Sinh nhật 10 tuổi Winmart

'Siêu doanh nghiệp' vốn 500.000 tỷ có thể ‘lách luật’ thế nào nếu không góp đủ vốn đúng hạn?

18/08/2021 20:28

Theo nhà báo, luật sư Đặng Thị Hàn Ni, việc góp vốn của 'siêu doanh nghiệp' 500.000 tỷ đồng có thể xử lý dễ dàng theo 2 cách mà doanh nghiệp không hề bị phạt.

photo1623737435129-1623737435256826408659-1623737454239657389936-1629293195.jpg
Chưa nộp tiền, chủ siêu doanh nghiệp vốn 500.000 tỷ đồng đang bận khai trương sàn TMĐT tỷ đô (ảnh minh họa)

Hôm nay (18/8) là hạn cuối cùng Công ty CP tập đoàn đầu tư công nghệ tự động Toàn Cầu do ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đồng sáng lập phải nộp đủ sô vốn 500.000 tỷ đồng như đăng ký để tránh bị phạt.

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định: "Vụ góp vốn hôm nay đến hạn, tôi sẽ nộp đủ. Tôi không giảm vốn, công ty vẫn hoạt động bình thường”.

Về vấn đề dòng vốn ở đâu để nộp, vị CEO này cho biết: “Việc góp vốn bên phòng tài chính kế toán có người lo”.

Nếu hết ngày 18/8, doanh nghiệp này vẫn chưa góp đủ vốn điều lệ thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ phát văn bản yêu cầu báo cáo lý do. Doanh nghiệp sẽ có ít ngày để báo cáo lại với cơ quan đăng ký kinh doanh. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh sẽ quyết định hình thức xử lý.

Trước đó, theo số liệu của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hồi tháng 5/2021, có hai doanh nghiệp vừa được đăng ký thành lập mới thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông tại TP. HCM với số vốn đăng ký lên đến 525.000 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp này đăng ký thành lập ngày 20/5/2021. Đó là Công ty CP Tập đoàn kinh doanh tự động Toàn Cầu với vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng và Công ty CP tập đoàn đầu tư công nghệ tự động Toàn Cầu vốn điều lệ lên tới 500.000 tỷ đồng. Con số này lớn hơn vốn điều lệ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viettel và hầu hết tập đoàn lớn ở Việt Nam...

Hai doanh nghiệp này đều có chung một người đại diện theo pháp luật, chung 3 cổ đông sáng lập và đều kinh doanh trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, sinh năm 1986, địa chỉ thường trú tại thành phố Thủ Đức (TP. HCM).

Hiện vấn đề mà ông Quốc Anh đang tập trung là chuẩn bị khai trương sàn Thương mại Điện tử (TMĐT) USG. Theo tính toán từ doanh nghiệp, sàn này đáng giá hơn 21,7 tỷ USD. Giá trị này được công ty tính trên dòng tiền từ thị trường, với 3 dự án chính là: sàn Thương mại Điện tử cộng đồng toàn cầu, chuyển đổi số toàn cầu và giúp Việt Nam lọt vào top 10 nền kinh tế lớn toàn cầu.

Thời gian cho 3 dự án này dự kiến khoảng 7 năm, trong đó 2 dự án đầu làm trong 5 năm, 2 năm cuối triển khai dự án 3.

Dòng tiền từ thị trường, theo giải thích của CEO Quốc Anh, là khi có chiến lược, chiến thuật tốt, và đưa ra được nhiều sản phẩm tốt, thì dòng tiền tự chảy về.

Theo nhà báo, luật sư Đặng Thị Hàn Ni, việc góp vốn của của công ty 500.000 tỷ đồng có thể xử lý dễ dàng theo 2 cách mà doanh nghiệp không hề bị phạt.

Thứ nhất là công ty lên cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh lại vốn. Thứ hai là cổ đông có thể góp vốn bằng tài sản, bằng sở hữu trí tuệ, hay bằng công nghệ nào đó... Chỉ cần làm biên bản, các cổ đông chấp thuận cho góp vốn bằng tài sản đó và chấp thuận cho gía trị phần góp vốn đó theo thỏa thuận là xong.

Từ thực tế góp vốn của cổ đông và việc ghi vốn điều lệ, vị luật sư này cũng đề xuất là nên bỏ đăng ký vốn đi, vốn điều lệ có thể khai khống lên con số khủng quá dễ dàng.

"Nhà nước muốn quản lý hay theo dõi nền kinh tế thì hãy lấy số liệu từ cơ quan thuế - đấy là hoạt động kinh doanh thật, có khai báo, có đóng góp cho nền kinh tế bằng doanh thu và con số thật", bà Hàn Ni nói.

Như vậy có thể thấy nếu cổ đông chính định giá sàn USG lên đến 21,7 tỷ USD để góp vốn, và các cổ đông còn lại đồng thuận, thì xem như công ty đã hoàn tất nghĩa vụ góp vốn. Còn việc phần góp này sau đó hiệu quả thế nào, hoặc sau này đối tác định giá chỉ còn vài triệu đô, hay vài nghìn đô, vài trăm đô... thì đó là theo giá thị trường.

Trong lần "livestream" ngày 20/7 để ra mắt sản phẩm sàn thương mại điện tử cộng đồng USG (United Stateof Global Community), CEO Quốc Anh cho rằng sàn thương mại điện tử USG là sàn thương mại điện tử thuộc Top 1 thế giới về việc triển khai thương mại hóa toàn cầu theo công nghệ 5.0 mới nhất trên thị trường.

Trước đó, sáng 15/6, CEO này cũng đã lên YouTube để nói về cách kiếm doanh thu tỷ USD.

Quốc Anh từng khẳng định, công ty của ông không phải là doanh nghiệp startup mà là doanh nghiệp vận hành theo cơ cấu mới, hiện đại, tiên phong trên thế giới. Tập đoàn Toàn Cầu sẽ là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đưa các sản phẩm công nghệ lên toàn cầu, cạnh tranh với các doanh nghiệp tại 3 thị trường công nghệ lớn nhất thế giới là Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.

Nói về triển vọng phát triển, ông Quốc Anh ước tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp của ông mang về 1 tỷ USD. Từ năm 2023 - 2025 con số này sẽ tăng lên 30 tỷ USD. Đến 2025 - 2027 doanh thu này sẽ lên đến 50 tỷ USD.

Đến 2025, công ty cũng sẽ xây trung tâm kinh doanh tài chính nhân bản ở Việt Nam. Và nếu có thể, công ty Toàn Cầu cũng sẽ xây 17 tòa nhà đại diện cho 17 công ty trong hệ sinh thái, tổng số vốn đầu tư 30 tỷ USD.

Đang có rất nhiều ý kiến cho rằng các kế hoạch kinh doanh của ông Quốc Anh là ảo tưởng. Bản thân "doanh nhân" này cũng từng thừa nhận là ông... không có tiền!

Theo Trần Lê/VietnamFinance