Vinfast dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng 500.000 m2 nhà xưởng để đi vào sản xuất từ tháng 7/2018.
Tính đến cuối tháng 1/2018, Vinfast đã hoàn tất hợp đồng mua sắm 4 xưởng với các đối tác tên tuổi trên thế giới gồm: xưởng dập, xưởng động cơ, xưởng sơn, xưởng lắp ráp. Dự kiến cuối tháng 3/2018, Vinfast sẽ ký hợp đồng xưởng cuối cùng là xưởng hàn.
Hiện tại, các công đoạn xây dựng trên công trường đều vượt so với tiến độ, do đó Vinfast nhiều khả năng sẽ có thể thể ra mắt hai dòng xe vào quý III/2019.
Đại diện Vingroup đang trình bày tiến độ dự án. Ảnh: Nhật Bắc
Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast được xây dựng tại đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng với quy mô 335 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 35.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD), tổng vốn đầu tư cho cả cụm nhà máy có thể lên tới 3,5 tỷ USD.
Dự án bao gồm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; nhà xưởng sản xuất chế tạo linh kiện, phụ tùng; nhà sơn, hoàn thiện; khu phân phối; sân bãi tập kết, khu logistics; khu thử nghiệm, đường chạy thử.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, công suất của Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast là 250.000 xe ô tô/năm; 500.000 xe máy và xe điện/năm. Doanh nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu ô tô trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025.
Trao đổi với phóng viên TheLEADER, ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, giám sát dự án sản xuất ô tô của Vinfast, khẳng định cam kết sau 1 năm ra mắt xe máy điện, 2 năm ra ô tô Sedan 5 chỗ, SUV 7 chỗ, 3 năm ra ô tô điện, với tỷ lệ nội địa hóa dần đạt 60%.
“Đối với dự án sản xuất ô tô Vinfast, thực sự là một tốc độ… hỏa tốc, ngay người có hiểu biết về ngành ô tô họ cũng ngạc nhiên. Với tinh thần rất quyết liệt của tập đoàn và những đồng nghiệp rất sáng tạo ở Vinfast, chính tôi cũng bất ngờ với thành công từng bước nhanh như vậy”, ông Huệ chia sẻ.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong chuyến thăm công trường xây dựng Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast sáng 2/3, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Vinfast quan tâm hơn nữa trong việc phát triển doanh nghiệp hỗ trợ, tăng tối đa tỉ lệ nội địa hóa; hoàn thành các thủ tục đối với dự án theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, phát triển sản phẩm.
Theo Phó thủ tướng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, thị trường ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, hiện tại công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn ở trình độ phát triển chưa cao. Trong số khoảng 170 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô, chỉ số ít là có quy mô đủ lớn, còn lại là các cơ sở nhỏ, phân tán.
Phó thủ tướng cho biết sau một thời gian dài nhưng tỉ lệ nội địa hóa xe dưới 9 chỗ ngồi trung bình cũng chỉ đạt khoảng 10%, quá thấp so với yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, nếu các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước không có các giải pháp mạnh mẽ, ngành công nghiệp ô tô sẽ đứng trước nguy cơ không thể phát triển.
Nếu phát triển công nghiệp ô tô sẽ tạo ra việc làm, tăng thu ngân sách, góp phần lớn cho tăng trưởng. Cùng với đó, công nghiệp ô tô trong nước phát triển cũng sẽ giúp giảm nhập siêu, phát triển thị trường ô tô; đảm bảo cung cấp ô tô chất lượng tốt, an toàn, giá cả hợp lý cho người dân.
Đặng Hoa/TheLeader