Công ty khởi nghiệp trị giá 3 tỷ USD này cung cấp dịch vụ vận chuyển rau củ quả trong cùng ngày tại hàng trăm thành phố ở 20 bang khác nhau.
Apoorva Mehta – 30 tuổi là nhà sáng lập và CEO của startup rao rau củ quả Instacart có trụ sở tại San-Francisco. Trong 4 năm qua, anh đã phát triển công ty có hơn 300 nhân viên toàn thời gian và hàng nghìn nhân viên giao hàng bán thời gian. Startup trị giá 3 tỷ USD này cung cấp dịch vụ vận chuyển rau củ quả trong cùng ngày tại hàng trăm thành phố ở 20 bang khác nhau.
Lớn lên tại Canada, Mehta có một sự tò mò khủng khiếp về công nghệ. "Mọi thứ từ những điều nhỏ nhất đến những gì mà chúng ta nhìn thấy khi vào máy tính tìm kiếm trên google.com", Mehta nói. "Tôi muốn học mọi thứ trong đó". Khi ấy dù không biết làm gì sau khi tốt nghiệp đại học nhưng anh vẫn đăng ký tham gia khoa kỹ sư máy tính tại Đại học Waterloo.
Mehta đã dành những năm sau đại học để làm cho các công ty công nghệ như Qualcomm và Blackberry và thậm chí là làm việc tại một nhà máy thép. Mục tiêu của anh là muốn cố gắng thử mọi thứ để giúp tìm ra điều anh thực sự yêu thích. Anh muốn chuyển đến Seattle để trở thành một kỹ sư chuỗi cung ứng của Amazon – nơi anh đã phát triển hệ thống nhận hàng từ nhà kho của Amazon để giao tới cửa nhà khách hàng một cách nhanh chóng.
Trong những năm đó, Mehta học được 2 điều: Anh muốn tự xây dựng được một phần mềm và anh muốn được thử thách bản thân. Thế là sau 2 năm làm việc tại Amazon, Mehta cảm thấy mình không còn được thử thách gì cả. Không suy nghĩ nhiều, anh quyết định nghỉ việc.
Anh dành 2 năm để trau dồi kiến thức. Giữa khoảng thời gian rời Amazon và thành lập nên Instacart, Mehta nhớ mình đã thành lập nên 20 công ty khác nhau. Có khi là xây dựng mạng lưới quảng cáo cho các công ty game xã hội. Một lần, Mehta dành một năm phát triển mạng lưới đặc biệt cho các luật sư. "Tôi không biết gì về những lĩnh vực này nhưng tôi thích đặt bản thân vào một vị trí mà tôi buộc phải học hỏi về ngành công nghiệp đó và cố gắng giải quyết vấn đề đang tồn tại". Tuy nhiên, không công ty nào trong số đó thành công!
"Sau khi trải qua tất cả những thất bại này, tôi nhận ra rằng không phải mình không thể tìm ra một sản phẩm hoạt động tốt mà vấn đề là mình không quan tâm tới sản phẩm".
Chính điều này đã giúp anh nhận ra bài học số 3: Giải quyết vấn đề thực sự là bạn phải thực sự bận tâm về nó.
Với 20 ý tưởng startup thất bại, Mehta tiến tới giải quyết một vấn đề anh gặp phải hàng ngày. Anh sống tại San Francisco, không có xe ô tô. Anh thích nấu nướng nhưng không thể mua được rau củ quả như mong muốn ở quanh khu mình sống.
"Đó là năm 2012, mọi người đặt hàng trực tuyến mọi thứ, gặp gỡ mọi người trực tuyến, xem tivi trực tuyến, tuy nhiên có một điều mà ai cũng vẫn phải làm mỗi tuần là đi siêu thị mua rau củ quả - chúng tôi vẫn làm theo cách cổ xưa". Ngay khi nảy ra ý tưởng về một nền tảng giao rau củ quả theo yêu cầu, anh không thể ngừng nghĩ về nó. Thế là trong chưa đầy 1 tháng. Anh đã tự mình viết code và tạo ra một ứng dụng có thể sử dụng bởi những người cần tới rau, củ quả. Trong lần thử nghiệm đầu tiên, vì Mehta vẫn chưa thuê bất kỳ người mua nào nên anh đã tự mua sắm qua ứng dụng, đến cửa hàng và vận chuyển thực phẩm cho chính mình.
Ý tưởng đặt rau củ quả trực tuyến và gửi đến tận nhà khách hàng không phải quá mới. Webvan – một công ty thành lập từ rất sớm nổi tiếng vượt qua được trong giai đoạn bong bóng dotcom. Ty nhiên, điều đó không làm Mehta nản lòng – anh tin rằng thành công của công ty không chỉ nằm ở chất lượng ý tưởng mà còn ở thời gian. "Rõ ràng với tôi ý tưởng là điều tốt và thời gian cũng vậy. Đó chính là lý do tại sao Uber và Lyft thành công".
Điện thoại thông minh trở nên phổ biến, mọi người cảm thấy tiện lợi khi sử dụng những giao dịch qua điện thoại và ý tưởng sử dụng một ứng dụng thuê người thực hiện một công việc trở nên hết sức bình thường.
Hầu hết startup thất bại và lời khuyên mà Mehta muốn gửi đến mọi người đó là: "Nếu muốn startup, bạn cần nghĩ tới lý do mình muốn làm là thay đổi điều gì đó bạn thật sự quan tâm. Đó phải là điều bạn rất muốn làm".
Theo Trí Thức Trẻ/LATimes