hàng cho khách trực tuyến lên mức không thua kém Amazon.
Theo Wall Street Journal