Sau đồng loạt tăng giá, cổ phiếu ngân hàng có thể bị 'đe dọa' bởi điều gì?

15/01/2024 13:00

Đà tăng điểm trong tuần này đã chững lại, nhưng nhìn tổng thể cả tuần giao dịch thì ngân hàng vẫn là nhóm ngành đóng vai trò nâng đỡ thị trường chung.

z5072995597550-52512493391f654546b97b503230d3ea-1705298336.jpg

VN-Index vừa kết thúc tuần giao dịch với phiên điều chỉnh tích lũy, điểm số dừng lại ở vùng 1154.70, giảm 7,52 điểm, tương đương 0,65%.

Nhìn tổng thể cả tuần qua, cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng vai trò nâng đỡ thị trường chung. Phiên hôm nay ngân hàng cũng là nhóm duy nhất giữ được đà tăng điểm, xấp xỉ 0,71%.

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng giá như thế nào?

Theo thống kê của Tuổi Trẻ Online, tính đến ngày 12-1, có 26/27 cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá so với cuối năm 2023. Duy nhất có mã SSB của SeABank đi ngược chiều, ghi nhận mức giảm gần 2% từ đầu năm đến nay.

Trước đó, khép lại một năm 2023 đầy biến động, cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến tích cực với mức tăng 19% so với cùng kỳ, vượt trội hơn so với mức tăng 12% của chỉ số VN-Index.

Một trong các lý do khiến cổ phiếu ngân hàng thăng hoa là tín dụng toàn ngành tăng trưởng "bùng nổ" trong quý cuối cùng của năm 2023.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng toàn ngành được đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho biết đạt 13,7%, riêng trong quý 4 tăng trưởng đạt 6,3% và mức tăng trưởng của tháng 11, 12 ghi nhận vượt trội hơn so với các tháng trước.

Chuyên gia FIDT nhận xét ngành ngân hàng đang trải qua những giai đoạn khó khăn nhất và dần xuất hiện những dấu hiệu hồi phục ban đầu. Tuy nhiên FIDT nhận định vẫn sẽ có sự phân hóa triển vọng hồi phục của các ngân hàng.

Đặc biệt theo FIDT, sẽ có sự phân hóa trong chất lượng tài sản của các ngân hàng sau khi thông tư 02-2023 của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực vào cuối quý 2-2024. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ tăng nhanh khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả.

Nhóm ngân hàng có tỉ trọng tín dụng doanh nghiệp cao và bộ đệm rủi ro nhỏ có thể phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 - 2025, FIDT nhận định.

Nỗi lo nợ xấu đe dọa ngành ngân hàng ra sao?

Chuyên gia SSI Research cũng cho rằng 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản.

Theo SSI Research, từ cuối năm 2022 cho đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn.

Tuy nhiên, kể cả với những cơ chế như vậy, nợ xấu và nợ cần chú ý tại các ngân hàng mà SSI Research nghiên cứu đã tăng lần lượt là 53% và 42% so với đầu năm tính tại thời điểm cuối quý 3-2023.

Theo đó, tỉ lệ nợ xấu, nợ nhóm 2 (khoản nợ quá hạn đến 90 ngày) và nợ tái cơ cấu tăng lên lần lượt là 1,98%, 2,38% và 1%.

Các khoản vay có vấn đề này tương đương với 5,3% tổng dư nợ tính tại thời điểm cuối quý 3-2023.

Do tăng trưởng tín dụng tăng tốc vào cuối năm, đạt mức trên 13,71% (tăng 4,7% so với tháng trước), chuyên gia SSI kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống trong quý 4-2023 còn 1,89%.

Tỉ lệ này có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, SSI Research nhận định. Bởi vậy theo chuyên gia, các khoản nợ có vấn đề vẫn tiếp tục cần được giám sát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi thông tư 16 nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Bình Khánh/Tuổi trẻ