Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Smartphone Việt

16/06/2018 11:25

Nếu phải kể tên một chiếc smartphone 'Made in Vietnam', có lẽ nhiều trong số chúng ta - tay cầm smartphone, cũng khó có thể kể cái tên thứ hai ngoài B-phone. Trong khi đó, B-phone bị 'ném đá' ngay cả khi chưa chào đời.

Có nhiều con số có thể gây ngạc nhiên: Năm ngoái, điện thoại các loại và linh kiện đứng đầu với 21,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa, đạt tới 45,27 tỉ USD.

Cực kỳ ấn tượng. Nhưng XK nhóm hàng này hầu như là của các doanh nghiệp (DN) FDI, chiếm tới 99,7% trong tổng kim ngạch, đạt 45,12 tỉ USD; các DN trong nước XK nhỏ đến mức chỉ 0,3%.

Cần phải đưa vào đây một con số nữa. 2 tháng đầu năm nay, riêng nhập từ TQ, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử đạt trị giá kim ngạch 2,47 tỉ USD, tức là khoảng 56.000 tỉ VND.

Những con số thống kê cho thấy một điều: Việt Nam luôn trong top thị trường smartphone, nhưng chỉ là top về tiêu thụ. Từ chiếc điện thoại “cục gạch” đời đầu, trong hơn 20 năm qua, người Việt luôn có mặt sớm nhất trong dòng người xếp hàng trước các cửa hàng Apple, “bóc tem” những chiếc smartphone thế hệ mới trong ngày đầu tiên. Trong khi đó, chiếc smartphone “Made in Vietnam” đúng nghĩa thậm chí không có cả chỗ đứng trên sân nhà. Ngoài B-phone, Mobistar, một chiếc điện thoại được quảng bá thuần Việt, một thời lọt vào bảng xếp hạng dù chỉ rất khiêm tốn, giờ cũng rất khó để bảo là một danh mục mua sắm của người Việt.

Năm 2013, trong một tọa đàm mang tên “iPhone hay Ai lúa?”, có một chi tiết được đưa ra: Người Mỹ chỉ cần bán một chiếc điện thoại iPhone cũng đủ mua một tấn gạo của nông dân Việt Nam.

Năm 2015, một chủ đề làm nóng mạng xã hội: Nếu 1 nông dân mỗi năm làm được 2 tạ lúa với giá 5.000 đồng/kg thì bao nhiêu năm sẽ mua được iPhone 6s plus. Và câu trả lời: Với giá 21,790 triệu đồng cho một chiếc iPhone cần 22 năm để gom đủ tiền mua iPhone. Từ bấy đến nay, câu hỏi ấy vẫn được đặt ra. Và có thêm câu nữa: Tại sao những chiếc Samsung có thể làm tại Việt Nam, do người VN thực hiện nhưng lại không có chỗ đứng cho smartphone Việt Nam?

iPhone hay Ai lúa thực ra là một câu hỏi thừa. Bởi không thể có một cách đặt vấn đề mang tính loại trừ nhau như vậy. Bởi câu trả lời là Việt Nam vẫn cần những cá nhân, những doanh nghiệp tiên phong cho một chiếc smartphone “Made in Vietnam” có thể khiến người Việt chấp nhận như một sản phẩm không liên quan gì đến tình yêu hàng Việt.

Nguyễn Tử Quảng với B-phone hay tới đây là Vsmart hẳn nhiên gặp rất nhiều khó khăn,nhưng nếu không có người mở lối thì sao có thể có một con đường.

Theo Anh Đào/Người Lao Động

Bạn đang đọc bài viết "Smartphone Việt" tại chuyên mục Chuyện thương trường.