Shark Liên: 'Kinh doanh mà chỉ làm ra tiền thôi thì chưa phải là kinh doanh'

17/07/2021 20:20

Triết lý kinh doanh cần phải mang lại giá trị cho cộng đồng, xã hội một lần nữa được thể hiện qua tư tưởng, hành động của nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên - Shark Liên - trong các thương vụ được bà đầu tư tại Shark Tank 4.

"Bà đỡ" cho startup

Shark Liên chưa bao giờ khẳng định bản thân kinh doanh không cần lợi nhuận vì bà hiểu hơn ai hết, một doanh nghiệp không có tiền, không sinh lời thì không thể làm được điều gì cả. Hiệu quả hoạt động cho tương lai là điều kiện tiên quyết để một doanh nghiệp có thể tồn tại.

"Công tác từ thiện không thể pha lẫn trong vận hành kinh doanh, đã là kinh doanh thì cần tính từng đồng, từng xu, từng con số hiệu quả", Shark Liên quả quyết.

Thế nhưng cũng đối với bà, kinh doanh mà chỉ làm ra tiền thôi thì chưa phải là kinh doanh. Kinh doanh cần mang lại giá trị cho cộng đồng, xã hội. Có lẽ vì vậy mà đến với Shark Tank, bà mang trên mình tâm thế của một "bà đỡ" cho startup Việt.

Bà khẳng định: "Khi tôi đã hỗ trợ các bạn thì quan điểm của tôi là sự thành công và hiệu quả của các bạn là quan trọng nhất, chứ không phải là các bạn kiếm được bao nhiêu tiền để chia lại cho tôi".

Chính vì thế, bà bảo trợ cho những startup lọt vào mắt xanh theo cách chậm rãi, không vội vã rót tiền cho những dự án hào nhoáng, không hứa hẹn với những doanh nghiệp thời thượng có khả năng thu lời nhanh, mà chọn cho mình những kế hoạch bài bản, dài hơi và các founder (người sáng lập) trẻ có tham vọng đi đường dài, phát triển vì cộng đồng.

shark-lien-2-1626506784815724338540-1626527881.jpg

Shark Liên chọn đầu tư cho những kế hoạch bài bản, dài hơi và các founder trẻ có tham vọng đi đường dài, phát triển vì cộng đồng

Shark Liên chọn đầu tư cho những kế hoạch bài bản, dài hơi và các founder trẻ có tham vọng đi đường dài, phát triển vì cộng đồng

Đó là một Vua Cua bình dân hóa hải sản, mang món cua vốn được coi là cao cấp đến với những người có thu nhập thấp. Là một Cloud Cook tiên phong trong việc đưa mô hình "bếp trên mây" về Việt Nam, với lý tưởng giải quyết bài toán khủng hoảng việc làm, mang đến thêm một nguồn thu nhập, cũng như thỏa mãn đam mê bếp núc của nhiều người, đặc biệt là cộng đồng phụ nữ.

Shark Liên cũng đau đáu trước bài toán các thế hệ trẻ vô cùng tài năng nhưng vẫn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc không tìm được công việc phù hợp, bà đã đầu tư cho VNG Education. Đây cũng là cách để bà tạo cơ hội việc làm, cải thiện cuộc sống cho thanh niên Việt Nam, góp phần ngăn chặn tình trạng lãng phí nguồn lao động tài giỏi của đất nước.

Kiếm tiền còn phải đi kèm với hạnh phúc

Hơn 10 năm hoạt động trong vai trò Lãnh sự danh dự nước Cộng hoà Nam Phi tại Việt Nam, Shark Liên tổ chức hơn 100 đợt hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ các cá nhân, các đơn vị trường học và tổ chức giáo dục với tổng kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nổi bật là các chương trình Nhà sạch đón Tết (liên tục từ năm 2014 - nay), Ngày Nelson Mandela, Tiếp sức đến trường, Xuân nơi đảo xa…

Hay như việc Shark Liên quyết định xuống tiền đầu tư cho cánh tay robot của Vulcan vì trân trọng giá trị mà những người trẻ này mang lại; một sản phẩm chất lượng với mức giá cạnh tranh và sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để trao tặng một cuộc đời tương đối bình thường cho những người khuyết tật.

Dù lợi nhuận là động lực, là điều kiện cần để tồn tại, nhưng để phát triển bền vững thì phải từ "tâm". "nữ cá mập" đã nói rằng Vulcan chính là ví dụ điển hình cho châm ngôn "kiếm tiền hạnh phúc" mà bà luôn theo đuổi trong suốt hành trình sự nghiệp kể từ ngày đầu tiên bước chân vào thương trường.

shark-lien-3-16265063466331088864060-1626527881.jpg
Vulcan chính là ví dụ điển hình cho châm ngôn "kiếm tiền hạnh phúc" mà Shark Liên luôn theo đuổi

Vulcan chính là ví dụ điển hình cho châm ngôn "kiếm tiền hạnh phúc" mà Shark Liên luôn theo đuổi

Không chỉ coi trọng sự rõ ràng, minh bạch, trung thực với khách hàng khi từ chối đầu tư cho startup kinh doanh cà phê vì không công bố thành phần nguyên liệu trên bao bì, bà còn đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững khi từ chối đầu tư cho startup dịch vụ đi bộ dưới đáy biển vì không cùng quan điểm về việc bảo vệ môi trường.

Hay như khi Shark Liên đầu tư cho startup thịt thực vật Vmeat vì bà tin rằng: "Dù các món chay giả mặn hay các sản phẩm thịt thực vật có mang vẻ ngoài thế nào đi chăng nữa, thì có một sự thật mà chúng ta không thể nào chối bỏ: Không một con vật nào phải chết đi để làm ra bữa ăn đó, và nó thật sự mang tới lợi ích cho sức khỏe và môi trường".

"Nữ cá mập" cũng mạnh tay đầu tư 25 tỷ cho startup iGreen vì sử dụng hạt nhựa sinh học phân hủy nhanh đang là xu hướng trên thế giới. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần gây hại cho môi trường.

Bên cạnh số tiền cam kết đầu tư cho iGreen bà sẵn sàng rót thêm một số vốn lớn nữa để giúp startup này phát triển. Bởi Shark Liên tin rằng, cùng với iGreen, bà sẽ "mang tới giải pháp tối ưu giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ mái nhà chung của nhân loại, của chính con em chúng ta, hôm nay, ngày mai, hay xa hơn nữa trong tương lai".

Có lẽ chính những điều đó đã tạo nên một "cá mập bà ngoại" có trái tim ấm áp, hiểu những gì startup cần, đồng thời cũng là nhà đầu tư đầy bản lĩnh, quyết liệt, không ngại cạnh tranh với các Shark khác để thuyết phục startup về với đội của mình.

Theo Hoàng Lê - Quang Đỉnh