Trong năm 2018, doanh thu IDP (đơn vị sở hữu nhãn hiệu sữa Ba Vì, Love’in Farm) tăng nhẹ 2% lên 1.317 tỷ đồng nhưng công ty vẫn lỗ 43,8 tỷ đồng, qua đó nâng lỗ lũy kế từ khi hoạt động tới nay lên 692 tỷ đồng. Dù vậy, so với mức lỗ 298 tỷ đồng trong năm trước đó thì kết quả trong năm 2018 của IDP đã là sự cải thiện lớn.
Theo hiệp hội sữa Việt Nam, tổng doanh thu ngành sữa Việt Nam trong năm 2018 ước đạt 109.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017. Trong giai đoạn 2010-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng doanh thu ngành sữa Việt Nam đạt 12,7%/năm.
Hiệp hội sữa dự báo tiêu thụ sữa tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do thu nhập của người dân tăng và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại. Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao cũng được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở các đô thị tăng.
Với tiềm năng to lớn của ngành sữa, không bất ngờ khi hoạt động M&A các doanh nghiệp sữa Việt Nam diễn ra khá rầm rộ trong những năm qua. Có thể thấy, Vinamilk liên tục được các "đại gia" trong khu vực như Fraser and Neave (F&N), Jardine Matheson đăng ký mua cổ phần mỗi khi có cơ hội. Hay chính Vinamilk thời gian gần đây cũng rầm rộ với kế hoạch M&A GTN Foods, đơn vị sở hữu thương hiệu Mộc Châu Milk.
Không những vậy, ngành sữa Việt Nam còn hấp dẫn những "ông lớn" ngoài ngành như Coca Cola, Masan nhập cuộc, cho thấy tiềm năng lớn của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trong những năm qua, không phải thương vụ đầu tư nào vào ngành sữa cũng thu về trái ngọt ngay tức thì, tiêu biểu như thương vụ đầu tư của VinaCapital vào CTCP Sữa Quốc tế (IDP).
IDP liên tục thua lỗ, giá trị khoản đầu tư của VinaCapital giảm sâu
Thành lập năm 2004, CTCP Sữa Quốc tế (IDP) đã để lại dấu ấn không nhỏ trên thị trường với nhãn hiệu Sữa Ba Vì, Love’in Farm. Dù gây dựng được hình ảnh khá tốt, nhưng so với các doanh nghiệp khác trong ngành như Vinamilk, Dutch Lady, TH Milk thì quy mô IDP còn khá nhỏ.
Năm 2014, VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa (Nhật Bản) rót 75 triệu USD vào IDP với kỳ vọng sẽ trở thành thế lực mới trên thị trường sữa. Cùng thời điểm đó, "phù thủy marketing" Trần Bảo Minh, tên tuổi lừng lẫy trong các chiến dịch marketing của Pepsi, Vinamilk, TH Milk…cũng chính thức được bổ nhiệm vai trò CEO của IDP.
Dù có sự bổ sung "lực lượng" hùng hậu nhưng nhìn chung hoạt động kinh doanh IDP trong những năm qua chưa thực sự khởi sắc. Love’in Farm, con át chủ bài của IDP đã gặp không ít khó khăn để cạnh tranh với các nhãn hiệu sữa của Vinamilk, TH Milk, Dutch Lady, Nestle. Trong khi nhãn hiệu truyền thống Ba Vì ngày càng "mất hút" khỏi thị trường.
Theo số liệu chúng tôi có được, doanh thu IDP chưa khi nào cán mốc 2.000 tỷ đồng. Năm 2015 doanh thu IDP lập kỷ lục gần 1.900 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn 6 tỷ đồng. Một năm sau đó, doanh thu IDP chỉ còn gần 1.500 tỷ đồng, nhưng số lỗ công ty bất ngờ tăng vọt lên 260 tỷ đồng.
Sang năm 2017, tình hình càng bi đát hơn khi doanh thu IDP giảm xuống còn gần 1.300 tỷ đồng và số lỗ tăng lên 298 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2017, IDP lỗ lũy kế 648 tỷ đồng, qua đó âm vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng.
IDP thua lỗ khiến giá trị khoản đầu tư của VinaCapital giảm sâu
Trong vai trò là cổ đông lớn nắm giữ hơn 60% cổ phần IDP, rõ ràng đây là một khoản đầu tư "khó nhằn" của VinaCapital. Theo báo cáo từ VinaCapital, giá trị khoản đầu tư của quỹ vào IDP đã giảm mạnh do hoạt động kinh doanh thua lỗ. Vào thời điểm giữa năm 2018, giá trị khoản đầu tư vào IDP của VinaCapital chỉ còn 25 triệu USD, giảm mạnh so với con số gần 35 triệu USD trước đó 3 năm.
IDP chỉ còn lỗ hơn 40 tỷ trong năm 2018, quá trình cơ cấu của VinaCapital đang dần hoàn tất?
Mặc dù gặp không ít khó khăn tại thị trường nội địa, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu của IDP vẫn khá tốt, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc khi có giấy phép xuất khẩu vào năm 2017. Bên cạnh đó, quá trình cơ cấu doanh nghiệp của cổ đông chiến lược VinaCapital cũng đang có những tín hiệu tích cực.
Trong báo cáo thường niên, VinaCapital cho biết quỹ sẽ tiến hành tái cơ cấu IDP trong 3 giai đoạn. Trong đó, IDP đã hoàn thành thành giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu vào giữa năm 2016. Quá trình này tập trung vào tái cấu trúc nguồn vốn, tài sản cố định và danh mục sản phẩm. Trong khi đó, dự kiến tới giữa năm 2018 quá trình tái cơ cấu mới đi vào giai đoạn 3, thời điểm IDP có thể có lãi.
Theo số liệu chúng tôi có được, trong năm 2018, doanh thu IDP tăng nhẹ 2% lên 1.317 tỷ đồng nhưng công ty vẫn lỗ 43,8 tỷ đồng, qua đó nâng lỗ lũy kế từ khi hoạt động tới nay lên 692 tỷ đồng. Dù vậy, so với mức lỗ 298 tỷ đồng trong năm trước đó thì kết quả trong năm 2018 của IDP đã là sự cải thiện lớn.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Andy Ho, giám đốc điều hành VinaCapital cũng cho biết IDP đã vượt qua khó khăn và bắt đầu có lợi nhuận (theo quý) từ năm 2018. Tốc độ tăng trưởng doanh thu còn thấp do tập trung vào sản xuất và phân phối các mặt hàng chủ lực. Hệ thống phân phối được tái cơ cấu mạnh mẽ trong năm 2018 tạo điều kiện cho việc tăng doanh số.
Về chiến lược tương lai, đại diện VinaCapital cho biết IDP sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc (các sản phẩm thức uống từ sữa), Campuchia, Hàn Quốc và có tốc độ tăng trưởng doanh số ở mức từ 30-50%/năm. Tại thị trường nội địa, IDP tập trung khôi phục và phát triển sức mạnh của thương hiệu Kun, làm mới lại thương hiệu Ba Vì và tiếp tục phát triển thương hiệu Love’in Farm.
Mặc dù lúc này chưa có kế hoạch thoái vốn khỏi IDP, nhưng VinaCapital vẫn để ngỏ khả năng này trong tương lai gần nếu tìm được nhà đầu tư phù hợp. Trong báo cáo thường niên năm 2017, VinaCapital từng cho biết quỹ có thể bán cổ phần kiểm soát IDP với định giá dựa trên doanh số. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B thường được định giá từ 2-3 lần doanh thu, nhưng mức giá này sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận cho người bán.
Năm 2018, dù hoạt động kinh doanh chưa có lãi nhưng quá trình cơ cấu doanh nghiệp của VinaCapital đang có nhiều tiến triển tích cực. Nếu trong những năm tới, doanh thu, lợi nhuận IDP tiếp tục cải thiện, việc doanh nghiệp sữa này "đổi chủ" sẽ là điều không quá bất ngờ.