Trong tập 10, mùa 3 của chương trình Shark Tank Việt Nam, công ty công nghệ y tế eDoctor đã nhận khoản đầu tư 500.000 USD từ ông Nguyễn Mạnh Dũng, 100.000 USD từ ông Nguyễn Hòa Bình và 100.000 USD từ ông Nguyễn Thanh Việt.
Ứng dụng khám bệnh giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian
EDoctor là một nền tảng công nghệ giúp khách hàng có thể sử dụng những dịch vụ y tế như xét nghiệm ngay tại nhà rồi nhận kết quả trực tiếp qua ứng dụng di động.
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể tham vấn trực tiếp về sức khỏe qua ứng dụng. Chức năng ấy giúp khách hàng tiết kiệm tối đa thời gian đi lại và xếp hàng chờ tại phòng khám hay bệnh viện.
Hiện tại eDoctor đã hợp tác với 500 điều dưỡng viên, 400 bác sĩ và 80 phòng khám, bệnh viện. Ứng dụng sẽ tìm ra phòng khám trống lịch ở gần bệnh nhân nhất, nhờ đó tối ưu hóa thời gian làm việc của các nhân viên y tế. Công ty đã thực hiện gần 70.000 lượt khám.
Sau khi thu tiền trực tiếp từ khách hàng, eDoctor giữ lại 30% và chia 70% cho đối tác cung cấp dịch vụ y tế. Doanh thu của công ty là 10 tỉ trong năm nay (lỗ 4 tỉ). Đó là cơ sở để hai nhà đồng sáng lập kêu gọi đầu tư 500.000 USD cho 10% cổ phần.
"Nguyên nhân lỗ lớn nhất là chi phí marketing, chiếm 25-28%", anh Long giải thích rõ hơn về việc công ty chưa thể tạo ra lợi nhuận.
Sự trăn trở của ông Nguyễn Mạnh Dũng
Sau chương trình, ông Dũng thừa nhận rằng ra quyết định đầu tư vào eDoctor là việc rất khó khăn đối với ông. Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures Việt Nam đã biết Long từ 8 năm trước và cũng biết eDoctor từ khi công ty bắt đầu hoạt động.
"Công ty đã trải qua ba đời CEO, theo thông tin mà tôi biết. Ban đầu, công ty khám bệnh qua điện thoại, rồi mới chuyển đổi sang mô hình hiện nay. Các bước đi của công ty chưa thực sự rõ ràng", ông nói.
Trước đó, ông Dũng đã đầu tư cho ViCare, một startup khác về công nghệ y tế. Từ đó tới nay, ông tiếp tục tìm một công ty về công nghệ y tế, nhưng không thấy công ty nào phù hợp.
Dành nhiều thời gian cho eDoctor từ năm 2017, song ông Dũng vẫn chưa nghĩ tới việc đầu tư trước khi công ty tham gia Shark Tank Việt Nam, bởi ông thấy công ty chưa có một giám đốc điều hành đủ tầm để dẫn dắt.
Kèm theo khoản đầu tư, ông Dũng đã đưa ra một số điều kiện với eDoctor. Điều kiện đầu tiên là công ty phải thay đổi CEO và chọn một CEO mới có khả năng dẫn dắt, có vai trò lãnh đạo thực sự. Ngoài ra, ông còn muốn thay đổi cơ cấu cổ đông.
"Ban lãnh đạo eDoctor phải mua lại cổ phần của những cổ đông không thực sự đóng góp vào sự phát triển của công ty", ông nói.
Nhận định về thị trường chăm sóc sức khỏe trên nền tảng công nghệ ở Việt Nam, ông Dũng nhận định khá nhiều doanh nghiệp đang khai thác thị trường, song họ đều đang ở trong giai đoạn sơ khai nên tiềm năng còn rất lớn.
"Hiện tại, chưa công ty nào dẫn đầu thị trường nên cơ hội chia đều cho mọi doanh nghiệp. Muốn thành công, doanh nghiệp phải có nguồn lực đủ lớn và những chiến lược hợp lý", ông bình luận.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng