Ý tưởng về cổng thông tin khai thác mỏ được nhen nhóm bởi một nhóm các chuyên gia trong ngành bao gồm cả khối doanh nghiệp và khối chuyên môn.
Ông Trần Văn Dũng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công Nghiệp Hoá chất Mỏ - Vinacomin cho biết: “Ngành mỏ đã có lịch sử lâu đời và có rất nhiều thành tựu lớn cho đất nước. Bối cảnh kinh doanh ngày nay cần thúc đẩy mạnh mẽ việc kết nối, chia sẻ thông tin, tri thức khoa học, công nghệ, quản trị trong ngành tạo thành một hệ sinh thái cơ hữu, tối ưu và gia tăng giá trị hợp tác cộng sinh. Tôi cũng hy vọng khi ra mắt cổng thông tin khai thác mỏ sẽ là nơi kết nối cộng đồng doanh nghiệp khai thác mỏ, chia sẻ tri thức khoa học công nghệ, thông tin chính sách trong lĩnh vực khai thác mỏ đồng thời mở ra cánh cửa tìm kiếm cơ hội hợp tác trong cộng đồng các doanh nghiệp và đối tác trong lĩnh vực khai thác mỏ” - Ông Dũng chia sẻ thêm.
Tri thức “mở” cho Ngành mỏ
Cổng thông tin khai thác mỏ có nhiệm vụ đăng tải các tin tức, bài viết và thông tin chuyên sâu của ngành mỏ trong các lĩnh vực như: vật liệu nổ công nghiệp, khoan, nổ mìn, xúc bốc, vận chuyển, sàng tuyển, trắc địa, địa chất, môi trường mỏ, tự động hóa, chuyển đổi số, quản trị, chính sách, an toàn lao động mỏ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch, biến động thị trường, khoa học, công nghệ,...
Điều đặc biệt, với giao diện hiện đại, các tính năng mở và tiện lợi trong việc truy cứu thông tin, khai thác mỏ được phân loại các bài viết theo hai nhóm Menu “đóng’’ và mở. Nội dung hay phong cách đưa tin bao gồm tin tức, chuyên môn, biến động, dữ liệu, tối ưu hóa, kết nối, cơ hội, phục vụ nhu cầu trải nghiệm đọc và kết nối thông tin đa dạng.
Ngược lại, các Menu “mở” được tổ chức theo hình thức tag, dễ dàng thêm mới, luôn hiển thị mới nhất, trải dài từ những nội dung phổ biến như chính sách, văn bản, kinh tế vĩ mô, thị trường, công nghệ, thông tin doanh nghiệp, sự kiện, tới những nhu cầu tri thức đặc thù như tuyển dụng, kết nối kinh doanh, bí quyết kinh doanh, nghệ thuật quản trị, danh bạ ngành, tài liệu chuyên sâu…
Với sứ mệnh làm giàu & chia sẻ “tài nguyên tri thức” của ngành mỏ, khai thác mỏ hứa hẹn sẽ là “cửa ngõ” thông tin cho các đối tượng bạn đọc xa gần trong và ngoài nước bao gồm sinh viên các khối liên quan, các kĩ sư, chuyên gia, nhà quản trị, doanh nhân trong nghàn. Đây cũng sẽ là diễn đàn quản trị, kết nối các cơ hội đầu tư, kinh doanh, giao thương quốc tế cho các nhà quản lý, lãnh đạo trong doanh nghiệp ngành mỏ.
“Mỏ thông tin” từ người làm mỏ
Được biết, hội đồng biên tập của khai thác mỏ sẽ bao gồm ba nhóm cộng đồng chính.
Thứ nhất là nhóm các nhà giáo ưu tú thuộc trường đại học Mỏ Địa chất Hà Nội, các nhà khoa học uy tín, có chuyên môn sâu bao trùm các lĩnh vực của cổng thông tin, những người sẽ tham gia cố vấn và định hướng nội dung xuyên suốt, đảm bảo quá trình biên tập, xuất bản được tiếp cận với các chuẩn khu vực và quốc tế.
Thứ hai là nhóm những kỹ sư giỏi, có mong muốn được chia sẻ và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tế phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người làm mỏ và người làm kinh doanh.
Thứ ba là nhóm các cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp, từng công tác tại các tòa soạn báo uy tín.
Nhóm biên tập này sẽ là những người hoàn thiện những mảnh ghép nội dung cuối cùng, đồng thời chuẩn hóa văn phong và quy phạm báo chí, nhằm truyền đạt những kiến thức và tài liệu chuyên sâu theo một cách dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn.
Hướng tới cộng đồng bền vững
Đại diện cho khối giáo dục-đào tạo, ông Bùi Xuân Nam GS - TS - Nhà giáo ưu tú - Chủ nhiệm Bộ môn Khai thác mỏ lộ thiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ Địa chất cho rằng vai trò, trách nhiệm của các hoạt động giáo dục cần mở rộng đa chiều hơn, không chỉ dừng lại ở công tác giảng dạy trên ghế nhà trường.
Những năm qua, Trường Đại học Mỏ Địa chất không chỉ đề cao tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức - công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
“Bên cạnh đó, với xu thế tất yếu của chuyển đổi số và kết nối thông tin ngày càng sâu rộng và toàn diện hơn, sự tham gia của các chuyên gia, các nhà giáo có lý thuyết và thực tiễn chuyên sâu trên các môi trường trực tuyến, cụ thể là cổng thông tin như “Khaithacmo.com.vn" sẽ góp phần tạo nên không gian chia sẻ tri thức và trao đổi cởi mở giữa nhà trường với học viên trong ngành mỏ, xa hơn là kết nối cộng đồng kinh doanh, xã hội trong và ngoài nước’’, ông Nam nhấn mạnh.