Câu chuyện bán hàng online ở đây có 2 vấn đề: Thứ nhất bạn chọn sản phẩm gì để bán. Sản phẩm đó có ích hay không, có tính năng gì đặc biệt không? Thứ hai là câu chuyện marketing digital.
Thời của bán hàng online
Theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến và đang tăng nhanh nhờ vào sự tăng trưởng của thị trường di động.
Ông Đoàn Duy Khoa - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Người tiêu dùng Nielsen Việt Nam cũng từng dự báo thương mại điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là trên nền tảng di động sẽ tiếp tục phát triển nhanh thời gian tới nhờ hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi.
Thực tế hiện một nửa dân số Việt Nam sử dụng Internet và đang nằm trong top dẫn đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á. Trung bình một tuần, mỗi người bỏ ra gần 25 giờ để lên mạng, tức hơn 3 giờ mỗi ngày. Gần một phần ba người sử dụng Internet đã bắt đầu mua sắm online với chi tiêu trung bình theo đầu người là 160 đôla mỗi năm.
Chính vì vậy kinh doanh online trở thành ngành hot đối với hàng triệu người Việt Nam. Một khảo sát thực hiện trên 3.000 chủ website là khách hàng của Bizweb.vn, 3 nhóm ngành dẫn đầu trong mảng kinh doanh online gồm: Thời trang- phụ kiện (chiếm 18% lượng khảo sát), hàng công nghệ- điện tử (15%) và Ngành dược phẩm- làm đẹp- spa (với mức 10%).
Khảo sát của Bizweb cũn cho biết phần lớn đối tượng kinh doanh online hiện nay là các chủ shop nhỏ lẻ. Theo đó có tới 43% shop có doanh thu năm 2017 dưới mức 500 triệu đồng. Mức doanh thu trên 1 tỷ đồng chỉ chiếm 31%. Doanh thu trung bình những người kinh doanh online được khảo sát trong năm 2017 đạt mức 1,2 tỷ đồng.
Làm sao để thành công?
"Bán hàng online rõ ràng chả mất gì cả, chỉ mất thời gian và mất ít tiền để chạy quảng cáo trên Facebook hay mạng xã hội thôi. Chả mất gì vì khi có đơn hàng ta mới phải đi đặt hàng, có hàng rồi mới phải vận chuyển, khách hàng trả tiền và trả ngược lại.", shark Hưng chia sẻ nhận định về kinh doanh online trong chương trình gặp mặt Shark tank "Đối mặt thách thức" chiều hôm qua.
Shark Hưng cũng cho biết thêm mô hình bán hàng online giải quyết được 2 vấn đề: Thứ nhất là những sản phẩm rất mới thì không phải mất nhiều công xây dựng hệ thống bán hàng truyền thống như siêu thị hay các kênh khác. Thứ hai mô hình này rất phù hợp hướng tới một số nhóm khách hàng mục tiêu là giới trẻ, công chức văn phòng.
Tuy nhiên tương tự số liệu thống kê đã đưa ra, doanh nhân này cho rằng hình thức này khá hay nhưng quá nhiều người làm.
"Câu chuyện bán hàng online ở đây có 2 vấn đề: Thứ nhất bạn chọn sản phẩm gì để bán. Sản phẩm đó có ích hay không, có tính năng gì đặc biệt không? Thứ hai là câu chuyện marketing digital", shark Hưng nhận xét.
Theo ông, marketing digital là không thể không dùng đến nếu bán online. Bài toán đặt ra là làm sao để định vị đúng và bám đuổi tốt thì tự nhiên bạn sẽ có khách hàng. Còn nếu sản phẩm của bạn đã bão hòa thì dù có ngân sách lớn mấy cũng rất khó vì khách hàng đã chán.
Thế nhưng marketing digital cũng là con dao hai lưỡi. Shark Hưng cho rằng bán hàng online dựa trên nền tảng Facebook hay Google rất nguy hiểm và khó phát triển lên mức cao.
"Các bạn bán lặt vặt không sao, doanh thu vài đơn mỗi ngày không sao nhưng khi lên đến vài chục, vài trăm, vài ngàn mỗi ngày thì có vấn đề ngay vì bạn bị phụ thuộc", doanh nhân này nhận xét. Ông còn lấy ví dụ như sự thay đổi của chính sách có thể khiến Facebook hay Google rút khỏi Việt Nam. Vì vậy nếu muốn làm rất lớn thì người kinh doanh online phải xây dựng nền tảng cho riêng mình như cách của Alibaba.
"Chúng tôi cũng xây dựng nền tảng cho riêng chúng tôi. Về nguyên tắc chúng ta không bao giờ được xây nhà trên mảnh đất của người khác, điều đó rất nguy hiểm", ông Hưng khẳng định.
Còn theo quan điểm của Shark Linh, bà cho rằng người trẻ không nên tham gia bán hàng online bởi ngành này quá hot. Thay vào đó, nữ doanh nhân này cho rằng nên chọn những ngành nào sẽ hot, có tầm nhìn tương lai hơn là chạy theo số đông hiện tại.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ