Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Sáng lập GHN lý giải vì sao chiến trường giao đồ ăn cực khốc liệt nhưng các anh tài cả ngoại lẫn nội như Grab, Now, Ahamove... vẫn sẵn sàng nhảy vào 'khô máu'

13/12/2018 12:48

Thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam được dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Lợi thế của công nghệ là có thể xử lý cả trăm địa điểm đặt hàng và trăm nghìn địa điểm cần giao, khác với giao hàng truyền thống, từ một điểm cố định tới một điểm cố định.


Thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam được dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Lợi thế của công nghệ là có thể xử lý cả trăm địa điểm đặt hàng và trăm nghìn địa điểm cần giao, khác với giao hàng truyền thống, từ một điểm cố định tới một điểm cố định.

Cuộc chiến dịch vụ gọi xe mới hạ nhiệt đôi chút sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, thì một mảng dịch vụ khác đã ngay lập tức nóng lên, đó là giao nhận đồ ăn. Theo khảo sát của Havas Riverorchid vào năm 2017, 80% người được hỏi cho biết từng sử dụng dịch vụ giao thức ăn tận nơi. Khi ở các thành phố, người tiêu dùng bắt đầu quen dần với việc mua đồ ăn online và một số "nghiền" thì mảng gọi đồ ăn không còn tĩnh lặng nữa.

Năm 2015, Foodpanda bán mình cho đối thủ. Sau đó, người ta nhắc đến Delivery Now và Vietnammm. Nhỏ hơn là Eat.vn và Chonmon.vn.

Báo cáo của Euromonitor cho biết, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm nay và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Và hiện nay, miếng bánh này đang có rất nhiều nhân vật muốn chia nhau, cả những kỳ lân khu vực như Grab, GoJek và doanh nghiệp nội, muốn giành phần.

Sáng lập GHN lý giải vì sao chiến trường giao đồ ăn cực khốc liệt nhưng các anh tài cả ngoại lẫn nội như Grab, Now, Ahamove... vẫn sẵn sàng nhảy vào khô máu - Ảnh 1.

Lala, được đầu tư bởi Scommerce Group, có lợi thế về công nghệ và lực lượng giao hàng trong hệ sinh thái của Scommerce Group, cụ thể là tận dụng lực lượng tài xế của Ahamove vì Ahamove và Lala đều thuộc Scommerce.

Khác với nhiều dịch vụ đặt món trực tuyến, Lala cung cấp ứng dụng cho người dùng và cho đối tác nhà hàng. Khi app nhận được thông tin đặt món của khách hàng thì đối tác nhà hàng cũng nhận được thông tin và đồng thời tài xế Ahamove có được thông tin đó.

Trên thị trường hiện nay, GrabFood đang là lực lượng giao đồ ăn có tiềm lực khá mạnh vì xuất thân "từ nhà giàu" Grab, startup được định giá hơn chục tỷ đô USD. GoFood, "người cùng nhà" của kỳ lân Indonesia GoJek cũng đã "dàn quân, bố trận" khắp TP HCM.

Sở dĩ, giao đồ ăn "nóng" lên gần đây vì giải pháp công nghệ giải quyết được những bài toán lớn về logistics mà mô hình truyền thống khó có thể vận hành được.

Anh Lương Duy Hoài, người sáng lập Giao hàng nhanh (GHN), hiện giờ là CEO của SCommerce, đã chỉ ra những lý do vì sao mảng giao đồ ăn lại có nhiều doanh nghiệp muốn giành lấy.

Hàng trăm thì con người có thể xử lý nhưng lên đến hàng nghìn, cần phải có công nghệ

GHN do Lương Duy Hoài sáng lập, năm nay đã bước sang tuổi thứ 6. Theo anh Hoài, GHN hiện có khoảng 150.000 đơn hàng mỗi ngày. GHN đang nằm trong top 2 về giao hàng thương mại điện tử và giao hàng nhanh tại Việt Nam. Anh Hoài cho rằng, công nghệ chính là DNA của GHN và kim chỉ nam đó đã theo công ty anh suốt những năm qua.

Năm 2015, anh Hoài cùng cộng sự cho ra đời Ahamove. Năm 2016, Ahamove được tích hợp với GHN để bổ sung và hỗ trợ nhau, đó là sự kết hợp giữa giao hàng truyền thống và hiện đại. Điều đó khiến GHN có thêm sức mạnh do nền tảng công nghệ Ahamove mang lại.

Sáng lập GHN lý giải vì sao chiến trường giao đồ ăn cực khốc liệt nhưng các anh tài cả ngoại lẫn nội như Grab, Now, Ahamove... vẫn sẵn sàng nhảy vào khô máu - Ảnh 2.

Về tính phức tạp trong giao hàng thương mại điện tử và giao hàng tức thời, doanh nhân sinh năm 1988 cho rằng, với thương mại điện tử, cả trăm nghìn người đặt ở trăm nơi khác nhau và hàng cũng cần giao đến những địa điểm khác nhau. Khác với cách giao truyền thống từ kho đến siêu thị. Cả kho và siêu thị đều là những điểm cố định.

Anh đưa ra ví dụ: Khách hàng từ quận 5 muốn mua món đồ từ quận 3 để chuyển về thành phố Lạng Sơn, thì hệ thống sẽ chỉ định một người nào rất gần điểm bán, mua đồ đó và gửi đến Lạng Sơn.

Hay một ví dụ khác, đó là ngày độc thân. Trong ngày đó, GHN tại TP HCM nhận khoảng 150.000 đơn hàng, nhưng trước đó 1 ngày, chỉ là 40.000 đơn hàng.

"Với việc có Ahamove, hệ thống vẫn xử lý được. Nếu không sẽ phải tăng gấp 3 lần nhân sự hiện tại mà chỉ cách nhau 1 ngày. Để tuyển được lượng nhân sự gấp 3, có lẽ phải bắt đầu từ 10 tháng trước. Và với lượng nhân viên tăng gấp 3 như vậy, trả lương sẽ rất nhiều. Như vậy là phải chuẩn bị cả 10 tháng cho 1 ngày. Điều này là không khả thi", anh Hoài nói.

Anh Hoài nhận định, sở dĩ việc giao đồ ăn đang có rất nhiều doanh nghiệp, cả nội và ngoại cùng đổ xô vào vì công nghệ đã giải quyết được bài toán giao hàng, tối ưu được chi phí.

KFC có thể có nhân viên chuyển đồ vì lượng khách nhiều nhưng nếu bạn chỉ có 1-2 khách/ngày thì làm sao thuê hẳn nhân viên chở hàng?

Theo doanh nhân 8X, nếu giao hàng theo kiểu truyền thống thì phải có nhân viên giao hàng. Và hàng tháng bán được bao nhiêu thì cửa hàng vẫn phải trả tiền cho nhân sự đó.

Nhưng với mô hình kiểu GrabExpress, Ahamove hay Go Send thì khi nhận được đơn đặt giao hàng từ app, hệ thống sẽ chọn người gần nhất, tài xế đó sẽ đến và lấy hàng. "Không ai phải trả tiền cho việc tài xế đứng gần cửa hàng", anh Duy Hoài cho biết.

Với một cửa hàng bán được khoảng 5 đơn hàng mỗi ngày, mà phải thuê tài xế hết khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày thì tính ra, mỗi đơn hàng hết 60.000 đồng. Điều này không khả thi vì chi phí quá cao.

"Chúng ta thấy các cửa hàng KFC có khi lên đến chục người giao hàng nhưng họ có nhiều đơn. Như vậy vẫn tối ưu được nhân sự cho mảng này", anh Lương Duy Hoài nói.

 


Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ