Grab công bố bắt đầu triển khai thử nghiệm khu vực đón - trả khách dành riêng cho đối tác tài xế GrabBike và hành khách tại Bến xe Miền Đông. Đây là một trong những bến xe đông bậc nhất tại TPHCM và cũng là điểm nóng về câu chuyện "Grab giả" cũng như xung đột giữa các GrabBikers với cánh xe ôm truyền thống.
Grab công bố bắt đầu triển khai thử nghiệm khu vực đón - trả khách dành riêng cho đối tác tài xế GrabBike và hành khách tại Cổng số 3 (đường Đinh Bộ Lĩnh) - Bến xe Miền Đông (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) từ ngày 17/10.
Với khu vực đón - trả khách riêng này, hành khách và đối tác tài xế GrabBike có nhu cầu di chuyển tại Bến xe Miền Đông có thể đặt xe, di chuyển một cách nhanh chóng, an toàn và thuận tiện, từ đó gia tăng trải nghiệm liền mạch trên ứng dụng Grab.
Grab cho biết khu vực Cổng số 3 - Bến xe Miền Đông đã được cải tạo, kẻ vạch rõ ràng, giúp hành khách và đối tác tài xế GrabBike dễ dàng nhận diện. Đây sẽ là điểm dừng đỗ an toàn, trật tự cho các đối tác tài xế GrabBike trong lúc đón trả khách tại một trong những bến xe đông nhất TPHCM.
Ngoài khu vực đón - trả khách tại khu vực Cổng số 3, Grab cũng thử nghiệm khu vực hỗ trợ hành khách đặt xe trong khu vực nhà chờ của Bến xe Miền Đông, với các máy tính bảng (tablet) lắp đặt sẵn để hỗ trợ hành khách đặt xe một cách dễ dàng.
"Thuận tiện và an toàn cho hành khách và đối tác tài xế luôn là ưu tiên của Grab. Việc triển khai thử nghiệm khu vực đón - trả khách dành riêng cho đối tác tài xế GrabBike và hành khách tại Bến xe Miền Đông, một trong những điểm giao thông đông đúc của TPHCM, sẽ giúp khách hàng đặt xe nhanh chóng, thuận tiện hơn, cũng như nâng cao an toàn cho hành khách, đối tác tài xế, giảm tình trạng lợi dụng đồng phục GrabBike để bắt khách, từ đó góp phần đảm bảo trật tự tại khu vực này".
"Chúng tôi rất mong đây sẽ là tiền đề quan trọng để có thể mở rộng mô hình này tại nhiều địa bàn khác" - ông Jerry Lim, Tổng Giám đốc Grab tại Việt Nam cho biết.
Bến xe Miền Đông là một trong những bến xe khách đông bậc nhất tại TPHCM, và cũng là điểm nóng về câu chuyện "Grab giả" cũng như xung đột giữa các GrabBikers với cánh xe ôm truyền thống.
Nếu như nạn "Grab giả" - những lái xe mặc áo Grab không thực hiện cuốc xe qua app mà "chặt chém" khách hàng - thường xuất hiện vào những dịp lễ, Tết, thì các vụ "huyết chiến" giữa giới xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ diễn ra không ít.
Grab chính thức vận hành GrabBike từ tháng 6/2015. Zing dẫn số liệu của Grab cho biết, tính đến tháng cuối năm 2017, đã xảy ra hơn 130 vụ xô xát giữa xe ôm và các tài xế GrabBike.
Quy mô hoạt động của xe ôm truyền thống ngày càng co cụm sau khi Grab ứng dụng tính năng GrabNow. Các tụ điểm đông đúc như các bến xe khách, sân bay... hiện gần như là chiến tuyến cuối cùng của các xe ôm truyền thống trong cơn bão công nghệ.
Bình An
Theo Trí Thức Trẻ