Theo giới phân tích, ban lãnh đạo của Samsung Electronics Co. cần thảo luận để tìm ra phương cách ứng phó với hàng loạt thách thức mà hãng phải đối mặt, đến từ cả trong nước và ngoài nước.
Biểu tượng Samsung tại văn phòng ở Seoul, Hàn Quốc ngày 31/10. AFP/TTXVN
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 13/6 cho tới tuần sau các lãnh đạo cấp cao của Samsung sẽ tham dự các cuộc họp chiến lược toàn cầu được tổ chức hai năm một lần nhằm xem xét hoạt động của hãng trong giai đoạn nửa đầu năm và đề ra các kế hoạch phát triển cho nửa cuối năm nay.
Samsung được cho là đang đối mặt khó khăn kép khi cả thị trường chip nhớ và thị trường điện thoại thông minh đều suy yếu, giữa bối cảnh cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra nhiều bất ổn.
Hơn một nửa nguồn thu của Samsung đến từ Mỹ và Trung Quốc, nên hãng này “nhạy cảm” hơn với diễn tiến của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới đã và đang chứng kiến phân khúc điện thoại thông minh cao cấp tăng trưởng chậm lại, trong khi để mất thị phần trong phân khúc điện thoại dòng thấp và dòng trung vào tay các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc vốn có lợi thế về chi phí.
Số liệu từ Strategy Analytics cho thấy Samsung trong ba tháng đầu năm nay sản xuất 71,8 triệu điện thoại thông minh, chiếm 21,7% tổng số điện thoại thông minh của thế giới, nhưng thị phần giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù một số nhà quan sát thị trường bày tỏ lạc quan về triển vọng mảng điện thoại thông minh của Samsung, nhất là khi Huawei gặp khó tại nhiều thị trường, song hãng vẫn tỏ ra thận trọng.
Trong một tuyên bố đưa ra tại cuộc họp đầu tháng này, Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong nhấn mạnh hãng cần tập trung đảm bảo các công nghệ cơ bản cho hoạt động trong dài hạn giữa bối cảnh môi trường biến chuyển nhanh.
Ông Lee tái khẳng định Samsung sẽ duy trì kế hoạch đầu tư 133.000 tỷ won (122 tỷ USD) vào lĩnh vực chip không có đặc tính nhớ, hướng tới trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2030.