Ứng dụng gọi xe Grab dự kiến nhận thêm gần 1,5 tỷ USD từ quỹ đầu tư Vision Fund của SoftBank, nằm trong vòng gọi vốn mới nhất của công ty này, hãng tin Reuters dẫn lời Ming Maa, chủ tịch của Grab, cho biết.
Vòng gọi vốn mới nhất của Grab, dự kiến huy động tổng cộng hơn 4,5 tỷ USD, được khởi động không lâu sau khi Uber dừng hoạt động tại Đông Nam Á vào tháng 3/2018, kết thúc cuộc chiến cạnh tranh tốn kém và đổi lấy 27,5% cổ phần Grab.
Maa, cho biết: "Chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới, và có thể cân nhắc tăng quy mô gọi vốn trong tương lai",
Maa, 42 tuổi, hiện đang là cựu giám đốc tại SoftBank và là người đứng sau những khoản đầu tư của SoftBank vào Grab trước khi gia nhập startup này vào năm 2016.
Trước khoản đầu tư mới nhất từ SoftBank, Grab được định giá 11 tỷ USD và nằm trong top 15 startup "kỳ lân" (định giá trên 1 tỷ USD) trên thế giới, theo hãng nghiên cứu CB Insights.
Maa cho biết Grab không chú trọng việc chào bán cổ phiếu, kể cả khi các công ty gọi xe của Mỹ gồm Lyft và Uber đều đang ráo riết lên sàn trong năm nay.
"Nói chính xác là chúng tôi hoàn toàn không đặt trọng tâm vào IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hay một lộ trình IPO vào thời điểm này", Maa cho biết. "Hiện tại, chúng tôi chỉ tập trung vào phát triển thị phần, phát triển kinh doanh, thay vì một thương vụ trên thị trường chứng khoán".
Grab cho biết vòng gọi vốn hiện tại của công ty thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn như Toyota Motor Corp, Microsoft và Hyundai Motor Co. Theo nguồn thạo tin, kể từ khi thành lập vào năm 2012, startup Singapore đã huy động được khoảng 8 tỷ USD, được dùng để mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á - khu vực với khoảng 650 triệu dân.
"Chúng tôi sẽ đầu tư phần lớn số vốn huy động được vào phát triển nền tảng siêu ứng dụng và cung cấp các dịch vụ mới cho khách hàng, đặc biệt là ở Indonesia," Maa nói.
Các lĩnh vực trọng tâm của Grab gồm dịch vụ tài chính, giao đồ ăn, giao hàng chặng cuối để phục vụ cho các doanh nghiệp như Tokopedia - sàn thương mại điện tử lớn nhất Indonesia.
Ứng dụng của Grab có hơn 138 triệu lượt tải xuống tại 8 thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, startup này đang vấp phải nhiều rào cản pháp lý kể từ sau khi Uber rút khỏi khu vực.
Grab mở rộng sang Indonesia - quê hương của đối thủ Go-Jek, trong bối cảnh cả hai công ty đều đang huy động hàng tỷ USD để đưa dịch vụ ngân hàng, gọi xe, giao đồ ăn và thương mại điện tử đến với mọi ngóc ngách ở Đông Nam Á.
"Chúng tôi không thấy bất kỳ suy giảm tăng trưởng nào trong các mảng kinh doanh cốt lõi, và nếu có, chúng tôi sẽ tiếp tục tung ra các dịch vụ mới, và dự báo tăng trưởng từ các dịch vụ mới này sẽ cao hơn những dịch vụ đã phát triển của công ty", Maa nói.
Trong năm 2018, doanh thu của Grab tăng lên hơn 1 tỷ USD, gần gấp đôi so năm trước.
Cả Grab và Go-Jek đều bắt đầu với dịch vụ gọi xe và nhanh chóng thu hút hàng triệu khách hàng với hàng loạt chương trình giảm giá tại các quốc gia thu nhập thấp. Go-Jek nhận được đầu tư từ Temasek Holdings, Tencent Holdings và Google.
Trong khi đó, Grab có kế hoạch cung cấp dịch vụ video theo yêu cầu hợp tác với HOOQ, chăm sóc sức khỏe trực tuyến hợp tác với Ping An Good Doctor và đặt phòng khách sạn cùng với Booking Holdings.
Maa cho biết Grab đã có lãi trong mảng kinh doanh dịch vụ gọi xe tại một số thị trường phát triển của mình, nhưng không đưa ra mốc thời gian chính xác.
Ý Nhi/Theo Reuters