“Sóng ngầm” tranh miếng bánh khách sạn của các công ty công nghệ

09/09/2019 17:56

80 triệu lượt khách du lịch nội địa đang tạo ra một nhu cầu lớn về dịch vụ lưu trú. Các công ty ứng dụng công nghệ theo đó chạy đua gia tăng mạng lưới đối tác để giành miếng bánh thị trường này qua mô hình nhượng quyền khách sạn. 

"Sóng ngầm" của thị trường này có thể thấy chỉ hơn năm qua với sự tham gia mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam của hai startup công nghệ đình đám tại châu Á và sự nổi lên của các startup trong nước.

OYO - kỳ lân Ấn Độ được định giá 5 tỉ USD và là chuỗi khách sạn lớn thứ ba thế giới, hồi tháng 7 công bố đầu tư 50 triệu USD để tới cuối 2020 mở rộng quy mô ra 10 thành phố của Việt Nam với hơn 20.000 phòng độc quyền.

RedDoorz, khởi đầu từ Indonesia năm 2015, mới đây gọi vốn 70 triệu USD từ Aisa Partners, Rakuten Capital và Mirae Asset - Naver Growth Fund để mở rộng thị trường Đông Nam Á. RedDoorz vào Việt Nam cuối 2018 trong kế hoạch thiết lập 220 khách sạn tại các thành phố lớn của Việt Nam trong năm nay.

“Sóng ngầm” tranh miếng bánh khách sạn của các công ty công nghệ - ảnh 1

Các"Uber khách sạn" đang nhắm đến thị trường hàng trăm triệu lượt khách nội địa Việt Nam.

Trong khi các công ty Việt Nam đang tham gia thị trường "khách sạn công nghệ" này được biết đến với những cái tên như Aharooms, 7s…

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2018 Việt Nam có 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 6,3 triệu so với cùng kỳ 2017. Tám tháng đầu năm 2019, con số này xấp xỉ 60 triệu trong ước tính cả năm đạt 90 triệu lượt khách, là một thị trường lưu trú rất lớn.

Trong khi thị trường khách quốc tế vào Việt Nam hàng năm chỉ tương đương 15% lượng khách trong nước, thì khách du lịch nội địa mới chính là miếng bánh lớn mà hầu hết các "Uber khách sạn" tập trung khai thác.

Quan sát thị trường cho thấy các công ty này tập trung vào nhóm khách sạn từ 3 sao trở xuống và phân khúc khách du lịch tự túc theo nhóm từ 4 người trở xuống. Việc ứng dụng công nghệ để quản lý và tiếp cận người dùng nhằm tối ưu công suất phòng.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2018 Việt Nam có 30.000 cơ sở lưu trú dưới 3 sao. Tính đến hiện tại, OYO, RedDoorz, Aharoom tạm thời ở tốp đầu với hơn 100 đối tác khách sạn mỗi chuỗi.

Đại diện RedDoorz cho biết hiện đã thiết lập các đối tác ở năm thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Vũng Tàu và Đà Lạt, trong kế hoạch cuối năm nay tăng số khách sạn đối tác lên 220. Chiến lược chọn đối tác là các khách sạn có tối thiểu 12 phòng, gần bến xe, ga xe lửa, sân bay...

RedDoorz cũng sẽ mở rộng thị trường ở các điểm du lịch mới như Sapa, Cần Thơ và khai trương trung tâm công nghệ ở Việt Nam trong năm nay. “Việt Nam là thị trường thứ hai, sau Ấn Độ, chúng tôi xây dựng trung tâm công nghệ vì đây là một trong các thị trường quan trọng,” đại diện RedDoorz nói với Forbes Việt Nam.

Chủ khách sạn không muốn nêu tên ở TP.HCM cho biết có hai cách các đơn vị nước ngoài đang áp dụng với đối tác Việt Nam. Cách thứ nhất, là thu phí 25% trên mỗi giao dịch phát sinh như OYO. Theo đó có ba nguồn khách dẫn đến khách sạn: 1. nguồn khách trực tiếp của khách sạn; 2. khách từ các trang đặt phòng trực tuyến liên kết với OYO như Booking.com, Agoda.com hay Traveloka.com...; 3. khách của chính  OYO. Cách thu của OYO được xem phù hợp với các khách sạn mà nguồn khách trực tiếp không cao.

Cách thứ hai, được RedDoorz áp dụng, là sẽ mua lại một lượng phòng nhất định hoặc toàn bộ, tùy theo quy mô khách sạn, theo mức giá họ đưa ra trong tháng. Nếu RedDoorz kinh doanh thấp hơn sẽ phải bù cho chủ khách sạn, nếu lời sẽ chia theo tỷ lệ hai bên đã thỏa thuận.

Giống như OYO, sau khi mua lại RedDoorz thường giảm giá phòng để đẩy cao công suất cho thuê nhằm tăng doanh thu cao hơn cho chủ khách sạn. Tuy nhiên, các chi phí vận hành phát sinh như điện nước, giặt ủi khi công suất phòng được đẩy lên cao do chủ khách sạn thanh toán.

Trên thị trường hiện vẫn có nhóm khách sạn muốn đẩy công suất phòng cao hơn nhưng không phải giảm giá phòng. Đây là ngách của các công ty Việt Nam tham gia lĩnh vực này. Ông Ngô Đức Nguyên, đồng sáng lập Aharooms cho biết công ty tập trung tiếp thị, bán hàng cho các chủ khách sạn và ăn chia theo tỷ lệ.

Cụ thể, công ty sẽ tối ưu giá bán phòng và lượt hiển thị của khách sạn trên các nền tảng đặt phòng như Booking.com, Traveloka.com hay Agoda.com, thiết lập các chương trình quảng cáo hiệu quả. Đổi lại, Aharooms thu phí dựa trên tổng doanh thu, tùy theo thỏa thuận nhưng tỷ lệ sẽ không quá 5%. “Có thể ví chúng tôi là bộ phận kinh doanh thuê ngoài của các chủ khách sạn,” ông Nguyên nói.

Bằng cách này, Aharooms gia tăng số đối tác khách sạn, dự kiến đến cuối năm nay tăng lượng đối tác lên hơn 250. Hiện công ty đã có mặt ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP.HCM và Vũng Tàu.

Nhìn chung, đại diện các doanh nghiệp cho biết thị trường vẫn đang đủ rộng cho tất cả mọi nhà cung cấp, tuy nhiên họ cũng thừa nhận đây mới chỉ là thời điểm khởi đầu quan trọng để các "Uber khách sạn" xây dựng và tạo lòng tin với đối tác và người dùng.

Theo ForbesVietNam