Sếp công ty quản lý xây dựng tháp Bitexco kể chuyện học Toyota, dùng 4.0

07/09/2018 12:18

Tổng giám đốc Turner International - công ty Mỹ có kinh nghiệm quản lý các toà tháp chọc trời trên thế giới hay tháp tài chính Bitexco, khách sạn Marriott tại Việt Nam - đã có những chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào xây dựng.

Turner International được biết đến là một trong những doanh nghiệp quản lý xây dựng lớn ở Mỹ. Doanh nghiệp này có kinh nghiệm tham gia nhiều công trình, dự án lớn ở hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như toà tháp cao 101 tầng ở Đài Loan, toà nhà module 461 Dean Street tại Mỹ... Ở Việt Nam, hai dự án gắn với tên tuổi của Turner International là tháp tài chính Bitexco và khách sạn JW Marriott Hanoi.

Ông Michael Doring - Tổng giám đốc Turner International - đã có những chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng, tại Hội nghị IREC 2018 đang diễn ra ở Hà Nội.

Tổng giám đốc Turner International Michael Doring chia sẻ xu hướng xây dựng và kiến trúc trên thế giới.
Ông Michael Doring - Tổng giám đốc Turner International chia sẻ về ứng dụng 4.0 trong quản lý xây dựng. Ảnh: Vân Thuỳ.

Những công nghệ trong xây dựng thời 4.0

Mô hình BIM (Building Information Modelling) được doanh nghiệp xây dựng này áp dụng cho nhiều dự án trong suốt 20-30 năm. Công nghệ này giúp hạn chế tối đa sự chậm trễ trong thi công một dự án.

"Khi làm việc với chủ đầu tư, chúng tôi luôn dùng công nghệ BIM để giúp họ quản lý tốt công việc", ông Micheal nói. Cụ thể, công nghệ này được công ty áp dụng để quản lý dự án tại Kuala Lumpur. Dự án có 4 toà chung cư có kết cấu nối 2 tầng, nhìn đơn giản nhưng thực chất khá phức tạp.

Cùng với BIM, công nghệ in 3D cũng được doanh nghiệp của ông Micheal áp dụng. "Với công nghệ này thì việc hiển thị hóa trở nên rõ ràng, từ đó tạo sự khác biệt rất lớn, đặc biệt là với các tòa siêu cao tầng. Ở những toà nhà này, chúng tôi đều áp dụng in 3D để xem tỷ lệ có cân đối không. Bản vẽ 2 chiều, in 3D giúp hình dung cụ thể thực tế bằng xương thịt", ông chia sẻ.

Trong xây dựng các toà nhà cao chọc trời, ông Micheal cũng chia sẻ ứng dụng công nghệ thứ ba mang tên Drones. Drones cho phép quay và chụp ảnh từ trên cao khoảng 5-6 phút. Chính điều này sẽ giúp chủ đầu tư cập nhật và đo tiến độ dự án, các bên liên quan có thể biết những gì đang diễn ra trên công trường.

“Kỹ thuật chụp ảnh 360 độ cũng giúp đỡ rất nhiều cho xây dựng mà cách sử dụng vô cùng dễ dàng. Các dự án càng phức tạp thì công cụ này càng thể hiện một cách tuyệt vời”, ông Doring cho biết.

Theo ông, chủ đầu tư hay giám sát công trình chỉ cần mua máy quay, máy chụp 360 độ và áp dụng công nghệ này một cách đơn giản. Chụp ảnh 360 độ giúp định vị vị trí và xác định thời gian, địa điểm trên bản vẽ. Với công nghệ này, các bên liên quan dự án có thể theo dõi, đo lường được tiến độ, kéo chỉnh lên xuống theo các chiều để quan sát công trình cách đầy đủ.

Ông Michael nói thêm hiện tại, một số công trình xây dựng ở Việt Nam đã được áp dụng công nghệ này.

Áp dụng mô hình tinh gọn của Toyota

Hầu hết dự án xây dựng đều bị đội chi phí so với dự toán. Tổng giám đốc Turner International cung cấp số liệu khảo sát của KPMG cho thấy 1/3 chủ đầu tư được hỏi nói rằng chi phí dự án vượt 10% so với dự tính. Chỉ 20% trong số này nói rằng họ thực hiện dự án tốt.

Với doanh nghiệp của mình, ông Michael Doring cho biết từ năm 2004, công ty đã áp dụng văn hoá tinh gọn bằng cách tối đa hoá giá trị cho khách hàng, loại bỏ mọi sự thừa thãi.

Ông lấy ví dụ về hiệu quả của mô hình tinh gọn, ông cho biết tháng 7/2017, doanh nghiệp của mình tham gia vào dự án Four Seasons tại Kuala Lumpur (Malaysia). Công trình này có diện tích sàn 240.000 m2, cao khoảng hơn 300 m. Tuy nhiên, chi phí xây dựng của dự án chỉ bằng 1/4 so với dự án khác có chiều cao, diện tích tương tự bên cạnh.


Tháp tài chính Bitexco tại TP HCM là một trong những công trình do Turner International quản lý xây dựng. Nguồn: Internet.

"Chúng tôi áp dụng phương án tinh gọn là sử dụng nhân công tối ưu", ông Michael nói.

Sự khác biệt khi có và không áp dụng mô hình này được ông chỉ ra trong một ví dụ khác bằng những hình ảnh trực quan về 2 dự án: một tại Mỹ áp dụng mô hình và một tại Malaysia không áp dụng.

Tại dự án ở Malaysia, ông Michael chỉ ra những nhược điểm bao gồm sự cồng kềnh của toàn bộ giàn giáo từ tầng 31 trở xuống, mất nhiều nhân công vận chuyển từ tầng thấp lên tầng cao, thời gian bê lên đặt xuống, thừa nguyên liệu... khiến các tầng không đồng bộ, liền mạch dẫn đến tình trạng thừa nhân công, lãng phí...

"Các công trình bừa bộn. Nhiều nhà thầu phụ không để ý vấn đề này dẫn đến chi phí nhân công cao, chất lượng không đảm bảo, vật liệu cũng không đồng bộ trong khi yếy tố mà nhà thầu chính quan tâm chính là hiệu quả", ông chia sẻ.

461 Dean Street là một trong những khu căn hộ cao nhất thế giới do Turner International xây dựng.
Toà nhà module 461 Dean Street tại Mỹ. Ảnh: Internet.

Với dự án tinh gọn tại Mỹ, ông tiết lộ mọi công cụ, nguyên vật liệu đều được vận chuyển bằng xe có bánh, di chuyển dễ thay vì để công nhân bưng bê vất vả và nguy hiểm. Các vật dụng được sắp xếp gọn gàng, tối ưu. Cùng với đó, hệ thống BIM được sử dụng, kết hợp các bên liên quan xác định toạ độ, bản vẽ, mô hình theo toạ độ, mô hình hoàn công. Quy trình từ đó vừa đơn giản vừa có thể theo dõi những gì đã thiết kế so với thi công thực tế đã được triển khai như thế nào.

“Ở Mỹ chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm quý báu trong triển khai dự án”, ông Doring nói. Một ví dụ điển hình được thực hiện năm 2017 là công trình số 461 Dean Street với 930 module, 34 tầng và 363 căn hộ. Chi phí xây dựng chung cư này rất hợp lý, cân bằng giữa chất lượng và giá cả.

Theo ông, mô hình tinh gọn đã được nhiều doanh nghiệp sản xuất áp dụng. Từ những năm 90, Toyota đã đưa ra mô hình này và đến hiện tại thì cho thấy đó là sự đúng đắn. Các ngành khác như vận tải cũng đưa ra ý tưởng tương tự. Trước đây, việc vận chuyển các container lên xe tải rất khó khăn. Sau này, các công ty cải tiến các công cụ theo chuẩn để công việc trở nên nhanh gọn và đỡ tốn kém nhất.

“Đổi mới sáng tạo xuất phát từ người trực tiếp làm việc, họ làm việc hàng ngày và biết cái gì tốt nhất. Nghe người lao động sẽ có thể có được sáng kiến”, Tổng giám đốc Turner International chia sẻ.

25% công ty bất động sản đượcTurner International cho rằng mô hình tinh gọn này là ý tưởng hay, giúp thực hiện dự án đúng thời gian và ngân sách đề ra. Trước đây, các hợp đồng xây dựng thường bị kéo dài thì việc áp dụng mô hình tinh gọn cũng giúp việc kiểm soát chi phí hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ông Doring chỉ ra: “Bản thân công nghệ không cải thiện được việc triển khai thực hiện dự án trực tiếp ví dụ như không thể khảo sát lấy ý kiến có liên quan. Vì vậy, các quy trình thực hiện vẫn cần con người dù tương lai thế giới sẽ chú trọng hơn đến thực tế ảo, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot và tự động hoá".

Vân Thùy/NDH