Khu chợ - siêu thị tại Bình Chánh là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty Tân Đoàn Việt sẽ bị SCB thu giữ vào ngày 10/8.
Ngân hàng Sài Gòn - SCB vừa có thông báo về việc thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Tân Đoàn Việt. Theo thông tin của SCB, ngày 15/6 đã thông báo gửi Công ty Tân Đoàn Việt yêu cầu bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ. Nguyên nhân là công ty này vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo Hợp đồng tín dụng đã được hai bên ký kết vào ngày 30/9/2010.
Tuy nhiên, đã hết thời gian SCB yêu cầu, Công ty Tân Đoàn Việt không có thiện chí trong việc bàn giao. Do đó, SCB sẽ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm vào ngày 10/8 để xử lý thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.
Tài sản đảm bảo mà SCB thu giữ bao gồm quyền sử dụng đất đang là cơ sở sản xuất kinh doanh của công ty tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM có diện tích 3,439.2 m2. Tài sản gắn liền với đất là công trình Chợ - Siêu thị (tài sản hình thành trong tương lai) tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM với diện tích sàn 2,621 m2.
SCB yêu cầu Công ty Tân Đoàn Việt nghiêm túc hợp tác bàn giao tài sản. Mọi hành vi cản trở việc thu giữ sẽ bị xử lý theo quy định. Các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện thu giữ sẽ do Công ty Tân Đoàn Việt có nghĩa vụ thanh toán.
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cho biết, khoản vay của công ty Tân Đoàn Việt phát sinh từ năm 2010 với dư nợ gốc hai mươi mấy tỷ đồng chưa kể khoản lãi, phạt phát sinh mấy năm qua.
Ông Văn cho biết thêm, khối tài sản đảm bảo là khu chợ - siêu thị này có trị giá lên đến 80-90 tỷ đồng, mặc dù SCB đã nhiều lần làm việc và đề xuất các phương án như công ty nhượng bán bớt một phần để lấy tiền trả nợ khoản vay. Khi đó, ngân hàng sẵn sàng giảm bớt một phần lớn lãi và phạt nhưng họ vẫn không thiện chí. "Do đó, chúng tôi mới buộc tiến hành việc thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ", ông nói.
Công ty Tân Đoàn Việt có địa chỉ tại Xã Phong Phú, Huyện Bình Chánh, TP HCM được thành lập năm 2003, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng giám đốc, kiêm chủ tịch HĐQT.
Trước đó, mở đầu cho "làn sóng" thu giữ tài sản để xử lý nợ theo Nghị quyết 42 phải kể đến động thái của VAMC thu giữ dự án cao ốc Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM vào cuối tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể bán đấu giá thành công để thu hồi nợ. Sau đó, hàng loạt ngân hàng cũng tiến hành thu giữ tài sản để xử lý nợ.
Theo tinh thần của Nghị quyết 42, Thống đốc Lê Minh Hưng từng đưa ra nhận định, nếu Nghị quyết được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Theo Lệ Chi/Vnexpress