Big C Thăng Long có 2 năm sụt giảm doanh thu liên tiếp trong bối cảnh thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam đang tăng trưởng tích cực.
Đầu năm 2016, tập đoàn Pháp Casino Group tuyên bố đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc bán Big C Việt Nam cho Central Group của Thái Lan. Casino tiết lộ, thương vụ thâu tóm có giá trị lên đến 1 tỷ euro.
Có mặt tại Việt Nam kể từ năm 1998, Big C là một trong những mô hình đầu tiên hoạt động theo mô hình chuỗi đại siêu thị. Với hơn 30 trung tâm mua sắm, Big C luôn nằm trong nhóm các nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, với doanh thu khoảng trên 10.000 tỷ đồng và tăng trưởng đều đặn qua các năm.
Mặc dù vậy, tập đoàn mẹ của Big C lúc đó là Casino Group gặp vấn đề về tài chính và phải tiến hành tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống. Ngoài Big C Việt Nam được bán lại cho Central Group, Big C Thái Lan cũng được bán cho tập đoàn TCC của Thái Lan.
Sau khi vượt qua hàng loạt các đối thủ sừng sỏ khác như Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Dairy Farm (Singapore) và Saigon Co.op (Việt Nam) để sở hữu Big C Việt Nam, Central Group nhanh chóng tiến hành tái cơ cấu lại chuỗi siêu thị này, đưa Big C vào trong hệ thống của Central Group tại Việt Nam, cùng với chuỗi điện máy Nguyễn Kim và Zalora.
Thế Giới Di Động, nhà bán lẻ di động số 1 Việt Nam, cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chuyển giao này khi 22 điểm bán của Thế giới di động đặt trong các siêu thị Big C nhanh chóng bị thanh lý hợp đồng để nhường chỗ cho Nguyễn Kim.
Tuy nhiên, 2 năm sau ngày chuyển giao, sự hiện diện của Big C tại Việt Nam lại đang có dấu hiệu mờ nhạt dần. Big C Thăng Long, một trong những siêu thị Big C có quy mô lớn nhất tại Việt Nam có kết quả kinh doanh đi xuống trong những năm gần đây.
Năm 2015, trước khi về tay người Thái, Big C Thăng Long ghi nhận doanh thu 2.811 tỷ đồng. Doanh thu giảm liên tiếp trong năm 2 năm tiếp theo, lần lượt là 2.717 tỷ đồng năm 2016 và 2.698 tỷ đồng năm 2017.
Cùng với doanh thu, lợi nhuận của Big C Thăng Long cũng giảm mạnh từ 164 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 84 tỷ đồng năm 2016. Sang năm 2017, lợi nhuận có sự tăng trưởng trở lại, đạt 150 tỷ đồng.
BigC Thăng Long là một liên doanh giữa Thăng Long GTC và đối tác nước ngoài công ty VINDEMIA SAS, trong đó công ty Việt Nam chiếm 35% cổ phần. Năm ngoái, Thăng Long GTC được chia 57 tỷ đồng cổ tức từ liên doanh này.
Theo tổ chức nghiên cứu AT Kearney, Việt Nam nằm trong nhóm 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2016 – 2020, thị trường có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,9% mỗi năm và dự báo sẽ đạt quy mô khoảng 180 tỷ USD vào năm 2020.
Hoạt động của Big C Thăng Long kém đi ngay trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi mạnh và nhu cầu mua sắm trên các kênh bán lẻ hiện đại của người tiêu dùng thủ đô tăng lên phần nào phản ánh cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ.
Hiện tại, thị trường bán lẻ có sự tham gia của những thương hiệu lớn ngoại như như Aeon Mall, Lotte hay các thương hiệu nội địa như Vinmart. Mới bước chân vào thị trường, các thương hiệu trên đều báo cáo doanh thu tăng trưởng khả quan.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các cửa hàng tiện lợi như Circle K, Vinmart+, 7Eleven dày đặc trong lòng các khu dân cư cũng giúp người dân tiện lợi hơn trong việc mua sắm, thay vì phải tìm đến Big C “mua đồ cho cả tuần” như trước kia.
Theo TheLeader