Việc hệ thống siêu thị Big C từ chối nhập hàng may mặc Việt Nam đang khiến dư luận xôn xao. Nhiều người đặt câu hỏi về lịch sử hình thành và phát triển, cũng như chủ sở hữu hiện tại của hệ thống siêu thị này.
Big C Thái Lan vào Việt Nam khi nào?
Theo một số nguồn tin, thương hiệu Big C được thành lập năm 1993 bởi công ty Central Group, với cửa hàng đầu tiên được mở tại ngã tư Wong Sawang, Bangkok (Thái Lan).
Năm 1995, cổ phiếu Big C lần đầu tiên được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Big C đã quyết định hình thành liên minh với Tập đoàn Casino (Pháp).
Trong đợt tăng vốn của Big C năm 1999, Tập đoàn Casino mua lại 530 triệu cổ phiếu của Big C để trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Sau giao dịch này, Tập đoàn Casino bán toàn bộ bộ phận dệt may của Big C để tập trung vào thương mại bán lẻ và tăng cường hiệu quả kinh doanh.
Big C bắt đầu có mặt tại Việt Nam vào năm 1998 với danh nghĩa là chi nhánh của Tập đoàn Casino. Khi đó, Big C là kết quả hợp tác thành công giữa Tập đoàn Casino và một số công ty Việt Nam.
Tháng 4/2016, hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam được Tập đoàn Central Group (Thái Lan) tiếp quản thành công và hợp pháp theo một thỏa thuận chuyển nhượng quốc tế với Tập đoàn Casino.
Hệ thống siêu thị Big C hoạt động kinh doanh theo mô hình "Trung tâm thương mại" hay "Đại siêu thị" là hình thức kinh doanh bán lẻ hiện đại đang được triển khai tại nhiều nước trên thế giới.
Big C tuyên bố sở hữu, khai thác 21 trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành lớn trên cả nước, sử dụng 8.000 nhân viên, kinh doanh 50.000 mặt hàng, trong đó 95% sản xuất tại Việt Nam. Mỗi năm, hệ thống phục vụ hơn 35 triệu lượt khách đến mua sắm.
Về chủ sở hữu hiện tại, Central Group là Tập đoàn bán lẻ hàng đầu trong khu vực được thành lập vào năm 1947 từ một cửa hàng nhỏ tại Bangkok do gia đình ông Tiang Chirathivat điều hành.
Theo BizLive, Central Group chính thức bước chân vào Việt Nam hồi tháng 7/2011, hoạt động tại nhiều lĩnh vực bán lẻ như điện máy, thể thao, thời trang, trung tâm thương mại, nhà hàng khách sạn, thương mại điện tử và siêu thị.
Cuối năm 2014, Central Group bắt đầu thu hút sự chú ý khi mở 2 trung tâm thương mại thời trang Robins tại Hà Nội và TP.HCM tập trung nhiều nhãn hiệu cao cấp từ các nước trên thế giới, trong đó hàng Thái chiếm số lượng lớn.
Trong lĩnh vực thời trang, ngoài thương hiệu Robins, Central Group còn kinh doanh thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.
Tập đoàn Central Group sở hữu những gì?
Central Group cũng là doanh nghiệp đưa cửa hàng thời trang của Anh Marks & Spencer (M&S) vào Việt Nam. Chuỗi cửa hàng đồng giá Komonoya (Nhật) cũng do tập đoàn này điều hành và quản lý. Theo kế hoạch, đến năm 2020 Central Group sẽ mở hàng chục cửa hàng đồng giá Komonoya cũng như phát triển thêm 20 trung tâm M&S tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Central Group Việt Nam, đến thời điểm này, tập đoàn đã có 60 cửa hàng thời trang trên cả nước bao gồm Thể Thao, Trung Tâm Thương Mại và Cửa hàng biểu mẫu.
Đầu năm 2015, Central Group đã chi 100 triệu USD để mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim với 21 siêu thị điện máy trên cả nước, một trong những nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam.
Central Group cho biết, muốn tận dụng thế mạnh của cả hai để phát triển mảng bán lẻ, với định hướng chiến lược trở thành nhà bán lẻ hàng điện tử gia dụng hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Sau khoảng 5 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, tính đến tháng 2/2016, chưa kể Big C Việt Nam và Zalora, Central Group Việt Nam đã có hơn 6.600 nhân viên, có 100 trung tâm thuộc tập đoàn hoạt động trên khắp cả nước, bao gồm 4 trung tâm thương mại; 27 cửa hàng thể thao; 30 cửa hàng thời trang; 1 khách sạn; 21 cửa hàng điện máy; 1 doanh nghiệp thương mại điện tử, 1 nhà phân phối hàng tiêu dùng nhanh và 13 siêu thị.
Ngọc Linh
Theo Thời Đại