Shark Khoa: Khởi nghiệp bắt đầu từ ý tưởng và sự khác biệt

20/05/2018 22:28

Đi làm thuê hay khởi nghiệp, công việc ổn định hay nhiều rủi ro nhưng tự chủ là câu hỏi lớn đối với nhiều người trẻ hiện nay.

Sáng 20/5, doanh nhân Lê Đăng Khoa, còn được biết đến với tên gọi Shark Khoa, đã giải đáp những thắc mắc, đồng thời lắng nghe các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên.

Chương trình được tổ chức tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thu hút rất đông sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Đi làm trước rồi hãy khởi nghiệp

Trước những trăn trở của nhiều sinh viên với ý định khởi nghiệp, Shark Khoa thẳng thắn nói rằng đừng khởi nghiệp ngay khi ra trường mà phải đi làm trước. Làm chủ một doanh nghiệp cần rất nhiều kỹ năng mà theo anh chỉ khi làm việc và va chạm thực tế mới có được.

Rất nhiều câu hỏi từ sinh viên liên quan những bí quyết khi khởi nghiệp. Ảnh: Hiếu Tiên.

Trả lời câu hỏi của một sinh viên về cách chọn công ty phù hợp, Shark Khoa cho hay: “Nếu muốn khởi nghiệp, bạn nên chọn công ty nhỏ nhưng tiềm năng và vị trí nên nhắm đến là trợ lý. Trợ lý sẽ phải nắm bắt, quan sát nhiều mảng trong công ty và lựa chọn một công ty nhỏ sẽ mang đến cơ hội làm việc đa ngành”.

Phân tích một ví dụ về khởi nghiệp trong ngành cà phê, Shark Khoa cho biết để kinh doanh thành công cần cân nhắc rất nhiều vấn đề, trong đó quan trọng là phải nắm giá cả thị trường.

“Đó là lý do phải đi làm để hiểu được áp lực của bài toán chi phí, doanh thu và lợi nhuận”, Shark Khoa chia sẻ.

Ý tưởng tiềm năng

Một ví dụ cụ thể được Shark Khoa đưa ra là quá trình phát triển thương hiệu của 38 degree Flower Market Tea house: “Mỗi năm toàn thế giới tiêu tốn khoảng 92 tỷ USD cho hoa tươi, đó là con số khiến tôi nhìn thấy tiềm năng của ngành hoa và quyết định đầu tư. Tiếp đó là ý tưởng kết hợp hai không gian trà và hoa. Khi nhận thấy mô hình được đón nhận thì phải phát triển hệ thống thật nhanh, tạo nên một chuỗi cửa hàng với quy mô ngày càng lớn và đầu tư chỉn chu”.

Ý tưởng kết hợp này không chỉ tạo nên hiệu ứng thu hút khách hàng mục tiêu - phụ nữ - mà còn mang lại hiệu quả “một mặt bằng hai doanh thu”.

Shark Khoa có lời khuyên nếu đã có ý tưởng thì nên tìm những quyển sách về khởi nghiệp trên thế giới để học cách phát triển từ ý tưởng lên doanh nghiệp vừa và nhỏ, cách tồn tại và cạnh tranh với tập đoàn lớn.

“Đừng sợ người ta lấy ý tưởng của mình mà hãy chia sẻ nhiều hơn, đặc biệt là với những người thành công, cái nhìn thực tế của họ có thể giúp ta nhìn nhận ý tưởng ở nhiều góc cạnh hơn”, Shark Khoa nói.

Anh cũng chia sẻ cái nhìn về một ý tưởng tiềm năng: “Sản phẩm, dịch vụ tung ra được thị trường ủng hộ và có doanh thu. Dòng tiền ít nhất phải dương, dù quy mô nhỏ nhưng tiền thu vào phải lớn hơn tiền chi ra, đó là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy ý tưởng tiềm năng”.

Đồng thời, Shark Khoa khẳng định phải luôn dựa vào nhu cầu, chỉ bán những gì thị trường đón nhận, tuyệt đối không theo đuổi ý tưởng không phù hợp thị trường.

Sự khác biệt

Để có thể khởi nghiệp cần tìm được ý tưởng hay và xác định sự khác biệt - cũng chính là thế mạnh - của các dự án.

Về các ý tưởng của sinh viên tại chương trình, Shark Khoa nhận xét chưa có nhiều khác biệt. Anh cho biết: “Tốt về chất lượng và dịch vụ là điều đương nhiên một ý tưởng kinh doanh phải đáp ứng, đó không phải khác biệt”.

Cần nhận thức được “điều gì mình có thể mang lại cho ngành mà chưa ai làm được”, chỉ như vậy mới có thể trở thành cái tên mà khách hàng nghĩ tới đầu tiên khi có nhu cầu. Khi đó, doanh nghiệp mới có thể xây dựng những chiến dịch marketing thành công vì “tiếp thị cần nhắm đến những điều khác biệt”.

“38 degree Flower chọn hoa hồng Ecuador để làm nên điểm nhấn với ưu thế về giá cả; làng sinh thái Tre Việt kết hợp các thế mạnh của đối thủ là đáp ứng tất cả nhu cầu về giải trí, ẩm thực và ưu điểm về khoảng cách… Đó là cách tạo nên một điểm nhấn để cạnh tranh” - Shark Khoa phân tích từ thực tế kinh doanh.

Tại chương trình, Shark Khoa lắng nghe và phản biện 3 ý tưởng kinh doanh của sinh viên, bao gồm: Kinh doanh bột và ngũ cốc tăng cân, cửa hàng cà phê kết hợp kinh doanh terrarium (trồng cây trong bình thủy tinh), ứng dụng kết nối cộng đồng du lịch và các điểm du lịch địa phương (DiChoBiet).

Tuy các ý tưởng còn nhiều thiếu sót và hạn chế, tinh thần khởi nghiệp và tâm thế tự tin của sinh viên được Shark Khoa đánh giá cao. Anh khuyến khích các bạn nghiên cứu thêm và xây dựng điểm độc đáo khác biệt của riêng mình.

Theo Hiếu Tiên/Zing