SoftBank quay lại đường đua với kế hoạch rót vốn "mỗi ngày một start-up"

07/07/2021 18:39

Quỹ Vision 2 thuộc tập đoàn Softbank của tỷ phú Masayoshi Son bắt đầu triển khai rót tiền đầu tư, với mục tiêu trung bình là 1 startup mỗi ngày.

softbank-15992419382211871524075-1625657798.jpg

Theo dữ liệu từ phía Softbank, Vision Fund 2 đã lên kế hoạch rót tiền cho 129 công ty tính tới thời điểm 18/6, với 34 startup mới được thêm vào trong giai đoạn 1 tháng trước đó.

Cho tới thời điểm hiện tại, khoản đầu tư vào 85 công ty đã được chốt. Hội đồng đầu tư cũng đã chấp thuận kế hoạch rót vốn cho 44 công ty khác. Softbank kỳ vọng, danh mục đầu tư của Vision Fund 2 sẽ vượt con số 92 công ty trong danh mục của Vision Fund 1.

null
Vụ đầu tư vào Coupang đóng góp 24,5 tỷ USD vào lợi nhuận của Vision Fund. Ảnh: Nikkei

Theo báo cáo gửi các cổ đông của tập đoàn tại đại hội cổ đông hôm 23/6, Vision Fund 2 đã tăng gấp đôi ngân sách phân bổ đầu tư lên 40 tỷ USD trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến 18/6.

Tập đoàn Softbank cũng đã bán các tài sản của tập đoàn trong một năm qua và thu về lượng tiền mặt 50,6 tỷ USD, vượt mục tiêu 41 tỷ USD tuyên bố vào tháng 3/2020. Sau khi mua lại cổ phiếu và thanh toán các khoản nợ, dường như công ty này đang có kế hoạch dành phần còn lại của số tiền để rót vào 2 quỹ đầu tư.

Softbank đã phải thu hẹp hoạt động đầu tư kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát nhưng với mục tiêu mới nhất của Vision Fund 2, có vẻ như tập đoàn này đã bắt đầu quay trở lại đường đua.

Tốc độ các thương vụ thâu tóm, sáp nhập gần đây được đẩy nhanh một phần bởi sự hồi phục hoạt động kinh doanh của quỹ Vision Fund đã ghi nhận 6.350 tỷ yen (tương đương 57,4 tỷ USD) lợi nhuận đầu tư ròng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Việc hàng loạt startup trong danh mục của họ IPO, như tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc Coupang, đã tạo ra lợi nhuận lớn cho công ty.

Vision Fund 2 dường như sẽ đi theo chiến lược khác so với Vision Fund 1. Điểm thay đổi lớn nhất là thu hẹp ngân sách tối thiểu của các khoản đầu tư. Tính tới cuối tháng 3, Vision Fund 1 đã chi trung bình 931 triệu USD cho mỗi startup mục tiêu. Tuy nhiên, Vision Fund 2 đã rót 6,7 tỷ USD vào 44 mục tiêu, tức là giá trị đầu tư trung bình chỉ là 152 triệu USD cho mỗi startup.

Trên thực tế, việc đầu tư vào những startup giai đoạn đầu luôn mang tới nhiều rủi ro về việc startup đó có thể sẽ phá sản. Một khoản đầu tư nhỏ hơn vào một công ty sẽ mang lại lợi nhuận ít hơn nhưng rủi ro cũng thấp hơn. 

Cùng với đó, điểm khác biệt nữa giữa hai quỹ là Vision Fund 2 có nhiều khoản đầu tư vào các công ty công nghệ sức khỏe trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trên toàn cầu. 44 công ty trong danh mục của quỹ tính tới tháng 3 hiện đều nằm trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc đầu tư có phần ồ ạt của Vision Fund 2 đang làm dấy lên câu hỏi liệu Softbank có quá nới lỏng quản lý rủi ro hay không, nhất là khi cổ phiếu Coupang bắt đầu giảm chỉ một tháng sau khi IPO. Những startup khác trong danh mục của Softbank cũng chứng kiến số phận tương tự. 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, Softbank đang muốn quay trở lại và tăng tốc trên đường đua, nhưng điều kiện thị trường có thể đẩy tập đoàn này vào trạng thái phòng thủ một lần nữa.

Theo Đỗ Hiền/Doanh nhân và Pháp luật