Lãnh đạo thương hiệu Anh ngữ Ms Hoa khuyên các startup không nên quá "tham lam" mà cần xác định rõ điểm mạnh của mình để tập trung phát triển.
Tại tọa đàm trực tuyến chủ đề "Khởi nghiệp ngành giáo dục trong thời đại số" diễn ra trên VnExpress vào ngày 12/11, bà Nguyễn Thị Giang - Tổng giám đốc Công ty CP Giáo dục và Đào tạo IMAP Việt Nam đánh giá nhu cầu học tiếng Anh trên thị trường vẫn rất cao. Tuy nhiên, khác với giai đoạn cách đây 5-10 năm, số lượng các trung tâm đào tạo Anh ngữ đang ngày càng dày đặc. Theo ước tính của bà, cả nước hiện có đến 2.000 trung tâm ngoại ngữ - tin học và con số này đang không ngừng gia tăng.
Với thị trường cạnh tranh quá lớn, bà Giang đánh giá chỉ những người tìm ra đúng phân khúc còn trống và phù hợp với thế mạnh của mình mới có thể phát triển.
"Cạnh tranh là bài toán để phát triển, trong bất kỳ lĩnh vực nào. Chỉ bạn nào trong bài toán cạnh tranh ấy, tìm ra những giá trị cho công ty mình hướng đến thì đó sẽ mảnh đất màu mỡ", bà Giang nhận định.
Tọa đàm trực tuyến chủ đề "Khởi nghiệp ngành giáo dục trong thời đại số" trên VnExpress. Ảnh: Hữu Khoa. |
Bản thân IMAP Việt Nam - doanh nghiệp đào tạo Anh ngữ với 25 trung tâm giáo dục trải rộng từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TP HCM - cũng đang chịu sức ép rất lớn từ cạnh tranh này. Thị trường liên tục xuất hiện thêm những cái tên mới, cung cấp cho học viên rất nhiều lựa chọn. Các đơn vị mới có thế mạnh là không có nhiều để mất, nên họ chấp nhận thử rất nhiều phương thức khác nhau để lôi kéo học viên. Điều này buộc IMAP phải liên tục cải tiến để làm sao hôm nay phải tốt hơn hôm qua.
Chia sẻ sâu hơn về câu chuyện làm thế nào để tìm ra thị trường ngách hay sự khác biệt của mình khi gia nhập vào lĩnh vực đã có quá nhiều tên tuổi, lãnh đạo IMAP Việt Nam nhận định thị trường hiện nay cung cấp cho các bạn nhiều gợi ý để lựa chọn.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa - sáng lập hệ thống trung tâm Anh ngữ Ms Hoa, IELTS Fighter, Giám đốc đào tạo Công ty CP Giáo dục Đào tạo IMAP Việt Nam - xu hướng của người học Anh văn hiện nay cũng đã những thay đổi. Nếu như trước đây, việc học chỉ dừng lại ở việc giáo viên chia sẻ những điều mà họ có. Nhưng hiện nay, người học ngày càng ý thức việc cá nhân họ được quan tâm, hỗ trợ như thế nào trong chương trình giảng dạy. Điều này thể hiện trong cách giáo viên gọi tên từng học viên, tương tác và chia sẻ câu chuyện riêng tư với họ nhiều hơn. Nó phụ thuộc vào tính cách và kỹ năng riêng của từng giáo viên hoặc người định hướng giáo dục.
Để tìm sự khác biệt cho mình, bà Hoa gợi ý các startup nên bắt đầu bằng chính cá tính của mỗi người sáng lập và tạo thương hiệu cá nhân dựa trên cá tính đó.
"Mỗi startup đều có những giá trị riêng của họ. Anh ngữ Ms Hoa đi từ cá nhân nên lời khuyên cốt lõi của mình là những start up giáo dục đi từ cá nhân luôn là lựa chọn hàng đầu", bà Hoa chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hoa - sáng lập hệ thống trung tâm Anh ngữ Ms Hoa, IELTS Fighter, Giám đốc đào tạo Công ty CP Giáo dục Đào tạo IMAP Việt Nam. Ảnh: Hữu Khoa. |
Một nền tảng khác giúp các doanh nghiệp mới muốn gia nhập vào thị trường, theo bà Giang là nền tảng công nghệ. Internet phát triển kèm theo sự bùng nổ về lượng người dùng kéo theo sự gia nhập của các ông lớn mạng xã hội, các ứng dụng công nghệ... Thông qua các nền tảng này, học viên có thể dễ dàng đánh giá chất lượng của một giáo viên hay một trung tâm giảng dạy. Sự so sánh này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các startup hiểu hơn về người dùng.
"Thế giới phẳng là cơ hội công bằng cho tất cả mọi người, chúng ta hãy cố gắng nắm bắt nó", bà Giang nhận định.
Cũng theo bà Giang, khi còn nhỏ, không có nhiều vốn và mối quan hệ, các startup không thể làm tất cả, mà chỉ có thể làm cái mình làm tốt nhất, tức là thị trường ngách. Khi đã xác định được thị trường ngách, các đơn vị khởi nghiệp nên cố gắng dẫn đầu thị trường ngách đó. Khi đã có đủ vốn và con người, doanh nghiệp có thể mở sang thị trường khác. Dù mở rộng đến đâu thì cũng nên giữ cốt lõi của mình.
Bên cạnh đó, với việc phát triển của một trung tâm giáo dục, hai nữ lãnh đạo cho rằng các nhà sáng lập cần chú trọng đến khâu tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là giáo viên. Bà Hoa chia sẻ, cách đây 3 năm, tiêu chí tuyển dụng của công ty rất khắt khe như ngoại hình đẹp, kiến thức ngôn ngữ vững, có kinh nghiệm giảng dạy và khả năng truyền đạt tốt.
Tuy nhiên, khi quy mô ngày càng mở rộng thì các tiêu chuẩn cũng thu hẹp dần. Hiện nay, tiêu chí hàng đầu của IMAP khi tuyển dụng giáo viên là có tinh thần học hỏi và sẵn sàng thay đổi theo quy trình. Bởi công ty đã xây dựng thành công một quy trình, chuẩn hóa từ cách giảng dạy, phương thức giao tiếp, tương tác với học viên... Công ty tự tin, với quy trình này, chỉ sau thời gian ngắn, mỗi ứng viên sau khi tuyển dụng sẽ trở thành một Ms Hoa nhân bản.
Cũng theo bà Hoa, việc dạy ngoại ngữ không nhất thiết phải dựa trên đội ngũ giáo viên nói tiếng bản ngữ. Bà cho rằng những giáo viên người Việt đã từng trải qua khó khăn trong việc học ngôn ngữ nên có thể thấu hiểu và hỗ trợ học viên tốt hơn.
"Có những năm, tôi thử nghiệm mời giảng viên người nước ngoài về dạy. Nhưng kết quả là học viên xin học lại giáo viên tiếng Việt", bà cho biết.
Bà Nguyễn Thị Giang - Tổng giám đốc Công ty CP Giáo dục và Đào tạo IMAP Việt Nam. Ảnh: Hữu Khoa. |
Khởi nguồn từ niềm đam mê ngôn ngữ và quyết tâm tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình của hai chị em Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Thị Hoa. Từ năm 2012, hai chị em đã nhìn thấy thị trường có khá nhiều thương hiệu đào tạo tiếng Anh tên tuổi, nhưng thiếu trung tâm luyện thi TOEIC được đầu tư bài bản.
Học giỏi tiếng Anh và sở hữu cách tiếp cận ngoại ngữ riêng, Hoa đã mạnh dạn bước ra xây dựng thương hiệu Ms Hoa TOEIC. Toàn bộ vốn luyến ban đầu của hai chị em là 60 triệu đồng mượn của ba mẹ được đổ vào thuê mặt bằng lớp học khoảng 25m2 và xây dựng website chia sẻ những bài học online do Hoa giảng dạy.
Đến nay, hệ thống đã phát triển với chuỗi 25 trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Ms Hoa TOEIC trở thành trung tâm được nhiều tập đoàn lớn chọn lựa để đào tạo công nhân viên của họ.
Những năm gần đây, khi nhìn thấy thị trường luyện thi TOEIC đã dần bão hòa, công ty đã chủ động mở rộng sang thị trường khác là đào tạo học viên thi lấy chứng chỉ IELTS, với chương trình IELTS Fighter. Chỉ sau 2 năm xây dựng, website học IELTS của đơn vị đã thu hút đến 25.000 tài khoản tham gia mỗi ngày, chiếm đến 30% lượng người học IELTS online trên cả nước. Hiện tại, chương trình IELTS Fighter đã phát triển được 8 cơ sở giảng dạy trực tiếp với khoảng 300-400 học viên mỗi cơ sở.
Sắp tới, bên cạnh việc tăng số lượng trung tâm giảng dạy, công ty định hướng sẽ mở rộng hơn nữa về cả sản phẩm (TOEIC, IELTS, giao tiếp...) và phân khúc thị trường (hướng đến các gói sản phẩm cao cấp hơn, dành cho đối tượng học viên nhỏ tuổi hơn).
Ánh Thúy
Talkshow "Khởi nghiệp ngành giáo dục trong thời đại số" là một trong những hoạt động thuộc chương trình Startup Việt 2018 do Báo VnExpress tổ chức. Mục tiêu nhằm hỗ trợ cộng đồng startup tại Việt Nam có thêm thông tin, kinh nghiệm và mối quan hệ đối tác với nhà đầu tư, vườn ươm doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt... Gala chung kết Startup Việt 2018 sẽ diễn ra vào 13h ngày 15/11 tại Gem Center, quận 1, TP HCM, mở cửa miễn phí chào đón tất cả độc giả quan tâm tham dự. Cũng trong khuôn khổ Gala, ban tổ chức triển khai hoạt động kết nối Speed Dating. Tất cả startup vào Top 25 cuộc thi năm nay và bất kỳ startup nào quan tâm, mong muốn gặp gỡ nhà đầu tư đều có thể đăng ký tham gia. |
Theo Vnexpress